Gia đình

Từ chiếc nôi phong trào gia đình văn hóa...

13/03/2014 04:27

Gia đình là môi trường quan trọng dưỡng dục, chở che, hình thành nhân cách các thế hệ. Từ nhận thức sâu sắc điều sơ giản đó, năm 1960, sáu gia đình ở thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long (Hưng Yên) đã tự nguyện giao ước thi đua với nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Hạt giống 6 gia đình này gieo mầm nhanh chóng lan tỏa và Ngọc Long trở thành nơi khởi nguồn của phong trào xây dựng gia đình văn hóa trong cả nước.

Nhớ tiếng hát một thuở từ chiếc nôi văn hóa

Những năm 60 của thế kỷ XX, giữa không gian thanh bình của làng quê giàu bản sắc văn hóa, mỗi sân đình thôn Ngọc Tỉnh là một sân khấu, dưới ánh trăng, giọng hò lơ, điệu hát trống quân ngợi ca công cuộc xây dựng miền Bắc vang lên khắp thôn xóm. Tiếng hát đi vào nếp sống của người dân nơi đây tự nhiên, dung dị như chính tâm hồn của họ. Từ chiếc nôi văn hóa này, hạt giống phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã được ươm mầm.

Sáu gia đình ngày ấy đã giao ước thi đua với nhau thực hiện nếp sống mới, bao gồm những việc làm cụ thể: Giúp nhau sản xuất; gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân; nuôi con học hành tiến bộ; gia đình ngăn nắp, vệ sinh, sạch sẽ. Gia đình kiểu mẫu theo nội dung trên ban đầu chỉ bó gọn ở một số hộ, nhưng bởi ý nghĩa thiết thực nên như một hiệu ứng tự lan tỏa nhanh chóng nhân rộng toàn thôn Ngọc Tỉnh, rồi phát động cả tỉnh Hưng Yên. Tiếp đó, phong trào trở thành một điển hình thi đua bắt nhịp cùng làn sóng các cuộc thi đua khác của cả nước như: Gió "đại phong", sóng "duyên hải", cờ "ba nhất", tiếng trống "Bắc Lý" thôi thúc lúc bấy giờ.

Sau khi đã thống nhất thi đua, các hộ tâm niệm, bản thân gia đình mình phải là tấm gương mẫu mực về lối sống, đồng thời thi đua không thể chỉ bằng lời nói mà phải bằng những việc làm cụ thể, đóng góp công sức cho cộng đồng. Mỗi gia đình sáng lập phong trào bằng những sở trường, thế mạnh của mình ra sức cống hiến cho quê hương. Cụ Luyện Văn Ẩn, một trong 6 người sáng lập phong trào, đã ươm trồng vườn nhãn lồng hơn 1.000 m2 phân phát miễn phí cho bà con làng xóm. Cụ Nguyễn Văn Tục cùng người con trai cả biết chơi một số nhạc cụ dân tộc như thổi sáo, kéo nhị, đứng ra thành lập đội văn nghệ của thôn, người dân tham gia đông đúc, ca hát trở thành nếp sinh hoạt không thể thiếu của người dân nơi đây...

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa như một động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển về kinh tế - xã hội của Ngọc Long lúc bấy giờ. Theo số liệu còn lưu lại, đến năm 1962, toàn xã có 71,6% số gia đình đủ ăn, 16,3% số hộ dư thừa, 99% số người biết đọc, biết viết, 67% số hộ được bình xét và trao giấy chứng nhận là gia đình văn hóa. Bộ Văn hóa cũng đã kịp thời rút kinh nghiệm, chỉ đạo phổ biến nhân rộng điển hình tiên tiến này ra toàn miền Bắc và trong Hội nghị liên hoan gia đình văn hóa tại Hải Phòng cuối năm 1962 đã suy tôn xã Ngọc Long là quê hương sản sinh, là chiếc nôi của phong trào gia đình văn hóa.

Phong trào sau đó mở rộng tới nhiều địa phương như: Hải Dương, Bắc Giang, Thái Bình, Thanh Hóa..., giữa lúc đang bắt đầu phát triển thì miền Bắc bước vào thời kỳ vừa chiến đấu vừa xây dựng, nên tạm lắng xuống. Trong hoàn cảnh chiến tranh, Ngọc Long phải gồng mình lên, vừa để dồn hết sức cho tiền tuyến, vừa duy trì việc xây dựng gia đình văn hóa ở hậu phương. Năm 1982, nhân dịp tổ chức kỷ niệm 20 năm xây dựng phong trào gia đình văn hóa, nhân dân Ngọc Long vinh dự được cố Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nguyễn Văn Hiếu về thăm và tặng bức trướng mang dòng chữ: "Ngọc Long - quê hương gia đình văn hóa của cả nước".

Thời gian xóa mờ nhiều hiện vật quý báu, những người sáng lập cũng đã khuất, nhưng trong suốt chiều dài lịch sử gần 50 năm qua, dòng mạch của phong trào vẫn bền bỉ chảy trên quê hương Ngọc Long.

Viết tiếp trang sử truyền thống

Ngọc Long mang trong mình niềm vinh dự song cũng là trọng trách của nơi sinh ra phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Trưởng thành từ chiếc nôi này, Ngọc Long vững vàng trên chặng đường phát triển. Hiện nay, xã đã có 4/4 làng được công nhận làng văn hóa, số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa là trên 1,2 nghìn hộ, chiếm 90%, phấn đấu đến năm 2010 là 100%.

Trải qua chặng đường một nửa thế kỷ kể từ ngày phong trào được khởi xướng, các thế hệ nối tiếp vẫn tiếp tục gìn giữ truyền thống của ông cha. Điều để lại ấn tượng sâu sắc khi đến với thôn Ngọc Tỉnh là phòng truyền thống gia đình của ông Luyện Ngọc Thanh, con trai cụ Luyện Văn Ẩn. Phòng truyền thống ghi lại quá trình phát triển của phong trào từ lúc còn trứng nước cho đến ngày nay, được đặt trang trọng trong gia đình giống như tấm lòng tri ân đối với thế hệ trước, cũng là lời nhắn nhủ cho các thế hệ mai sau. Ông Thanh cho biết, 6 gia đình khởi xướng phong trào hiện nay đều là những gia đình văn hóa tiêu biểu của xã và huyện, con cháu học hành thành đạt, hằng tháng, 6 hộ vẫn duy trì việc họp bàn với nhau để kiểm điểm những việc làm được và chưa được trong sản xuất, đời sống và nuôi dạy con cái.

Các thôn của xã Ngọc Long xây dựng hương ước, quy ước, nội dung dễ hiểu để người dân thực hiện, trong đó có 2 nội dung chính: Giữ nghiêm phép nước và giữ thuần phong, mỹ tục của làng. Phát triển theo tiêu chí mô hình làng văn hóa sức khỏe, gắn tăng trưởng kinh tế với chú trọng chăm sóc y tế, phong trào rèn luyện sức khỏe, bảo đảm môi trường sống trong lành cho cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, so với tầm vóc của mảnh đất quê hương phong trào, sự phát triển của Ngọc Long hiện nay vẫn chưa tương xứng. Hệ thống thiết chế văn hóa còn mỏng, sơ sài, nhất là chưa có phòng truyền thống của xã, huyện để lưu giữ, bảo quản các hiện vật về phong trào quan trọng trên. Mặt trái của kinh tế thị trường, sự biến động của dân cư do dịch chuyển lao động về các thành phố lớn không tránh khỏi việc làm xáo trộn nhiều nếp sống tốt đẹp của gia đình truyền thống, giảm sự gắn bó làng xã, các sinh hoạt cộng đồng.

Văn hóa gia đình là một bộ phận, là cái "gốc" của văn hóa làng, văn hóa của một đất nước. Gia đình không vững sẽ phá vỡ các nền tảng đạo đức cơ bản, gây xáo trộn, bất ổn, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của xã hội. Với tầm quan trọng đó, thiết nghĩ đầu tư để Ngọc Long trở thành một mô hình điểm về xây dựng gia đình văn hóa, đời sống văn hóa cơ sở là việc làm cần thiết, nuôi dưỡng và khơi dậy một phong trào có ý nghĩa quan trọng, từ đó nhân rộng, góp phần giáo dục việc xây dựng và gìn giữ gia đình văn hóa cho thế hệ mai sau. Điều này càng có ý nghĩa khi năm 2010 là dịp kỷ niệm 50 năm ngày phong trào xây dựng gia đình văn hóa ra đời tại đây. Truyền thống chính là nền tảng tạo nên sức bật để Ngọc Long phát triển nếu có sự đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất, con người, mô hình tối ưu... từ chính quyền cấp trên và các cơ quan có liên quan.

Từ Ngọc Long nghĩ về xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn hiện nay

Từ hạt mầm 6 gia đình tại thôn Ngọc Tỉnh ươm trồng, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đến nay đã trở thành một phong trào lớn, phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu với hơn 13 triệu hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa toàn quốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, lành mạnh hóa môi trường văn hóa ở cơ sở. Tuy nhiên, đời sống văn hóa cơ sở hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, nhất là tại các vùng nông thôn.

Một nghịch lý đang diễn ra, mặc dù đời sống vật chất nâng cao hơn song đời sống văn hóa - tinh thần của người nông dân có nơi lại nghèo nàn đi. Các thôn, xã phần lớn đã có nhà văn hóa song nhìn chung thiếu mô hình, cách thức hoạt động hiệu quả, gây lãng phí rất lớn, môi trường nông thôn ngày càng bị ô nhiễm... Người nông dân không có các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí dễ sa vào lối sống đơn điệu, các tệ nạn xã hội. Nghèo nàn trong thụ hưởng văn hóa là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng bất ổn về an ninh trật tự diễn ra tại nhiều vùng quê hiện nay.

Tính cố kết cộng đồng chính là đặc trưng tiêu biểu nhất của nông thôn Việt Nam. Từ sự gắn bó qua các sinh hoạt chung đã hình thành nên diện mạo văn hóa, tạo nên sức mạnh khó có gì lay chuyển nổi trong cộng đồng làng xã Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay, do nhiều yếu tố tác động, tính cố kết này có phần lỏng lẻo hơn, thiếu tính bền chặt của các mối quan hệ, dẫn đến nguy cơ về sự xáo mòn các giá trị. Trong chính bản thân gia đình tại nông thôn, hiện tượng ly hôn, mắc các tệ nạn xã hội, thiếu điều kiện, kiến thức về chăm sóc sức khỏe... cũng diễn ra phổ biến.

Hai yếu tố trước hết có vai trò quan trọng quyết định việc nâng cao mức thụ hưởng văn hóa của người nông dân chính là kết cấu hạ tầng văn hóa nông thôn và cán bộ văn hóa cơ sở. Cùng với việc nâng cấp các trạm y tế, công trình cung cấp nước sạch, rất cần đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đạt chuẩn, có điểm phục vụ bưu chính - viễn thông, kết nối in-tơ-nét đến thôn, tu sửa các di tích, công trình tâm linh... Vận hành hệ thống hạ tầng văn hóa trên cần có những cán bộ văn hóa cơ sở có trình độ cơ bản để hướng dẫn người dân, đặc biệt tâm huyết với công việc, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, các loại hình văn nghệ dân gian, lễ hội truyền thống để thu hút nhân dân tham gia. Trên hết, những yếu tố này phải được xây dựng dựa vào nền tảng một sự phát triển bền vững về kinh tế tại nông thôn./.

Hạ Long
Nguồn: Tạp chí Cộng sản
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 10845730