Chuyển đổi số

Ứng dụng “Công dân thành phố”: Thiết thực phục vụ nhu cầu của người dân

02/08/2024 10:53

Theo Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Võ Minh Thành, về lĩnh vực chuyển đổi số, năm 2024, TPHCM tập trung các giải pháp về hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, TPHCM sẽ ra mắt ứng dụng “Công dân thành phố” trên di động nhằm giúp người dân giao dịch với chính quyền thành phố hiệu quả, thuận tiện, đơn giản.

 

Nhân viên của Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM đang xây dựng dữ liệu cho ứng dụng “Công dân thành phố”

Mỗi nơi một kiểu

Qua ghi nhận, hiện các sở, ngành tại TPHCM đã phát triển nhiều ứng dụng phục vụ người dân, mỗi ứng dụng có một tính năng, giá trị riêng. Cụ thể, Sở GTVT có ứng dụng “TTGT TPHCM”. Khi người dân cài đặt ứng dụng này sẽ được cung cấp thông tin theo thời gian thực về tình hình giao thông tại địa điểm cần di chuyển đến hay vị trí hiện tại (thông qua GPS của thiết bị thông minh đang sử dụng), thông tin tiện ích, công cụ tìm đường, vị trí rào chắn đang thi công.

Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM cũng đã triển khai ứng dụng “UDI Maps” và phát hành miễn phí trên nền tảng điện thoại thông minh. Sau khi cài đặt ứng dụng “UDI Maps”, người dùng sẽ được cập nhật thông tin mới nhất và những cảnh báo liên quan đến tình hình triều cường, ngập lụt, lượng mưa hiện trạng cũng như dự báo khả năng ngập do mưa trên các tuyến đường trên địa bàn thành phố.

Hay như Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM có ứng dụng “Thông tin quy hoạch TPHCM” nhằm cung cấp thông tin quy hoạch đô thị trong thành phố đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp thông qua ứng dụng web và ứng dụng trên thiết bị di động thông minh. Với ứng dụng này, người dân dễ dàng xác định vị trí của khu đất thông qua việc nhập tọa độ khu đất (các thông số này có thể tìm thấy trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay bản đồ hiện trạng vị trí khu đất) hoặc xác định vị trí khu đất thông qua định vị GPS có sẵn trong thiết bị di động thông minh.

Thời gian qua, các quận, huyện cũng có các ứng dụng phục vụ người dân trên địa bàn. Sau giai đoạn thử nghiệm và thành công bước đầu của ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến” cùng với những góp ý thiết thực từ người dân, công chức trực tiếp sử dụng ứng dụng này, nhiều quận, huyện đã chủ động xây dựng, triển khai ứng dụng phù hợp cho địa phương mình với các tính năng như phản ánh, theo dõi hồ sơ, đăng ký các dịch vụ… Đến nay, các ứng dụng “Thành phố Thủ Đức trực tuyến”, “Quận 10 online”, “Phú Nhuận trực tuyến”, “Quận 7 trực tuyến”, “Hóc Môn trực tuyến”... đã trở thành những công cụ gần gũi với người dân để kết nối với chính quyền khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính hay phản ánh những nội dung cụ thể.

Gom về một mối

Đến nay, việc xây dựng và phát triển ứng dụng “Công dân thành phố” đang được Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM thực hiện. “Với tinh thần là một ứng dụng duy nhất, chúng tôi đang hợp tác, liên kết các ứng dụng và tích hợp các lớp dữ liệu của rất nhiều đơn vị…. Qua đó cũng phát triển các tính năng tùy biến phù hợp với người dùng”, bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM, chia sẻ.

Theo đó, những ứng dụng đã có hiện nay sẽ được tích hợp vào ứng dụng “Công dân thành phố”. Với những đơn vị chưa xây dựng ứng dụng riêng, Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM sẽ hợp tác với đơn vị này để tích hợp dữ liệu lên ứng dụng “Công dân thành phố”… Tất cả dữ liệu của ứng dụng “Công dân thành phố” được chạy trên nền bản đồ số của TPHCM, là dữ liệu chuẩn từ các sở, ngành, địa phương để qua đó đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân theo địa điểm cụ thể và thời gian thực. Chẳng hạn, khi người dân đang ở quận Bình Thạnh và có nhu cầu khám chữa bệnh hay đi thẩm mỹ viện thì ứng dụng sẽ căn cứ vào vị trí để cho ra những địa chỉ gần nhất đã được Sở Y tế TPHCM được cấp phép. Hay muốn biết các chương trình khuyến mãi của Sở Công thương TPHCM tại các siêu thị, chỉ cần một cú chạm trên ứng dụng, người dân sẽ được cung cấp thông tin khuyến mãi ở siêu thị gần nhất. Với người đi xe buýt, từ ứng dụng “Công dân thành phố” sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về tuyến xe chạy, giá vé…, thậm chí tiến đến dùng vé điện tử.

“Khi ứng dụng “Công dân thành phố” ra mắt, chỉ cần đăng nhập theo thông tin từ căn cước công dân để sử dụng. Chúng tôi phát triển ứng dụng theo cách này vì nhu cầu mỗi người dân, ở mỗi nơi là khác nhau, nên việc cá nhân hóa người dùng sẽ thiết thực với từng cá nhân. Theo kế hoạch, ứng dụng “Công dân thành phố” có thể ra mắt vào ngày 2-9 sắp đến, là một cột mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt không chỉ của thành phố mà của cả nước”, bà Võ Thị Trung Trinh thông tin.

Theo Sở TT-TT TPHCM, ứng dụng “Công dân thành phố” đang trong quá trình xây dựng và khi đưa vào sử dụng sẽ gắn kết với việc sắp xếp lại khu phố, ấp của thành phố. Dựa trên dữ liệu người dùng ứng dụng, thành phố sẽ tính toán để phủ sóng các dịch vụ chuyển đổi số đến từng người dân, tạo sự thuận lợi hơn nữa trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời thúc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong giáo dục, y tế, du lịch và an sinh xã hội… của thành phố.

 

BÁ TÂN
Nguồn: www.sggp.org.vn
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 11869309