Nghệ thuật biểu diễn

Ðưa nghệ thuật hát bội ra thế giới

15/10/2009 09:00

Những tiếng vỗ tay cứ vang lên từng đợt từ đám đông đang đứng ngồi quanh sân khấu dựng trước ngôi đình làng ở xã Vĩnh An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Trong tiếng nhạc cổ rộn ràng, tiếng thanh la và tiếng trống dồn vang, một vị tướng và một nữ tướng đang "giao chiến" trên sân khấu, cả hai mặc giáp trụ mầu sắc rực rỡ, tay cầm những cây giáo dài. Ðây chính là một buổi diễn của gánh hát bội tài tử Ðồng Thinh tỉnh Vĩnh Long.

Hát bội (còn gọi là hát ra bộ, hát bộ, hay tuồng) được hình thành từ thế kỷ 12, và nó đã phát triển rất mạnh vào thế kỷ 17. Nghệ thuật hát bội mang tính ước lệ rất cao và có những quy tắc rất chặt chẽ. Ðây là loại hình nghệ thuật cách điệu từ nội dung cốt chuyện, cử chỉ, điệu bộ, lời ca tiếng hát đến y phục hóa trang.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, mỗi tỉnh đều có hàng trăm ngôi đình làng. Theo tục cổ, cứ ba năm một lần, các làng thường tổ chức lễ kỳ yên (cầu an) ở đình làng mình. Trong lễ này, không thể thiếu buổi diễn hát bội. Thời đó hát bộ độc chiếm sân khấu và được xem là loại hình nghệ thuật phục vụ nghi lễ song song với việc đáp ứng nhu cầu giải trí của quần chúng.

Hằng năm nhiều đoàn hát tỉnh Bình Ðịnh dùng ghe bầu theo gió mùa vào lưu diễn ở vùng đất mới Nam Bộ. Họ đi diễn từ ngôi đình này đến ngôi đình khác để kiếm sống, đến hết mùa mới quay về. Nhiều nghệ nhân đã ở lại vùng đồng bằng châu thổ này lập nghiệp và họ đã đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ người địa phương.

Bà Lê Thị Ðiệu, 65 tuổi, ở xã Vĩnh An cho biết, bà đã xem hát bội từ khi còn nhỏ. "Xem các nghệ sĩ mặc đồ đẹp lộng lẫy múa hát, tôi thích lắm. Hát bội là sở thích cả đời của tôi. Bây giờ ngần này tuổi, hễ nghe có đoàn hát về là tôi lập tức thu xếp đi xem" - Bà Ðiệu nói.

Gánh hát bội Ðồng Thinh tỉnh Vĩnh Long có bề dày lịch sử gần 100 năm nay. Ông bầu Huỳnh Văn Răng của gánh này là đời thứ ba theo nghề. Theo ông nội và cha mẹ đi diễn từ thuở lọt lòng rồi sắm vai diễn đồng ấu, tuổi đời của ông chẳng kém tuổi nghề bao nhiêu. Hiện nay, ở tuổi 74 ông vẫn thường xuyên tập tuồng với vũ đạo mạnh mẽ uyển chuyển. Hát bội như ngấm sâu vào máu của ông. Ông bảo: "Từ hồi nhỏ tôi đã theo ba tôi rong ruổi đi diễn. Thấy khán giả vỗ tay tán thưởng, tôi thích lắm. Ðến khi ba tôi qua đời, tôi tiếp tục làm bầu gánh. Chúng tôi ráng luyện tập từ nhỏ nên không mất cái vốn cổ". Gia đình ông hiện có 17 thành viên tham gia đoàn hát, gồm vợ, con, dâu, rể và các cháu. Các nghệ nhân Vũ Linh Tâm, Thái Phương, cùng chị Yến Linh con gái ông Răng đều có từ 30 đến 50 năm kinh nghiệm. Hằng năm đoàn đi lưu diễn khắp vùng đồng bằng châu thổ.

Ði diễn là vì niềm đam mê, chứ mỗi người chỉ được vài chục đến vài trăm nghìn đồng thù lao mỗi đêm diễn, trong khi họ phải tự bỏ tiền túi mua sắm trang phục, đạo cụ. Do đó, ngoài những giờ phút say sưa dưới ánh đèn sân khấu, họ phải bươn chải với những công việc mưu sinh khác. Cả gia đình ông bầu Răng đều phải buôn bán, làm thuê kiếm sống. Nghệ sĩ Vũ Linh Tâm thiết kế và trang trí sân khấu, viết kịch bản và đạo diễn cải lương và kịch nói. Nghệ sĩ Thái Phương bán đồ chơi trẻ em gần cổng trường học. Mỗi năm các nghệ nhân của đoàn tập trung vài lần đi diễn theo yêu cầu của các địa phương. Anh Thái Phương tâm sự: "Cuộc sống còn khó khăn vất vả, vì ngoài nghề hát còn phải buôn bán như vầy, nhưng yêu nghề từ nhỏ nên chúng tôi đều có niềm tin sẽ duy trì được truyền thống biểu diễn kế thừa từ cha ông, cái nghệ thuật diễn tả được nội tâm nhân vật với đủ các cung bậc cảm xúc ái, ố, hỷ, nộ (yêu, ghét, vui, giận)".

Nghệ thuật hát bội không phụ niềm đam mê và cống hiến của các nghệ sĩ. Ðầu tháng bảy năm 2008 gánh hát bội Ðồng Thinh được mời sang Mỹ dự Lễ hội Ðời sống Dân gian với chủ đề Mê-kông - Dòng sông kết nối các nền văn hóa do Viện Nghiên cứu Smithsonian tổ chức.

Ðối với các nghệ nhân xuất thân nông dân miệt vườn châu thổ sông Cửu Long thì đây quả là niềm vui vô bờ. Nghệ sĩ Yến Linh nói: "Khi được Sở Văn hóa Thông tin tỉnh thông báo được đi lưu diễn nước ngoài, tụi em vui lắm và động viên nhau ráng mang vinh quang về cho đất nước".

Ðoàn Ðồng Thinh cử sang Mỹ ba diễn viên Vũ Linh Tâm, Thái Phương, Yến Linh, cùng hai nhạc công. Họ diễn trích đoạn Tiết Giao đoạt ngọc với năm lớp, tổng thời lượng 45 phút. Lần đầu tiên đi diễn nước ngoài, bên cạnh niềm vui, các nghệ nhân không khỏi lo lắng làm sao giới thiệu văn hóa dân tộc với bạn bè quốc tế. "Thông thường một vở hát bội kéo dài từ 2 đến 3 giờ, với 20-30 nghệ nhân, nhưng trong lễ hội do hạn chế về thời lượng và số người nên ngoài việc lựa chọn trích đoạn, biên tập lại cho thật đặc sắc, chúng tôi phải rất cố gắng tự mình hóa trang, thay trang phục, mỗi nhạc công phải chơi 2-3 loại nhạc cụ". Anh Tâm cho biết thêm: "Tuồng tích dân gian có nhiều loại nhưng phải lựa chọn vở nào vừa ấn tượng cho người xem nước ngoài, vừa có nhiều lớp để diễn viên có "đất" diễn. Loại hình tuồng cổ thường có kịch bản rất dài, nhưng phải chọn trích đoạn để người xem nước ngoài hiểu nội dung cả vở diễn, hiểu được tính chất dân gian xa xưa, sâu sắc và để họ có ấn tượng về loại hình tuồng cổ".

Diễn viên hóa trang theo bảy tiêu chí riêng của từng loại nhân vật như vua, võ tướng, trung thần, gian thần, nịnh thần, yêu tinh... nhưng phải bảo đảm mầu sắc khuôn mặt phản ánh tính cách nhân vật. Do vậy khi hóa trang các nghệ sĩ phải luôn chú ý khuôn mày, khóe mắt, khóe miệng, trán, v.v. Diễn viên nam đặc biệt chú ý đến các loại râu: râu năm chòm, ba chòm, râu dài, râu ngắn, ria... hoặc một số nét vẽ biểu trưng khác. Anh Tâm bảo, điệu thức hát bội phải phù hợp tâm lý, tình cảm của từng nhân vật. Ngoài các điệu hát chính còn các điệu hát phụ. Mỗi điệu hát chính chia ra hàng chục giọng điệu khác nhau, điệu bộ diễn tả cũng có rất nhiều kiểu. Và: "Nghệ sĩ ra sân khấu phải qua cửa Sinh bên trái, vào cửa Tử bên phải. Lúc hát, lúc quỳ lạy không được quay lưng lại khán giả. Lúc đứng theo thế chữ Ðinh, chữ Môn, chữ Bát, xoay mình theo chữ Tâm, v.v. " - Ánh Tâm hào hứng kể. Có lẽ khó như vậy nên đòi hỏi mỗi nghệ nhân không chỉ cần có năng khiếu mà phải thật sự ham học hỏi và đam mê nghề. Nghệ thuật hát bội có thể được tóm tắt trong tám chữ: "Nhất sắc, nhì thanh, tam bộ, tứ tích", nghĩa là thành công của vở diễn nằm ở sắc vóc, chất giọng và nghệ thuật trình diễn của diễn viên, còn tuồng tích là yếu tố phụ.

Hơn 50 năm trước, hát bội trùm lên các sân khấu Nam Bộ, đặc biệt ở vùng quê. Ngày nay xã hội đã phát triển, nhiều môn nghệ thuật mới xuất hiện. Lời ca của hát bội sử dụng nhiều chữ Hán, khó hấp dẫn khán giả khi mà thị hiếu đã dần thay đổi, nên hát bội không còn độc chiếm sân khấu như xưa. Với phương châm Tải Ðạo nên hầu hết tuồng tích đều đề cao "Trung-Hiếu-Tiết-Nghĩa", nên có những tình tiết không thích hợp với người xem hiện thời. Do đó, hát bội không còn thu hút nhiều khán giả như trước. Sau ngày miền nam được giải phóng, để duy trì nghệ thuật hát bội, nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lập các đoàn cải lương-tuồng cổ tức là kết hợp cải lương với hát bội truyền thống, nhưng các đoàn này không tồn tại được lâu. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tố Tranh (Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao tỉnh Vĩnh Long) nói: "Ðể bảo tồn loại hình tuồng cổ này, cần phải gắn liền với các hoạt động lễ hội đình làng, ở các tỉnh Nam Bộ bao giờ cũng có đêm hát bộ để cúng đình. Ðình làng hằng năm bao giờ cũng có hai lễ cúng chính là lễ thượng điền và hạ điền, đều có hát bộ. Ðình làng hiện còn rất nhiều, địa phương nào cũng có nhu cầu cúng lễ nên hát bộ có thể hoạt động gần như thường xuyên. Ðình làng còn thì hát bộ còn".

Ðồng Thinh được xem là đoàn lớn nhất và lâu đời nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì được loại hình nghệ thuật này bởi nó được bảo tồn bằng chính cái tâm của nghệ nhân Huỳnh Văn Răng, người đã từng cùng bầu đoàn thê tử lênh đênh khắp vùng sông nước đồng bằng bao năm qua, để hôm nay thế hệ con em mang hát bội ra nước ngoài giới thiệu cùng bạn bè quốc tế một nét văn hóa nghệ thuật độc đáo của người Việt Nam. Ngoài con gái là nghệ nhân Yến Linh làm rạng danh gia đình khi sang Mỹ diễn, niềm vui nữa của vợ chồng ông là những đứa cháu cũng tập tành và yêu nghề. "Vậy là gánh Ðồng Thinh đã duy trì được đến đời thứ năm theo mong muốn của tổ nghiệp là "phụ truyền tử kế" (cha truyền con nối)" - ông Răng hể hả nói.

Nhân dân
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6241989