VNeID là tài khoản duy nhất thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công từ ngày 1/7
24/06/2024 10:50Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu từ ngày 1/7/2024 sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử…
Tại Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và Luật Dữ liệu.
CHỐNG THẤT THU THUẾ VẪN BẢO VỆ DỮ LIỆU CÁ NHÂN
Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Công an sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử để thay thế Nghị định số 59/2022/NĐ-CP. Thống nhất phương án đơn giản hóa triệt để 317 thủ tục hành chính liên quan khai thác dữ liệu công dân.
Trong đó, chú trọng việc đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân. Bảo đảm các điều kiện cần thiết để từ ngày 1/7/2024 chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử.
Tại hội nghị, báo cáo công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, giá trị thương mại điện tử của Việt Nam là 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất Đông Nam Á.
Việc chia sẻ dữ liệu thuế, mã số thuế định danh theo căn cước công dân, đến 3/6/2024 đã đạt 97,57%. Bộ Tài chính cùng Bộ Công thương đã chia sẻ dữ liệu về 929 sàn giao dịch thương mại điện tử, tương ứng 847 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (1 doanh nghiệp có thể sở hữu nhiều sàn) và 284 ứng dụng bán hàng trên mạng.
Bộ Tài chính cũng cho biết, sẽ xây dựng Cổng Thông tin đăng ký kê khai thuế của sàn thương mại điện tử trong nước, đôn đốc kê khai, chọn thanh tra, xử lý một số trường hợp trốn thuế. Cùng với đó, định danh và xác thực điện tử, đồng bộ liên thông dữ liệu thông tin hàng hóa; áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, vì thanh toán không dùng tiền mặt càng nhiều thì quản lý và thu thuế càng cao.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng tham gia sửa đổi các quy định về giữ bí mật và cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, ngân hàng. Trong đó, chú trọng quản lý hoạt động thương mại điện tử qua mạng xã hội để thu thuế và lượng người livestream, bán hàng qua mạng xã hội rất nhiều. Đối chiếu với ngân hàng, đó sẽ nguồn thu thuế rất lớn.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện có hơn 87,08% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng, 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân và hơn 147 triệu thẻ ngân hàng đang hoạt động. Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cung cấp cho Bộ Tài chính hơn 130 triệu tài khoản thanh toán của người nộp thuế.
Tuy nhiên, khó khăn là thông tin, dữ liệu về tài khoản thanh toán của người nộp thuế là các thông tin nhạy cảm, đòi hỏi việc xử lý, tổng hợp cẩn thận, đáp ứng quy định về bảo vệ bí mật thông tin khách hàng và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn chuẩn hóa về dữ liệu, quy định phương thức kết nối, chia sẻ thông tin của các tổ chức tín dụng để đảm bảo đáp ứng việc kết nối, chống thất thu thuế nhưng vẫn bảo vệ được dữ liệu cá nhân.
TP.HCM: CẮT GIẢM, ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Báo cáo kết quả thực hiện và nêu một số khó khăn của TPHCM trong triển khai thực hiện Đề án 06, tại điểm cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thời gian qua, Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị, sở, ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn nhân lực, kinh phí, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06. Đặc biệt, công tác tập trung việc nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, số hóa và lưu trữ kho hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tại quận, huyện, sở, ban ngành theo định danh cá nhân…
Cụ thể, TP.HCM đã rà soát, xử lý bãi bỏ 2/11 văn bản do HĐND, UBND Thành phố ban hành có quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là điều kiện thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự; ban hành Nghị quyết số 07/2024/NQ-HĐND ngày 19/5/2024 quy định mức thu lệ phí thực hiện thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn Thành phố (thu lệ phí 0 đồng áp dụng từ ngày 29/5/2024 đến 31/12/2025); cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư gồm 48 thủ tục hành chính; đề xuất phương án đơn giản hóa 18 thủ tục hành chính có thành phần hồ sơ là phiếu lý lịch tư pháp; phê duyệt 838 quy trình nội bộ đã được tái cấu trúc, trong đó cắt giảm về thời gian giải quyết thủ tục hành chính (cắt giảm được hơn 3.480 giờ làm việc, đơn giản hóa các bước giải quyết thủ tục hành chính cắt giảm từ 1 đến 2 bước trong quy trình…); phê duyệt 1.634 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, Thành phố vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách do các nguyên nhân khách quan và chủ quan: Về dịch vụ công trực tuyến, việc liên thông thủ tục hành chính trên môi trường điện tử cũng còn nhiều vướng mắc do thiếu các văn bản hướng dẫn chuyên ngành như đối với 2 nhóm thủ tục liên thông “Khai sinh – Khai tử” chưa có sự thống nhất giữa Luật Cư trú và văn bản triển khai thực hiện 2 nhóm liên thông về giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Về thu thập dữ liệu công dân, một số trường hợp nhân khẩu có Giấy khai sinh trước năm 1975 nhưng không có tài liệu chứng minh theo Điều 11 của Luật Quốc tịch năm 2008, do đó không thể cập nhật trường thông tin “Quốc tịch” trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Về thực hiện mô hình điểm, mô hình triển khai thiết bị giám sát thi cử, sát hạch lái xe, Thành phố đã có ý kiến gửi Cục Đường bộ Việt Nam về điều chỉnh phần mềm Quản lý giấy phép lái xe cho Cơ sở đào tạo liên thông dữ liệu đầu vào khi người dân đăng ký học. Tuy nhiên, đến nay Cục Đường bộ Việt Nam chưa điều chỉnh phần mềm.
Về mô hình học bạ số, học bạ số mỗi năm sẽ được cấp mã tra cứu học bạ số (mã UUID) phát sinh thêm 1 mã ngoài mã định danh công dân. Chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về việc chuyển học bạ số từ dữ liệu điện tử ký số sang bản giấy. Những vướng mắc này gây khó khăn cho người dân trong việc quản lý hồ sơ và khó khăn trong công tác quản lý của các trường đối với những học sinh thường xuyên chuyển trường giữa các tỉnh khác nhau.
Trước những khó khăn trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành. Cụ thể:
Về thể chế, Văn phòng Chính phủ chỉnh sửa phụ lục 1 về việc bãi bỏ việc yêu cầu công dân đính kèm giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp (vì trái quy định của Luật Cư trú) khi thực hiện 2 thủ tục liên thông “đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Bộ Tư pháp tháo gỡ đối với các trường hợp Giấy khai sinh công dân có sử dụng những ký tự đặc biệt, Giấy khai sinh trước năm 1975 nhưng phần quốc tịch bỏ trống hoặc không có tài liệu chứng minh theo Điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008. Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng duy nhất mã định danh công dân khi thực hiện mô hình học bạ số và quy định hướng dẫn cụ thể về việc chuyển học bạ số từ dữ liệu điện tử ký số sang dữ liệu giấy.
Về dịch vụ công, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an trao đổi các bộ, ngành nghiên cứu giải pháp khi người dân nộp hồ sơ điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương bằng tài khoản VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, trên môi trường điện tử từ ngày 01/7/2024 theo chủ trương của Chính phủ thì không cần phải ký số điện tử. Để từ đó, giảm bớt chi phí khi người dân sử dụng dịch vụ ký số, giảm bớt các thao tác khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công. Bộ Công an Cập nhật phần mềm liên thông Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí được chọn mối quan hệ chủ hộ đối với trường hợp xoá đăng ký thường trú chủ hộ.
Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) tích hợp, điều chỉnh phần mềm quản lý Giấy phép lái xe phân hệ cho Cơ sở đào tạo liên thông dữ liệu đầu vào khi người dân đăng ký. Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Y tế chia sẻ dữ liệu về người dân Thành phố từ các cơ sở dữ liệu do các cơ quan, bộ, ngành đang quản lý (ít nhất 01 tháng/lần) để làm cơ sở dữ liệu triển khai Sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn TP. Bộ Tư pháp nâng cấp cổng đồng bộ dữ liệu Hộ tịch, Lý lịch tư pháp thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu Hộ tịch, Lý lịch tư pháp vào Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính địa phương.
Văn phòng Chính phủ nâng hiệu năng Cổng thanh toán trực tuyến đảm bảo tốc độ phản hồi thông tin nhanh, không bị mất thông tin, đảm bảo chất lượng phục vụ người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính toàn trình.
vneconomy.vn/
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp và thực hiện Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID tại Sở Văn hóa và Thể thao
- Infographic Giới thiệu ứng dụng Công dân số Thành phố Hồ Chí Minh
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Phổ cập về chuyển đổi số cho toàn dân là vấn đề cấp thiết
- Chủ tịch HĐND TP HCM: Chuyển đổi số là trách nhiệm chung của toàn xã hội
- TP.HCM khuyến khích người dân tham gia chuyển đổi số