Gia đình

Xây dựng gia đình hạnh phúc là yếu tố quyết định của một xã hội hạnh phúc

31/03/2022 09:55

Thực hiện Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về triển khai Đề án “Nghiên cứu tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030” năm 2022; ngày 31 tháng 3 năm 2022, Sở Văn hóa và Thể thao – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Công tác gia đình Thành phố tổ chức Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc.

Tham dự Hội nghị có đại diện sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình Thành phố, lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức, quận, huyện, lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin và Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị đã ghi nhận 14 ý kiến đóng góp, hiến kế phương thức triển khai Bộ Tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc.

Năm (05) tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc

Theo Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố, nội dung Bộ Tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc, gồm 05 tiêu chí:

1. Tiêu chí về ứng xử trong gia đình:

- Các thành viên trong gia đình thực hiện nguyên tắc: Tôn trọng – Bình đẳng – Yêu thương – Chia sẻ -  Chuẩn mực.

- Các mối quan hệ ứng xử trong gia đình được đảm bảo:

+ Ứng xử vợ chồng: Chung thủy, Nghĩa tình, yêu thương, chia sẻ, bình đẳng, tôn trọng;

+ Ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương, công bằng, tôn trọng;

+ Ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép, kính trọng, phụng dưỡng;

+ Ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ, tôn trọng, đoàn kết.

2. Tiêu chí về điều kiện vật chất

- Tất cả các thành viên đều có nghĩa vụ lao động, có việc làm theo độ tuổi quy định của pháp luật và tham gia đóng góp xây dựng kinh tế gia đình theo năng lực của bản thân.

- Tất cả các thành viên gia đình có nghĩa vụ xây dựng đời sống vật chất, đáp ứng các nhu cầu cơ bản ăn - ở - mặc và sinh hoạt vật chất cho bản thân và gia đình.

- Có nơi ở/ nhà ở đáp ứng nhu cầu cơ bản.

3. Tiêu chí về điều kiện tinh thần

- Các thành viên trong gia đình thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, đoàn kết giữa các thành viên.

- Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng;

- Các thành viên duy trì tham gia vào các sự kiện, hoạt động chung, quan trọng, đặc biệt của gia đình; Các thành viên gia đình thể hiện sự lắng nghe, chia sẻ, động viên, khích lệ; khuyến khích nói lời yêu thương với nhau.

- Có điều kiện để tham gia các không gian công cộng dành cho việc vui chơi giải trí cùng nhau;

- Tất cả thành viên gia đình đều có quyền tự do sáng tạo, xây dựng các giá trị văn hóa phù hợp với gia đình, cộng động và xã hội; Quan hệ xã hội với mọi người xung quanh tốt;

4. Tiêu chí về giáo dục

- Tất cả các thành viên gia đình đều được tạo điều kiện học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, phát huy khả năng sáng tạo.

- Tất cả thành viên đều có quyền được giáo dục tri thức pháp luật để thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, trên tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.

5. Tiêu chí về y tế và chăm sóc sức khỏe

- Các thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe.

- Mỗi cặp vợ chồng có số con theo nguyện vọng/mong đợi và phù hợp pháp luật”.

- Các thành viên tham gia rèn luyện thể dục, thể thao.

- Tất cả thành viên gia đình đều được chăm sóc sức khỏe sinh sản; được tôn trọng và chăm sóc tốt khi thực hiện hoạt động sinh sản đảm bảo bình đẳng giới trong gia đình.

Bộ tiêu chí gia đình hạnh phúc của Đề án “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030” sẽ là công cụ đo lường hạnh phúc, sự hài lòng của người dân thành phố trong xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững khi thành phố bước vào giai đoạn mới với những chính sách, biện pháp thiết thực và phù hợp đối với sự phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế.

Xây dựng gia đình hạnh phúc là yếu tố quyết định của một xã hội hạnh phúc.

Kết thúc Hội nghị, đồng chí Võ Trọng Nam – Phó Giám đốc Thường trực Sở Văn hóa và Thể thao kết luận, gia đình có chức năng sinh sản, chức năng giáo dục, chức năng kinh tế cùng nhiều chức năng khác như thỏa mãn nhu cầu tinh thần, học tập, chăm sóc sức khỏe…do vậy nếu thiếu hụt một hoặc một số yếu tố nào đó có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc của gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cá nhân, gia đình và toàn xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc không phải một sớm một chiều đạt được, mà là một quá trình các cá nhân, hộ gia đình phấn đấu, cùng chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc là yếu tố quyết định của một xã hội hạnh phúc.

Lê Thị Hậu
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 10832302