Gia đình

Các bước của Quy trình hỗ trợ người bị bạo lực, xâm hại tình dục tại Bệnh viện Hùng Vương và Trung tâm Công tác xã hội (theo Quyết định số 1836/QĐ-UBND ngày 09/5/2023 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Quy chế phối hợp liên ngành triển khai thực hiện thí điểm “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”

14/05/2023 09:03

1. Ngày 24 tháng 3 năm 2022, “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực đầu tiên thí điểm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” theo Quyết định số 4275/QĐ-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2022 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức ra mắt tại Bệnh viện Hùng Vương, địa chỉ số 128 Hồng Bàng, Phường 12, Quận 5.

Mô hình một cửa sẽ thực hiện chức năng tiếp nhận, khám sàng lọc, điều trị, tư vấn và cung cấp dịch vụ tại chỗ cho bệnh nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Thay vì phải đi đến nhiều nơi để tìm kiếm sự hỗ trợ, phụ nữ và trẻ em bị bạo lực chỉ cần đến Mô hình “một cửa” để được chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý và pháp lý. Nếu cần nơi tạm lánh khẩn cấp, nhân viên Công tác xã hội Bệnh viện Hùng Vương sẽ chuyển gửi nạn nhân tới Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên thành phố, địa chỉ tại số 14 Nguyễn Văn Bảo, Phường 4, Quận Gò Vấp để chăm sóc và nuôi dưỡng, can thiệp trị liệu và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu khác theo nhu cầu.

2. Ngày 09 tháng 5 năm 2023, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quy chế phối hợp liên ngành triển khai thực hiện thí điểm “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” tại Quyết định số 1836/QĐ-UBND (gọi tắt là Quy chế phối hợp liên ngành, nội dung Quyết định: Tải tại đây).

Tại Điều 7, Quy chế phối hợp liên ngành, quy định 06 bước hỗ trợ người bị bạo lực, xâm hại tình dục tại Bệnh viện Hùng Vương và Trung tâm CTXH, bao gồm:

Bước 1: Phát hiện người bị bạo lực, xâm hại tình dục:

Tất cả viên chức, người lao động đang công tác tại Bệnh viện Hùng Vương có trách nhiệm phát hiện người bị bạo lực, xâm hại tình dục tiếp nhận thông tin trực tiếp từ nạn nhân, gián tiếp qua người thân của họ hoặc qua thăm khám, điều trị.

Bước 2: Tiếp nhận và xử lý thông tin ban đầu

- Cá nhân phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin người bị bạo lực, xâm hại tình dục cần chủ động xác minh thông tin, nếu thông tin chính xác phải khẩn trương báo cáo lãnh đạo phòng CTXH (công tác xã hội) Bệnh viện về vụ việc.

- Phòng CTXH Bệnh viện chủ động phân công nhân viên Công tác xã hội (sau đây là viết tắt nhân viên CTXH) phối hợp với Phòng, Khoa chuyên môn của Bệnh viện thực hiện hoạt động đánh giá sơ bộ mức độ rủi ro, xác định nhu cầu và cung cấp thông tin về các dịch vụ trợ giúp cho người bị bạo lực, xâm hại tình dục. Căn cứ nhu cầu của người bị bạo lực, xâm hại tình dục để thực hiện lựa chọn 2 cấp độ hỗ trợ như sau:

+ Cấp độ 1: Cấp độ hỗ trợ khẩn cấp (Bước 3) và cung cấp các dịch vụ thiết yếu tại phòng CTXH Bệnh viện (Bước 4).

+ Cấp độ 2: Cấp độ hỗ trợ, can thiệp tại cộng đồng (chuyển ca đến Trung tâm CTXH theo dõi, thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ).

Bước 3: Hỗ trợ khẩn cấp:

- Bệnh viện Hùng Vương bố trí tạm lánh cho bệnh nhân là người bị bạo lực, xâm hại tình dục đang điều trị bị đe dọa theo quy định tại Thông tư số 24/2017/TT-BYT ngày 17/5/2017 của Bộ Y tế; đồng thời, đề nghị và phối hợp với cơ quan Công an nơi Bệnh viện trú đóng để bảo vệ bệnh nhân này và những người có liên quan.

- Khi người bị bạo lực, xâm hại tình dục có nhu cầu tạm lánh tại Trung tâm CTXH, Phòng CTXH Bệnh viện thông báo cho Trung tâm CTXH tiếp nhận, bố trí nơi tạm lánh cho họ.

Lưu ý: Trong trường hợp người bị bạo lực, xâm hại tình dục cấp cứu hoặc cần sự hỗ trợ giải cứu: Nhân viên CTXH Bệnh viện thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu và điều trị, nếu phát hiện những tổn thương nghiêm trọng nhưng Bệnh viện không đáp ứng điều kiện chăm sóc phải thông tin tới phòng CTXH Bệnh viện báo cáo Lãnh đạo Bệnh viện để thực hiện các bước (thủ tục) chuyển tuyến và hỗ trợ theo quy định; đồng thời, Phòng CTXH Bệnh viện phối hợp với Trung tâm CTXH và thành viên Hội đồng tư vấn để hội chẩn ca, hỗ trợ kịp thời.

Bước 4: Cung cấp các dịch vụ xã hội thiết yếu tại phòng CTXH Bệnh viện:

- Nhân viên CTXH tiếp nhận người bị bạo lực, xâm hại tình dục, tiến hành thu thập thông tin và tham vấn ban đầu, xác định nhu cầu, đánh giá mức độ rủi ro, căn cứ kết quả đánh giá để tư vấn cho người bị bạo lực, xâm hại tình dục về các dịch vụ hỗ trợ tại Phòng một cửa thuộc Bệnh viện Hùng Vương và Trung tâm CTXH theo hình thức:

A. Trường hợp người bị bạo lực, xâm hại tình dục không có nhu cầu tạm lánh tại Trung tâm CTXH:

- Nhân viên CTXH thực hiện hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn, tham vấn tâm lý, kết nối các dịch vụ hỗ trợ dựa trên nhu cầu của người bị bạo lực, xâm hại tình dục.

- Nhân viên y tế Bệnh viện thực hiện thăm khám ban đầu và chăm sóc sơ bộ vết thương nếu người bị bạo lực, xâm hại tình dục có nhu cầu cần hỗ trợ. Chuyển hồ sơ người bị bạo lực, xâm hại tình dục sau khi thăm khám, chăm sóc cho nhân viên CTXH để thực hiện lưu trữ hồ sơ và chuyển thông tin quản lý ca về Trung tâm CTXH để theo dõi, hỗ trợ và quản lý tại địa phương quy định.

B. Trường hợp người bị bạo lực, xâm hại tình dục có nhu cầu tạm lánh tại Trung tâm CTXH: Các dịch vụ thiết yếu được cung cấp tại Trung tâm CTXH gồm:

- Dịch vụ tạm lánh an toàn và chăm sóc tạm thời:

+ Viên chức, người lao động tại Trung tâm CTXH (bao gồm: nhân viên CTXH, y tế, tổng đài và phòng Hành chính) phối hợp thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, chăm sóc tạm thời và sắp xếp nơi tạm lánh an toàn cho người bị bạo lực, xâm hại tình dục theo sự phân công, chỉ đạo của Lãnh đạo Trung tâm (theo quy định tại Khoản 3, Điều 27, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ).

+ Thời gian người bị bạo lực, xâm hại tình dục tạm lánh tại Trung tâm CTXH được hỗ trợ tối đa 03 tháng (theo quy định tại Khoản 4, Điều 24, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ) để được cung cấp các dịch vụ thiết yếu theo quy định, phù hợp với nhu cầu; Trung tâm CTXH phối hợp với Cơ quan Công an nơi đơn vị trú đóng thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn nơi tạm lánh.

+ Trường hợp hết thời gian tạm lánh 03 tháng, nhưng khả năng, điều kiện của người bị bạo lực, xâm hại tình dục chưa thể tái hòa nhập cộng đồng hoặc vụ việc đang trong quá trình Tòa án thụ lý, giải quyết, Trung tâm CTXH báo cáo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét cho phép kéo dài thời gian tạm lánh/cách ly/chăm sóc thay thế cho đến khi họ đủ khả năng, điều kiện tái hòa nhập cộng đồng (theo quy định tại Khoản 4, Điều 24 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ).

+ Nhân viên CTXH tại Trung tâm CTXH có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hỗ trợ và dự kiến thời gian tạm lánh của người bị bạo lực, xâm hại tình dục, báo cáo Lãnh đạo Trung tâm (theo quy định tại Quyết định số 2017/QĐ-UBND và Quyết định số 825/QĐ-UBND).

- Dịch vụ y tế: Nhân viên y tế của Trung tâm CTXH thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người bị bạo lực, xâm hại tình dục trong thời gian tạm lánh; báo cáo Lãnh đạo Trung tâm đối với trường hợp phát hiện những tổn thương nghiêm trọng nhưng Trung tâm không đủ điều kiện chăm sóc để thực hiện các bước (thủ tục) chuyển tuyến và hỗ trợ theo quy định.

- Dịch vụ xã hội: Nhân viên CTXH tại Trung tâm CTXH thực hiện các hoạt động sau dựa trên nhu cầu và nguyên tắc lấy người bị bạo lực, xâm hại tình dục làm trung tâm:

+ Thông tin về dịch vụ, nguyên tắc trợ giúp, nội quy của nơi tạm lánh;

+ Cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức về quyền của người bị bạo lực, xâm hại tình dục, các thông tin liên quan đến Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, các chính sách, dịch vụ hỗ trợ, thúc đẩy bình đẳng giới;

+ Tư vấn tăng cường tính tự chủ, tham vấn tâm lý;

+ Hướng dẫn kỹ năng sống;

+ Xây dựng Kế hoạch hỗ trợ trên cơ sở thống nhất các nội dung với người bị bạo lực, xâm hại tình dục và phù hợp quy định phát luật hiện hành;

+ Tham mưu, phối hợp với các bên liên quan (bao gồm cả Hội đồng tư vấn và các Chuyên gia được mời tham gia hỗ trợ) để tư vấn, hỗ trợ cho người bị bạo lực, xâm hại tình dục trong các vấn đề khác, đặc biệt là ở lĩnh vực Tư pháp và Hành pháp;

+ Quản lý và đánh giá trường hợp, tham mưu cho Lãnh đạo Trung tâm CTXH phối hợp và thực hiện chuyển tuyến tới dịch vụ chuyên biệt trong trường hợp cần thiết (Bước 5);

+ Đánh giá điều kiện hòa nhập cộng đồng, xây dựng kế hoạch hòa nhập cộng đồng của người bị bạo lực, xâm hại tình dục (Bước 6);

+ Thực hiện lưu trữ hồ sơ theo quy định.

Bước 5: Chuyển tuyến tới dịch vụ chuyên biệt hơn:

Nhân viên CTXH Bệnh viện thực hiện tham mưu, phối hợp với Phòng, Khoa Bệnh viện; Trung tâm CTXH và các đơn vị liên quan để thực hiện thủ tục kết nối, chuyển tuyến hỗ trợ người bị bạo lực, xâm hại tình dục trong các trường hợp sau:

- Bị tổn thương nghiêm trọng về thể chất và sức khỏe tâm thần;

- Cần thu thập chứng cứ, truy tố hình sự đối với người gây bạo lực;

- Là người cao tuổi, không còn nơi nương tựa;

- Không có công việc, nghề nghiệp;

- Là nạn nhân của mua bán người.

Bước 6. Hòa nhập cộng đồng:

- Khi người bị bạo lực, xâm hại tình dục có đơn đề nghị trở về cộng đồng, Trung tâm CTXH tiến hành đánh giá điều kiện và khả năng tái hòa nhập cộng đồng; Kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng trên cơ sở có sự tham gia của người bị bạo lực, xâm hại tình dục, sau đó trình Lãnh đạo Trung tâm CTXH phê duyệt.

- Kết thúc hoạt động hỗ trợ tạm lánh, chăm sóc tạm thời, tư vấn, tham vấn và can thiệp, hỗ trợ cho người bị bạo lực, xâm hại tình dục tại Trung tâm CTXH.

- Hoàn thiện thủ tục, đóng ca và lưu trữ, bảo mật hồ sơ theo quy định.

- Theo dõi, duy trì liên hệ với người bị bạo lực, xâm hại tình dục; đồng thời phối hợp, chuyển gửi thông tin, kế hoạch hòa nhập cộng đồng của người bị bạo lực, xâm hại tình dục tới chính quyền địa phương để thực hiện các hoạt động trợ giúp trong trường hợp họ tiếp tục cần sự hỗ trợ tại cộng đồng.

Thu Hiền
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 12048131