Tin Hoạt động

KHAI MẠC TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ:“TRẦN VĂN KHÊ – TRĂM NĂM CÒN MÃI”

24/11/2021 04:09

Nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ XVI (23/11/2005 - 23/11/2021), Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Trần Văn Khê - Trăm năm còn mãi” giới thiệu hơn 200 tài liệu, hiện vật, hình về cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê, thể hiện sự trân trọng và tôn vinh những đóng góp của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê cho nền âm nhạc nước nhà; góp phần tuyên truyền, giáo dục nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nội dung trưng bày chuyên đề gồm ba phần:

1. Quê hương và gia đình

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê sinh ngày 24 tháng 7 năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống về âm nhạc dân tộc.

Cha ông là Trần Quang Chiêu (Bảy Triều), là người am hiểu về người loại nhạc cụ, nhưng đặc biệt nhất là đàn độc huyền (đàn bầu) và đàn kìm (đàn nguyệt). Mẹ ông là Nguyễn Thị Dành (Tám Dành) là một nhà hoạt động cách mạng và gia nhập Đảng cộng sản Việt nam năm 1930.

Từ nhỏ, Trần Văn Khê đã thể hiện được tố chất thông minh, học rất giỏi, tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 1942, Trần Văn Khê ra Hà Nội học y khoa, ông đã tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ của tổng hội Sinh viên. Phong trào “Xếp bút nghiêng” nổ ra, Trần Văn Khê trở về Sài Gòn và tham gia phong trào “Thanh niên Tiền phong”, lập gánh hát biểu diễn gây quỹ mua gạo ủng hộ miền Bắc. Năm 1946, Pháp đánh chiếm lục tỉnh Nam Kỳ, ông dạy học tại các trường tư, viết báo và tham gia nhóm kháng chiến tại thành do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, sau là Mai Văn Bộ chỉ huy.

2. Trần Văn Khê - Một đời truyền lửa

Năm 1949, Trần Văn Khê sang Pháp du học và học tại viện Khoa học Chánh trị Paris, bắt đầu hành trình hơn 50 năm học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài.

Năm 1951, Trần Văn Khê tốt nghiệp Khoa học Chính trị. Cuối năm 1954, ông theo học và làm luận án tiến sĩ Khoa học Âm nhạc trường Đại học Sorbonne (Paris) với đề tài “Âm nhạc truyền thống Việt Nam”. Từ đây, ông bắt đầu những bước đầu tiên trên chặng đường nghiên cứu, giảng dạy và quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam. Bằng tài năng, tâm huyết và tình yêu âm nhạc dân tộc, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê đã tạo dựng được uy tín cao trong giới nghiên cứu âm nhạc thế giới và trở thành thành viên của nhiều tổ chức âm nhạc quốc tế: thành viên Viện Hàn lâm khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Châu Âu về Khoa học văn chương và nghệ thuật, Phó chủ tịch Hội đồng Quốc tế Âm nhạc của Unesco, Chủ tịch Ban tuyển chọn quốc tế của Diễn đàn âm nhạc châu Á…

Năm 2006, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê trở về Việt Nam sau hơn 50 năm nghiên cứu và giảng dạy ở Pháp. Ông tiếp tục cống hiến, truyền lửa và tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu, chia sẻ, giới thiệu, quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam đến với công chúng qua nhiều hoạt động, sự kiện âm nhạc.

3. Vinh danh

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê là người Việt Nam đầu tiên được ghi danh và tiểu sử vào cuốn “Đại từ điển Âm nhạc thế giới”. Ông còn nhận được nhiều huy chương, bằng danh dự, các giải thưởng cao quý, danh giá của cơ quan nhà nước, các tổ chức uy tín trong, ngoài nước nhằm tôn vinh và ghi nhận những đóng góp, cống hiến của ông cho nền âm nhạc.

Di sản mà Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê để lại không chỉ là những công trình nghiên cứu giá trị, kho tàng kiến thức uyên thâm về âm nhạc, mà còn là nhân cách sống cao quý, đầy tình yêu thương với âm nhạc và con người, là người thầy của những người thầy.

Trưng bày chuyên đề mở cửa đón tiếp khách tham quan từ ngày 23 tháng 11 năm 2021 tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, số 65 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1.

Một số hình ảnh tại Trưng bày:

 

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6202454