Tuyên truyền cổ động - Triển lãm

KHAI MẠC TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ: “MỘT SỐ NÔNG CỤ TRUYỀN THỐNG CỦA PHỤ NỮ MIỀN NAM”

01/05/2022 09:58

Nhân ngày kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022); 45 năm ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5/1977 - 18/05/2022) và 37 năm Ngày thành lập Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (29/4/1985 - 29/4/2022), vào ngày 29/4/2022, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ khai mạc trưng bày chuyên đề “Một số nông cụ truyền thống của phụ nữ miền Nam”.

Nông cụ truyền thống từ bao đời đã gắn bó mật thiết với đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, trong xu hướng đô thị hóa nông thôn, cơ giới hóa nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, các loại máy móc hiện đại đang dần thay thế sức lao động của con người.Vì vậy, phương thức canh tác truyền thống và hệ thống nông cụ cũng dần vắng bóng theo thời gian.

Từ những năm đầu khai phá vùng đất Nam Bộ, nền nông nghiệp lúa nước đã sớm hình thành và phát triển, kèm theo đó là những dụng cụ, công cụ hỗ trợ con người trong các công việc cải tạo đất đai, trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch nông sản. Để tiết kiệm sức lao động phụ nữ miền Nam đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo các loại nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các loại nông cụ truyền thống vô cùng đa dạng và phong phú đã ghi nhận một giai đoạn phát triển của nền nông nghiệp lúa nước và phản ánh đời sống văn hoá vật chất của vùng đất trong một thời kỳ lịch sử.

Không gian trưng bày tại Bảo tàng giới thiệu đến người xem với hơn 140 hiện vật và 35 hình ảnh là những vật dụng quan trọng luôn đồng hành, gắn bó lâu đời với người nông dân, gồm: nông cụ lao động truyền thống; dụng cụ đánh bắt và đồ dùng trong sinh hoạt sản xuất. Tại đây, các nông cụ như: Phảng phát cỏ, cày, liềm, vòng hái, nọc cấy, gàu tát nước, lưỡi hái, lờ bắt cá, giỏ đựng cá, cối xay lúa, cối xay bột, đòn gánh, gùi ba ngăn, gáo múc nước, ao mưa,… đã được trưng bày và giới thiệu đến công chúng; nhất là, thế hệ trẻ nhằm giúp mọi người trân trọng, thấu hiểu hơn về nông cụ canh tác truyền thống, về đời sống mộc mạc chân chất, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của người nông dân, góp phần chung tay gìn giữ những giá trị di sản văn hóa vật chất, tinh thần và những tinh hoa của tiền nhân.

Nông cụ xuất hiện sớm trong đời sống nông nghiệp không thể thiếu trong suốt quá trình lao động sản xuất của con người. Để dọn cỏ và phát quang đất ruộng không thể thiếu cây phảng và cù nèo. Ngoài cái phảng thì nông cụ để làm đất có thể kể đến các loại: cày, bừa, trục… trong đó cây cày giữ vai trò chủ yếu trên cánh đồng. Đây là công cụ cơ bản, xuất hiện khá sớm trong lịch sử canh tác, đánh dấu một trong những tiến bộ quan trọng của nông nghiệp. Cùng với cái phảng và cây cày thì cuốc là nông cụ có lưỡi, dùng để đào, xới, bổ, trộn và di chuyển đất. Bên cạnh nông cụ để làm đất thì nông cụ dùng để đưa nước vào ruộng thường có gàu tát nước, xa quạt nước…

Để thu hoạch cây lương thực như lúa, khoai hoặc để cắt cỏ làm thức ăn cho gia súc thì có cái liềm. Khi nhắc đến các vật dụng đánh bắt dân gian thì phải nghĩ ngay đến cái lờ bắt cá. Khi đi bắt cá thì không thể thiếu được chiếc giỏ đựng cá. Qua các dụng cụ đánh bắt dân gian dễ kiếm, dễ làm thậm chí là chỉ với hai bàn tay không vẫn đảm bảo bắt được cá, điều đó chứng minh cho sự giàu có, phong phú về cá tôm ở mảnh đất lạ lùng này.

Một trong những đồ dùng trong sinh hoạt sản xuất không thể thiếu đó là chiếc cối xay lúa. Cối xay lúa là dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt lúa, tách trấu ra khỏi hạt gạo. Để vận hành chiếc cối xay thì một bộ phận không thể thiếu là chiếc giàng xay, mỗi khi xay lúa thì tra vào lỗ của phần “tai” cối xay.

Trong cuộc sống cần lao của người phụ nữ miền Nam, chiếc đòn gánh kĩu kịt trên vai luôn gắn liền với bóng dáng tảo tần, lam lũ, chịu thương chịu khó của người bà, người mẹ.Không biết chiếc đòn gánh có tự bao giờ mà chỉ biết được rằng, lịch sử đất nước hàng nghìn năm luôn in đậm hình ảnh các bà, các mẹ, các chị gánh gồng ngược xuôi qua biết bao gian nan, thử thách. Chiếc đòn gánh là sản phẩm được kết tinh từ nền văn hóa nông nghiệp và sức sáng tạo của trí óc cùng đôi bàn tay khéo léo của giai cấp cần lao. Thoạt nhìn chiếc đòn gánh có vẻ ngoài thô cứng, đơn giản vậy nhưng mấy ai biết được rằng, để làm ra được sản phẩm ưng ý, phục vụ được nhu cầu thiết yếu trong lao động sản xuất thì đòi hỏi người thợ phải rất tỉ mỉ, chau chuốt. Chiếc đòn gánh theo bước chân người phụ nữ Việt đi vào ca dao, tục ngữ:

“Cất cây đòn gánh đi ra

Chờ cho tan chợ, về nhà tối thui

Về nhà, con đói ngủ vùi

Dầu đèn không có, cực ơi bớ chồng”.

Ngày nay, do tác động của kinh tế thị trường, các nghề thủ công truyền thống như dệt, đan lát...tồn tại ở một số vùng sâu, vùng xa. Hiện vật trong bộ sưu tập “Đồ dùng trong sinh hoạt sản xuất” hiện có ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã trở nên ít thấy, khó sưu tầm. Để giới thiệu đến công chúng một số đồ dùng trong sinh hoạt sản xuất là sự nỗ lực Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộđể giới thiệu đến công chúng, với mong muốn cung cấp những thông tin, hiểu hơn cuộc sống của đồng bào các dân tộc và yêu hơn người dân quê mình.

Chuyên đề trưng bày “ Một số nông cụ truyền thống của phụ nữ miền Nam” tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã phần nào gợi nhớ lại đời sống văn hóa của người dân Nam Bộ xưa, lớp bụi thời gian đang dần phủ lên những hiện vật quý giá. Những hiện vật lặng im sau lớp bụi thời gian kia sẽ còn nói lên nhiều tiếng nói về đời sống văn hóa của ông bà ta thuở xưa, là hơi thở của cội nguồn dân tộc mà lớp lớp thế hệ mai sau vẫn cần được biết và trân trọng.

Trưng bày chuyên đề: “Một số nông cụ truyền thống của phụ nữ miền Nam” chính thức khai mạc vào lúc 9 giờ 00 ngày 29/4/2022 tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Phòng trưng bày chuyên đề mở cửa đón khách tham quan từ ngày 29/4/2022 đến hết ngày 30/9/2022.

Các khách mời tham quan phòng trưng bày chuyên đề “ Một số nông cụ truyền thống của phụ nữ miền Nam”

Khách tham quan phòng trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Khách tham quan thích thú khi tìm hiểu về“Một số nông cụ truyền thống của phụ nữ miền Nam” tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Trang Ngọc Thắng
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 12050661