Điện ảnh

Gian nan giữ nghề hát bội

28/11/2016 04:21

(SGGPO) - Đất nước phát triển và hội nhập mạnh mẽ, là điều kiện giúp nhiều loại hình giải trí hiện đại xuất hiện, phát triển rầm rộ, thu hút sự quan tâm của số đông công chúng. Đó là một trong những nguyên nhân khiến các loại hình nghệ thuật truyền thống trong đó có hát bội, rơi vào tình trạng khủng hoảng, bấp bênh trong hoạt động. Nhưng bằng tất cả nhiệt huyết, đam mê nghệ thuật, tập thể nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM đang cùng chung tay nỗ lực từng bước giải quyết những khó khăn trước mắt.

Tận dụng “cây nhà lá vườn”

Khoảng 10 năm trước, nhà hát luôn phải mời những đạo diễn tên tuổi của làng nghệ thuật như: NSND Lê Tiến Thọ, NSND Huỳnh Nga, NSND Trần Ngọc Giàu, NSƯT Trần Minh Ngọc, NSƯT Ca Lê Hồng, NSƯT Hoàng Ngọc Đình, đạo diễn Võ Trọng Nam… đảm nhiệm vai trò đạo diễn, dàn dựng cho nhà hát những vở tuồng mới.


Chương trình sân khấu học đường lôi cuốn khán giả nhỏ tuổi

Đến những năm trở lại đây, việc mời đạo diễn về dàn dựng cho nhà hát cũng gặp không ít trở ngại: một số đạo diễn kỳ cựu tuổi cao sức yếu, một số ở xa, bận nhiều việc, bên cạnh đó vấn đề kinh phí cũng là một mấu chốt quan trọng khiến nhà hát phải đắn đo.

Về phía tác giả, trước đây, nhà hát thường sử dụng kịch bản tuồng của NSND Đinh Bằng Phi, tác giả - đạo diễn Lê Duy Hạnh, tác giả Phi Hùng, Đức Hiền… nhưng về sau này, các tác giả tên tuổi chuyên viết cho sân khấu hát bội cũng lớn tuổi, sức khỏe không cho phép tiếp tục làm nghề, khiến thiếu hụt tác phẩm mới.

Trước tình hình khó khăn về tác giả lẫn đạo diễn, nhà hát đã nhanh chóng triển khai kế hoạch hỗ trợ các nghệ sĩ kỳ cựu, có khả năng và đam mê công tác đạo diễn, lần lượt tham gia các lớp đào tạo ở trường chính quy.

Sau một thời gian các nghệ sĩ học tập, rèn luyện và “thử tay nghề” đạo diễn sân khấu, nhà hát đã có được 8 đạo diễn “người trong nhà”, gồm: NSƯT Xuân Quan, NSƯT Hữu Danh, NSƯT Ngọc Nga, NSƯT Linh Hiền, NS Hữu Nhi, Nguyễn Hoàn, Đông Hồ, Tuấn Nghĩa, ngày càng vững vàng về chuyên môn, có sự hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật hát bội, có thể vừa tham gia dàn dựng, đạo diễn, vừa diễn xuất.

Ở vai trò tác giả, bằng sự nỗ lực cá nhân, NSƯT Hữu Danh đã từng bước tôi luyện sức sáng tạo, chịu khó nghiên cứu để sáng tác nhiều tác phẩm tuồng cho nhà hát. Tuy các vở của tác giả - NSƯT Hữu Danh chưa thật sắc sảo như những cây viết tài danh NSND Đinh Bằng Phi, tác giả - đạo diễn Lê Duy Hạnh, nhưng đã rất kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp bách trong đầu tư dàn dựng vở mới, phục vụ công chúng, xây dựng vở mới để nhà hát tham gia các kỳ liên hoan hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

Sau hàng loạt những vở tuồng đã công diễn, có thể thấy, lực lượng tác giả - đạo diễn tại chỗ đã giải quyết khá tốt vấn đề khó khăn của nhà hát, giúp nhà hát duy trì được hoạt động tổ chức biểu diễn (phục vụ 40 suất/năm), góp phần quảng bá rộng rãi loại hình nghệ thuật truyền thống này với người dân TPHCM và khán giả ở nhiều tỉnh, thành phía Nam.

Tìm kiếm khán giả

Tham dự suất hát sân khấu học đường của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM tại Trường Tiểu học Lê Chí Trực quận 3, mới thấy hết tinh thần vì trẻ thơ của anh em nghệ sĩ hát bội. Từ sáng sớm, hơn 30 nghệ sĩ, nhạc công, hậu đài đã có mặt tại trường học. Các nghệ sĩ, mỗi người ngồi một góc, ai nấy đều chú tâm, tẩn mẩn, tỉ mỉ với công việc hóa trang, thay trang phục, kiểm tra đạo cụ và chờ các bé đến trường đầy đủ. Khi chương trình bắt đầu, các khán giả nhỏ và thầy cô giáo đều rất thích thú với những tiết mục biểu diễn sinh động, màu sắc, tươi vui. Sau màn múa chào mừng và diễn tiểu phẩm Trần Hưng Đạo đại chiến Bạch Đằng giang, Em bé ngoan cường, các em học sinh đã xung phong lên sân khấu để diễn thử, thực hành các điệu bộ của nghệ thuật hát bội - cách thức trình diễn của loại hình nghệ thuật hát bội, cùng tìm hiểu về nghệ thuật hóa trang mặt - ngôn ngữ của mặt nạ hát bội. Không khí giao lưu vui tươi, ý nghĩa đã giúp trẻ thơ có được những khoảnh khắc tiếp cận thật gần với loại hình nghệ thuật truyền thống mà trước đó ít được gặp, nghe, thấy.

NSƯT Xuân Quan cho biết: “Trong danh mục biểu diễn chương trình sân khấu học đường, nhà hát đã chuẩn bị mười mấy trích đoạn để các trường học chọn lựa. Tùy theo đối tượng phục vụ là học sinh tiểu học hay học sinh THCS mà chúng tôi chuẩn bị các trích đoạn phù hợp để trình diễn. Xen kẽ nội dung biểu diễn là những màn giao lưu, đố vui có thưởng, giới thiệu về nguồn gốc, kỹ thuật trình diễn, hóa trang, âm nhạc… của nghệ thuật hát bội, nhằm giúp các em học sinh hiểu hơn về loại hình nghệ thuật truyền thống này”.

Hoạt động sân khấu học đường vốn được nhà hát thực hiện từ lâu, nhưng trước đây, nhờ có quỹ Ford cho mỗi năm hơn 70 triệu đồng, nhà hát tổ chức chương trình sân khấu học đường thường xuyên hơn với mấy chục suất/năm học. Sau này, khi quỹ Ford không còn hỗ trợ, nhà hát không có kinh phí hoạt động nhiều nên hiện nay chỉ duy trì được 12 suất/năm học, dù chi phí cho mỗi suất diễn không cao, khoảng 3,5 triệu đồng/suất.

Với 3,5 triệu đồng/suất, cho một ê kíp nghệ sĩ, nhạc công, hậu đài, khoảng 30-40 người, phục vụ cho hàng trăm em thiếu nhi, thầy cô giáo, tính ra vé xem hát bội thật quá rẻ. Thế nhưng, các suất hát phục vụ đối tượng khán giả nhỏ vẫn chỉ có thể khoanh vùng ở con số hơn một chục, vì kinh phí eo hẹp. Lý do này đang khiến loại hình nghệ thuật truyền thống này ít nhiều giảm đi cơ hội tiếp cận với khán giả trẻ, công việc tìm kiếm lớp khán giả hát bội tương lai gặp không ít trở ngại.

Nhiều ý tưởng phát triển

Năm 1998, được sự chấp thuận của Sở VH-TT TPHCM, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM đã liên doanh với Công ty TNHH Dịch vụ, Thương mại, Xây dựng Ánh Dương thành lập Trung tâm Văn hóa Long Phụng. Tuy nhiên, sau một thời gian, hoạt động của trung tâm không phát triển được nên phía đối tác buông bỏ địa điểm này. Rạp Long Phụng từ đó ngày càng xuống cấp, nhưng không thể sửa chữa, nâng cấp hay tổ chức các hoạt động.

Theo hợp đồng, đến năm 2019, nhà hát sẽ chấm dứt liên kết với Công ty TNHH Dịch vụ, Thương mại, Xây dựng Ánh Dương. Đây là vấn đề được anh em nghệ sĩ quan tâm.

NS Huỳnh Hữu Nhi, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM, tâm tư: “Trước khi đến tuổi hưu vào cuối năm sau, tôi lo lắng nhất 3 điều: cơ sở vật chất, nhân sự quản lý kế thừa có trình độ và lớp diễn viên trẻ. Về nhà hát, chúng tôi có rất nhiều ý tưởng để phát triển, nâng cấp hoạt động tổ chức biểu diễn, nhưng với tình hình những năm qua và hiện tại thì nhà hát thật sự lực bất tòng tâm. Nhưng với sự kiện của năm 2019 - chấm dứt hợp đồng với Công ty Ánh Dương, chúng tôi hy vọng từ đó sẽ thực hiện được các ý tưởng của mình: tổ chức điểm diễn chừng 200 ghế để anh em nghệ sĩ diễn thường xuyên vào hai tối cuối tuần, thiết kế phòng trưng bày, giới thiệu các loại mặt nạ, trang phục hát bội, quầy quà lưu niệm đặc trưng của nghệ thuật hát bội, nhằm phục vụ tốt hơn cho khán giả đến xem, nhất là với du khách quốc tế; tiếp tục đào tạo theo phương pháp truyền nghề cho 16 em diễn viên trẻ, trong đó có những em tài năng như Hà San, Tuấn Nghĩa, Anh Thi, Ngọc Giàu, Thanh Bình, Hoàng Hà… Đồng thời thông báo tuyển sinh, tìm kiếm những gương mặt mới cho sân khấu hát bội… Và lo nhất vẫn là vấn đề nhân sự quản lý nhà hát. Thực tế, anh em hát bội ít có người học cao, có đủ bằng cấp theo quy định để có thể đảm nhận vai trò người quản lý”.

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Đến nay, đời sống nghệ sĩ hát bội tuy có khá hơn sau đợt thay đổi quy chế, nâng mức thù lao diễn xuất lên với 3 mệnh giá: 120.000 đồng, 160.000 đồng đến 200.000 đồng/suất/người (tùy theo vai diễn chính phụ), nhưng nguồn thu để trang trải cho cuộc sống hiện tại, phục vụ cho nghề nghiệp vẫn còn là con số khiêm tốn. Thấp nhất là thu nhập của anh em hậu đài với hơn 4 triệu đồng/tháng. Nhiều anh em nghệ sĩ vẫn phải làm thêm nghề tay trái, phụ gia đình bán cơm, bán hủ tiếu, chạy show lẻ... và đa số các nghệ sĩ còn gắn bó với được nghề đều phải nhờ sự ủng hộ, hậu thuẫn về kinh tế từ phía gia đình, người thân.

Thúy Bình
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 12049252