Thông tin tuyên truyền

TP.HCM cần cơ chế đột phá, vượt trội để huy động mọi nguồn lực phát triển

21/12/2023 05:59
Dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội sẽ không đặt nặng, đặt trọng tâm nguồn thu, chỉ thí điểm những cơ chế đột phá, vượt trội để huy động mọi nguồn lực phát triển TP.HCM…

 

Tọa đàm thảo luận và góp ý dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sáng 30/3.

Sáng 30/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức tọa đàm thảo luận và góp ý dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì tọa đàm.

NHỮNG CƠ CHẾ MỚI XUẤT PHÁT TỪ CHỦ ĐỘNG CỦA THÀNH PHỐ

Nghị quyết 54 được Quốc hội tổng kết vào cuối năm 2022 và cho phép kéo dài thực hiện đến ngày 31/12/2023. Trong thời gian đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với TP.HCM và các bộ, ngành xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Nghị quyết 54 tập trung nhiều vào khai thác nguồn thu cho TP.HCM. Còn điểm khác khi xây dựng dự thảo nghị quyết mới thay thế, TP.HCM không đặt nặng vấn đề nguồn thu mà đề nghị thí điểm những cơ chế đột phá vượt trội để huy động nguồn lực phát triển thành phố. Đó là những việc mà luật chưa quy định hoặc luật có quy định nhưng còn chồng chéo, chưa giải quyết được các vấn đề thực tiễn phát triển thành phố để khai phóng, huy động các nguồn lực để phát triển TP.HCM.

"Những cơ chế đột phá, vượt trội sẽ giúp TP.HCM tận dụng hết các nguồn lực để phát triển. Thành phố không chỉ là một cực tăng trưởng, đầu tàu kinh tế của cả nước mà còn là địa phương có năng lực cạnh tranh với các địa phương khác trong khu vực."

Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM Phan Văn Mãi.

 

Về các nhóm cơ chế, chính sách trong Nghị quyết mới, trên dưới 40 nội dung, chia thành 4 nhóm. Cụ thể những cơ chế, chính sách của Nghị quyết 54 tiếp tục thực hiện; nhóm cơ chế ở các địa phương khác đang thí điểm; nhóm cơ chế dự kiến đưa vào sửa đổi các luật, thành phố thí điểm thực hiện trước; nhóm cơ chế, chính sách mới cho thành phố đề xuất và Trung ương gợi ý, đặt hàng.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, Chính phủ vừa có tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung soạn thảo bổ sung Nghị quyết mới vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 theo trình tự thủ tục rút gọn; trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo quy trình một kỳ họp.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết mới có 12 điều, với các nội dung như: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM khẳng định những cơ chế đột phá, vượt trội sẽ giúp TP.HCM tận dụng hết các nguồn lực để phát triển. Thành phố không chỉ là một cực tăng trưởng, đầu tàu kinh tế của cả nước mà còn là địa phương có năng lực cạnh tranh với các địa phương khác trong khu vực.

“Từ đó, TP.HCM đã đề xuất những cơ chế, chính sách mới. Những cơ chế mới này đến từ sự đề xuất chủ động của thành phố và sự gợi ý, giao nhiệm vụ từ bộ, ngành trung ương cũng như các chuyên gia. những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, phân quyền, phân cấp mạnh mẽ sẽ giúp TP.HCM giải quyết vấn đề nhanh hơn. Đây cũng là tiền đề để Trung ương sau này phân cấp, phân quyền cho các địa phương khác”, ông Phan Văn Mãi nói.

Dự kiến đến giữa tháng 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp và rà soát các nội dung cho kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023. Nếu không có gì thay đổi, Quốc hội sẽ cho phép bổ sung nghị quyết mới để xem xét tại kỳ họp này. Nếu được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 5 giữa năm 2023, TP.HCM sẽ triển khai ngay, trình Hội đồng nhân dân thành phố kỳ họp gần nhất để triển khai liền một số chính sách, cơ chế.

ĐỀ XUẤT THỬ NGHIỆM CƠ CHẾ TÀI CHÍNH, CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ

Tại tọa đàm, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, thời gian qua Bộ Chính trị và Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết để phát triển TP.HCM. Trong các nghị quyết luôn nhấn mạnh vai trò vị trí đầu tàu của TP.HCM trong thúc đẩy tăng trưởng cả nước và cạnh tranh quốc tế. Thực tế, trong quá trình thực hiện các nghị quyết, TP.HCM luôn thể hiện vai trò đầu tàu của mình trong đóng góp ngân sách, tăng trưởng GDP.

Đồng thời, huy động các nguồn lực cho thành phố để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM đặt ra. Đó là TP.HCM phải là cực tăng trưởng, là đầu tàu, trung tâm về mọi mặt và TP.HCM không chỉ là địa phương của Việt Nam mà còn là địa phương có năng lực hội nhập cạnh tranh quốc tế với các thành phố trong khu vực và cả nước.

Từ thực tiễn phát triển, TP.HCM đề xuất những cơ chế chính sách đáp ứng được tiêu chí đột phá vượt trội nhưng cũng có những chính sách được các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành, chuyên gia đề xuất để phát triển TP.HCM.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Trường chính sách công và quản lý Fulbright – Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, TP.HCM cần phải tập trung nghiên cứu, chuẩn bị kỹ để triển khai thực hiện sau khi được Quốc hội thông qua. Đồng thời, để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính thì nên thử nghiệm mô hình “cơ chế thử nghiệm”.

Ông Nghĩa dẫn chứng, mô hình cơ chế thử nghiệm đã áp dụng tại nhiều nước phát triển như Anh, Mỹ… và đã gặt hái được nhiều thành công. Nếu áp dụng mô hình này, có hai hướng có thể thử nghiệm gồm coi toàn bộ TP.HCM là một mô hình lớn hoặc thành lập một số cơ chế thử nghiệm theo từng nội dung như về tài chính, về chính quyền đô thị cho TP. Thủ Đức chẳng hạn…

 

Phạm Vinh
chuyendoiso.hochiminhcity.gov.vn
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6311312