Điện ảnh

Hơn 500 tập phim khám phá về Thăng Long - Hà Nội

16/10/2009 03:21
Vào dịp kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội, tháng 10 này, VTV1 cùng đồng thời phát sóng thêm 2 bộ phim tài liệu, ký sự về Thăng Long.
544 tập phim trên VTV1
Chưa bao giờ kênh VTV1 lại "đắt hàng" phim tài liệu, ký sự về lịch sử thủ đô như vào thời điểm này - chỉ một năm nữa là tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Cuộc ra mắt đầy ấn tượng của "Thăng Long nhân kiệt" gồm 312 tập, thời lượng 5 phút/tập, đúng 19h55 ngày 15.3.2009 phát sóng liên tục các ngày thứ hai, tư, sáu và chủ nhật hằng tuần kéo dài tới tháng 10.2010, hiện đã chiếu được hơn 100 tập, thu hút đông đảo khán giả THVN và kiều bào VN trên thế giới qua chương trình trên VTV4.
Tiếp theo là phim "Hành trình chùa Việt" - (hay "Những ngôi chùa Việt"), 180 tập, 20 phút/tập, với phần đầu là 50 tập về những ngôi chùa ở Hà Nội được phát sóng từ tháng 10.2009 trên VTV1. 
Phim "Ký sự Thăng Long", 52 tập, mỗi tập 15 phút, phát sóng vào 18h các ngày thứ năm, thứ bảy trong tuần, tập đầu tiên phát sóng vào thứ bảy - ngày 10.10 vừa qua, kỷ niệm 999 năm Vua Lý Công Uẩn xuống Chiếu dời đô, lập nên kinh thành Thăng Long.
Ba bộ phim tài liệu, ký sự cùng một chủ đề về Thăng Long - Hà Nội xưa và nay, nhưng có cách làm và cách thể hiện riêng biệt, độc đáo dẫn dắt khán giả truyền hình ngược thời gian, đồng hành cùng Thăng Long-Hà Nội. 
Ba cái nhìn đa chiều
"Thăng Long nhân kiệt" giới thiệu những câu chuyện lịch sử về các danh nhân lịch sử, từ vua, quan, tướng, các nhà "khai quốc công thần", các lãnh tụ của dân tộc, các danh nhân trong mọi lĩnh vực như: Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp... 
5 phút/1 câu chuyện lý thú và hấp dẫn, dựa vào chính sử, vào giai thoại lưu truyền dân gian, nhưng mang đến những hiểu biết khái quát quá trình định đô, xây dựng và phát triển của Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm qua, cùng những kiến thức tổng quát về phong tục, tập quán, lối sống văn hóa của người Thăng Long. Bên cạnh những cảnh quay tại các địa danh gắn với từng danh nhân, chương trình còn sử dụng kỹ thuật đồ hoạ 3D để phục dựng những hình ảnh, địa danh lịch sử. 
"Hành trình chùa Việt" - ("Những ngôi chùa Việt") là phim được sản xuất dựa trên Dự án "Bản đồ di tích Việt Nam". Phim chú trọng những thông tin hiện có, những thông điệp văn hóa ẩn giấu tại chùa, những giá trị   tiềm ẩn và đặc trưng ở nhiều vùng miền. Kết cấu phim tỏa sáng  Phật giáo với những yếu tố kiến trúc, tâm linh, khoa học...
"Ký sự Thăng Long" thông qua cách kể chuyện bằng hình ảnh, khán giả sẽ được biết thêm những chi tiết thú vị, những khám phá mới lạ, lần đầu tiên công bố về những công trình tiêu biểu của Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên, Nhà hát Lớn... hay sự việc liên quan tới những di tích lịch sử, văn hóa của Hà Nội như: 13 gò Đống Đa là truyền thuyết hay hiện thực? Sầm Nghi Đống chết ở chỗ nào? Mái Nhà hát Lớn lợp bằng chất liệu gì, làm ở đâu, khi nào? Hà Nội có những cây cao niên cổ thụ ở đâu...? 
Ba phim là ba cái nhìn đa chiều về Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm, có những khám phá thú vị riêng biệt, cho dù có thể có những địa danh, nhân vật, sự kiện trùng lặp, nhưng câu chuyện, hình ảnh về nó thì khác biệt. Ba bộ phim cùng được phát trên sóng VTV1 vào thời điểm này ngoài ý nghĩa về việc khơi gợi sự quan tâm đến lịch sử VN đối với công chúng khán giả THVN, mà còn như là một cách làm phim lịch sử thiết thực, trong khi những bộ phim truyện, phim truyền hình lịch sử vẫn còn đang trên "đường vạn lý".

Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6043161