Các đơn vị trực thuộc Sở

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh

28/11/2016 09:50

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập năm 1999 trên cơ sở nâng cấp từ Bảo tàng Cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh.

Thông tin liên hệ:

- Địa chỉ: 65 Lý Tự Trọng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.

- Email: bt.svhtt@tphcm.gov.vn

- Điện thoại: 08.38.299.741

- Fax: 08.38.298.250

- Website: http://www.hcmc-museum.edu.vn

Chức năng, nhiệm vụ:

- Sưu tầm, bảo quản, trưng bày tài liệu, hiện vật có liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển về tự nhiên, văn hóa, xã hội của cộng đồng cư dân Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh; nghiên cứu và giáo dục, phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua tài liệu, hiện vật về Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.

- Xây dựng các kế hoạch, dự án, đề án công tác ngắn hạn, dài hạn về các mặt hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng và tổ chức thực hiện sau khi được Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao phê duyệt.

- Nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh gắn liền với lịch sử văn hóa, đất nước và con người Việt Nam.

- Sưu tầm tài liệu, hiện vật phù hợp với nội dung, tính chất của Bảo tàng nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày và kiện toàn kho cơ sở.

- Thực hiện công tác kiểm kê và các biện pháp bảo quản khoa học đối với các tài liệu, hiện vật của Bảo tàng. Thực hiện tốt việc quản lý, khai thác các tài liệu, hiện vật theo đúng quy định.

- Tổ chức trưng bày giới thiệu tài liệu, hiện vật về lịch sử, văn hóa của Thành phố gắn với lịch sử văn hóa vùng và đất nước Việt Nam.

- Hướng dẫn, phục vụ nhân dân trong nước và khách nước ngoài đến tham quan, học tập, nghiên cứu tại Bảo tàng cũng như tại các điểm trưng bày lưu động; thực hiện các hình thức tuyên truyền, giáo dục tại Bảo tàng. Tổ chức tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, biên soạn, xuất bản các tài liệu nghiệp vụ, các ấn phẩm và các hình thức thông tin tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá khác phù hợp với nội dung nghiên cứu, giáo dục của Bảo tàng.

- Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa – nghệ thuật, du lịch, sinh hoạt giải trí phù hợp với chức năng nhiệm vụ và đúng pháp luật, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.

- Mở rộng mối quan hệ với các cán bộ lão thành cách mạng, các nhà khoa học, nhà sưu tập, các Bảo tàng và các đơn vị hữu quan nhằm tổ chức trao đổi, hợp tác về khoa học và nghiệp vụ Bảo tàng.

- Thực hiện hợp tác quốc tế, các hoạt động đối ngoại trao đổi về chuyên môn, giao lưu văn hóa với các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo đúng quyền hạn và sự phân cấp quản lý của Nhà nước.

- Trao đổi tài liệu, hiện vật giữa các Bảo tàng theo thỏa thuận sau khi có phê duyệt của cơ quan chủ quản; được đề xuất xin điều chuyển tài liệu, hiện vật giữa các Bảo tàng nhằm sử dụng hợp lý và phát huy hiệu quả của tài liệu, hiện vật.

- Được mua các tài liệu, hiện vật thuộc đối tượng sưu tầm của Bảo tàng; được tiếp nhận các tài liệu, hiện vật do các cơ quan đoàn thể, các tổ chức xã hội, các cá nhân tự nguyện hiến tặng hoặc bàn giao. Tiếp nhận các tài liệu, hiện vật sử dụng trái phép được các cơ quan có trách nhiệm thu giữ sau khi được sự phê duyệt của cấp trên.

- Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động của Bảo tàng.   

- Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ quản lý có đủ trình độ, năng lực phù hợp với nội dung và tính chất của Bảo tàng, có phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng được yêu cầu hoạt động và phát triển của Bảo tàng.

- Quản lý và sử dụng lao động, tài chính, tài sản của đơn vị theo đúng quy định và pháp luật của Nhà nước; tổ chức tốt công tác bảo vệ an toàn cho đơn vị và khách đến tham quan.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác được Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh giao.

Quá trình hình thành và phát triển:

Tòa nhà Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng từ năm 1885 – 1890, do kiến trúc sư người Pháp – Alfred Foulhoux thiết kế theo phong cách nghệ thuật Tân cổ điển của kiến trúc phương Tây kết hợp với yếu tố kiến trúc phương Đông. Sau khi xây dựng xong, tòa nhà không được dùng làm Bảo tàng thương mại như dự kiến ban đầu mà trở thành Dinh Thống đốc Nam Kỳ (Pháp, Nhật), Dinh khâm sai Nam Kỳ (thời chính phủ Trần Trọng Kim), trụ sở chính phủ Nam Kỳ tự trị, Dinh Thủ hiến Nam phần, Dinh Quốc khách, Dinh Tổng thống, trụ sở Tối cao Pháp viện. Trước năm 1975, tòa nhà thường được gọi là Dinh Gia Long.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tòa nhà được sử dụng làm trụ sở Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ. Ngày 9/1/1950, hàng ngàn học sinh, sinh viên đã tập hợp về đây biểu tình đòi thực dân Pháp và chính quyền Bảo Đại trả tự do cho những học sinh yêu nước bị giam giữ, bị chính quyền thực dân Pháp đán áp dã man, học sinh Trần Văn Ơn đã hy sinh anh dũng  - Nơi đây ghi dấu “Ngày học sinh - sinh viên toàn quốc” hàng năm.

Sau ngày miền Nam giải phóng (30/4/1975), Ủy ban Quân quản Sài Gòn – Gia Định đã sử dụng tòa nhà làm nơi sinh hoạt văn hóa, biểu diễn nghệ thuật và triển lãm các chuyên đề thời sự phục vụ nhân dân Thành phố. Ngày 12 tháng 8 năm 1978, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định thành lập Bảo tàng Cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1999, sau hơn 20 năm hoạt động, Bảo tàng Cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh được trùng tu, tôn tạo và nâng cấp thành Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Tòa nhà Bảo tàng được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 2012.

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh là nơi nghiên cứu, trưng bày và giới thiệu về tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người của Thành phố Hồ Chí Minh, gắn liền với lịch sử và văn hóa đất nước Việt Nam. Hàng năm Bảo tàng thu hút trên 450.000 lượt khách tham quan, nghiên cứu và học tập.

Năm 2015, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh là một trong ba Bảo tàng của cả nước được công nhận là điểm tham quan hàng đầu Việt Nam do Tổng cục Du lịch Việt Nam bình chọn.

Nội dung trưng bày tại Bảo tàng gồm các chủ đề:

Địa lý – Hành chính Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh: Khái quát quá trình hình thành và phát triển của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1698 đến nay, với hình ảnh, biểu đồ, bản đồ và mô hình thành Bát Quái.

Thiên nhiên – Khảo cổ: Giới thiệu về khí hậu, địa chất – thủy văn, hệ sinh thái động thực vật, hiện vật khảo cổ, các bản đồ, biểu đồ… giúp người xem hiểu rõ hơn về bức tranh lịch sử của vùng đất Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh văn hóa thời tiền sử cách đây hơn 3000 năm và tiến trình khai hoang lập ấp của cư dân Sài Gòn – Gia Định tiếp nối đến nay.

Thương cảng – Thương mại – Dịch vụ: Khái quát vai trò trung tâm kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh đối với khu vực phía Nam và cả nước.          

 

Giới thiệu: Hệ thống cảng biển, cảng sông, hình ảnh các phố chợ, hiện vật đo lường, giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không… 

Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp: Giới thiệu các hình ảnh, hiện vật nghề thủ công truyền thống và những nét nổi bật về công nghiệp của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh qua các phần trưng bày: Nghề làm gốm; Nghề kim hoàn; Nghề chạm khắc gỗ; Nghề dệt; Nghề đúc đồng; Một số cơ sở công nghiệp đầu tiên của Thành phố và ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ hiện đại.

Văn hóa dân gian: Giới thiệu tín ngưỡng, phong tục, nền giáo dục và nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Những sắc thái văn hóa truyền thống, phong phú của vùng đất Nam Bộ thể hiện sự tiếp nối những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và sự giao lưu, tiếp biến văn hóa trong quá trình xây dựng, phát triển: Tín ngưỡng thờ Thành hoàng, thờ Mẫu; Phong tục hôn nhân, tục ăn trầu; Nghệ thuật Hát bội; Nghệ thuật Cải lương; Nhạc khí dân tộc Khơ Me; Giáo dục.

Đấu tranh Cách mạng giai đoạn 1930 – 1954: Quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1954: Phong trào cách mạng 1930 – 1931; Phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ 1936 – 1939; Khởi nghĩa Nam Kỳ; Cách mạng Tháng Tám tại Sài Gòn; Sài Gòn mở đầu kháng chiến; Phong trào đấu tranh tại Sài Gòn những năm 1950; Binh công xưởng Rừng Sác.

Đấu tranh Cách mạng giai đoạn 1954 – 1975: Phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân Thành phố Sài Gòn – Gia Định đã góp phần quan trọng kết thúc cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất đất nước. Phòng trưng bày giới thiệu những tài liệu, hiện vật và hình ảnh tiêu biểu trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ qua các vấn đề: Phong trào đấu tranh đòi hòa bình đến phong trào Đồng Khởi 1960; Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam; Phong trào đấu tranh tại đô thị Sài Gòn: Phong trào sinh viên - học sinh, phong trào của giới phụ nữ Thành phố; Phong trào đấu tranh vũ trang.

Kỷ vật kháng chiến: Trưng bày những hiện vật, di vật đồng hành với cuộc sống và chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ, liệt sĩ qua 30 năm trường kỳ gian khổ trên mảnh đất “Thành đồng” vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Tiền Việt Nam: Giới thiệu sưu tập tiền kim loại, tiền giấy, tiền thưởng và một số tư liệu, hình ảnh minh họa các công đoạn đúc tiền, bản kẽm… qua các thời kỳ lịch sử, góp phần tìm hiểu thêm những giá trị lịch sử, sự phát triển kinh tế xã hội của vùng đất Sài Gòn – Gia Định, Đàng Trong nói riêng và cả nước nói chung.

 Đường hầm trong Dinh Gia Long: Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành nghiên cứu, tham khảo ý kiến nhân chứng và kết hợp cùng các tư liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II và đưa vào giới thiệu hai trong số sáu phòng của đường hầm cùng với một số tài liệu, hình ảnh phục vụ khách tham quan.

 Trưng bày ngoài trời: Giới thiệu chiến lợi phẩm và phương tiện được sử dụng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ: Máy bay A37; Máy bay F5; Máy bay trực thăng UH1; Súng thần công…

 Khu dịch vụ bổ trợ (triển lãm, giải khát…): Giới thiệu những triển lãm chuyên đề về văn hóa của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh như: Văn hóa ẩm thực Nam Bộ; “Di sản Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh”; “11 năm đường hoa Nguyễn Huệ”; “Những cây cầu, những con đường thành phố”; "Lễ hội truyền thống Nam Bộ"…

 Nhà Trưng bày Triển lãm Thành phố - 92 Lê Thánh Tôn, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh: Là nơi thường xuyên triển lãm các chuyên đề của các tổ chức, cá nhân, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của Ngành và của Thành phố

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 12049483