Chuyển đổi số

Tiếp tục thúc đẩy thực hiện hiệu quả Đề án 06

22/02/2024 02:33

Chiều 20-2, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã chủ trì hội nghị.

 

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân. Ảnh: CAO THĂNG

Công tác cốt lõi xây dựng Chính phủ số

Báo cáo tại hội nghị, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, gần 2 năm triển khai Đề án 06 trên địa bàn thành phố, các đơn vị nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể trong triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, từ đó đã có sự "chuyển biến" mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Theo Thiếu tướng Trần Đức Tài, Công an TPHCM với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TPHCM đã tích cực tổ chức thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; chủ động, kịp thời tham mưu nhiều văn bản với Thành ủy, UBND TPHCM; quyết liệt triển khai giải pháp làm sạch dữ liệu công dân; thành lập nhiều tổ công tác lưu động đến tận nhà dân để thu nhận căn cước công dân (CCCD), định danh điện tử (ĐDĐT) phục vụ công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến công tác quản lý cư trú, tinh giảm các loại giấy tờ cần thiết để thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC), giảm tối đa chi phí, thời gian đi lại của công dân…

“TPHCM đã xác định Đề án 06 là một trong những công tác cốt lõi để xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đây là nền tảng, động lực giúp thành phố hoàn thành những chương trình, kế hoạch mà Đảng bộ thành phố đề ra. Đây cũng là dịp cần nhìn rõ các bài học kinh nghiệm, những vướng mắc còn tồn đọng để tập trung giải quyết nhằm thực hiện Đề án 06 tốt hơn trong giai đoạn tới”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội nghị.

Thời gian qua, nhiều mô hình điểm Đề án 06 phục vụ chuyển đổi số được triển khai thực hiện tại TPHCM. Đến nay, Thành phố triển khai có hiệu quả 17/35 mô hình, trong đó, một số mô hình đã phát huy hiệu quả khi được triển khai thực tế, như mô hình “Triển khai phần mềm lưu trú cho các cơ sở kinh doanh lưu trú và các bệnh viện (ASM)"; mô hình “Thanh toán không dùng tiền mặt”, được Sở GD- ĐT, Sở Y tế triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại 100% trường học; mô hình “Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử và ứng dụng VNeID”; “Cấp chữ ký số cho công dân trên ứng dụng VNeID”…

Để phát triển công dân số, việc cấp CCCD, ĐDĐT đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong hai năm qua, TPHCM đã chỉ đạo công an huy động tối đa lực lượng, thành lập các tổ lưu động đến tận xã, nhà công dân hoặc tận các cơ sở y tế... để thu nhận hồ sơ CCCD, ĐDĐT; đồng thời, huy động sự vào cuộc của các ngành, các cấp tăng cường phối hợp với lực lượng công an trong công tác thu nhận hồ sơ CCCD và kích hoạt tài khoản ĐDĐT. Đến nay, toàn thành phố đã thu nhận được 7.677.777 hồ sơ cấp thẻ CCCD có gắn chíp và 5.570.696 /5.454.179 tài khoản ĐDĐT mức 2 (đạt 102,1% chỉ tiêu đề ra).

Song song đó, từ triển khai thực hiện Đề án 06, TPHCM hoàn thành việc kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG) với Hệ thống thông tin Một cửa điện tử của Thành phố và làm sạch, làm giàu CSDLQG về dân cư phục vụ việc chỉ đạo, điều hành. Đến nay, tiến độ số hóa kết quả giải quyết TTHC trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC TPHCM đạt 95.89%; 276 dịch vụ công trực tuyến một phần và 464 dịch vụ công trực tuyến toàn trình đều thông suốt đã được cung cấp trên Hệ thống thông tin TTHC Thành phố.

Tiếp tục tháo gỡ những khó khăn

Tại hội nghị, nêu ý kiến đóng góp thực hiện Đề án 06, đại diện Sở GD-DT cho biết, hiện vẫn gặp một số khó khăn khi xác định cư trú cho học sinh chưa có hộ khẩu thành phố, do đó, rất cần liên thông dữ liệu tạm trú.

Còn theo bà Võ Thị Trung Trinh Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM, việc quan trọng của TPHCM trong thời gian đến là đồng bộ hệ thống, liên thông dữ liệu với các bộ ngành vì thực tế một số hệ thống các của đơn vị cấp trung ương vẫn chưa tương thích với hệ thống của TPHCM.

Hay đại diện quận Phú Nhuận phản ánh việc triển khai thực hiện chữ ký số công cộng hiện nay cũng còn gặp khó khăn, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông; hơn nữa, chữ ký số chỉ cấp miễn phí một năm khi thực hiện các dịch vụ công (không miễn phí cho giao dịch khác) nên đề xuất cần tiếp tục miễn phí chữ ký số cho người dân…

Thiếu tướng Trần Đức Tài cho biết, thời gian tới TPHCM tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị quyết liệt trong việc chỉ đạo, điều hành hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Đề án 06; xây dựng chỉ tiêu đưa vào đánh giá, xếp loại hàng năm đối với đơn vị và người đứng đứng đầu các cơ quan liên quan.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 cho rằng, qua 2 năm thực hiện đề án với nhiều khó khăn, gồm các vấn đề mới mẻ, nhưng đạt được những kết quả rất lớn, kết quả này đóng góp tích cực trong phát triển, quản lý xã hội cũng góp phần phát triển xã hội số, chuyển đổi số.

“Tôi đánh giá cao sự tham gia của các cấp và cơ quan công an, đã có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả trong 2 năm qua. Những kết quả đạt được không chỉ đóng góp cho Thành phố mà còn đóng góp ngược lại cho các cấp trung ương để qua đó rút những kinh nghiệm, cùng nhau thực hiện thành công đề án”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu.

Với những khó khăn đang còn tồn đọng như một số dữ liệu chưa được liên thông, vướng mắc trong đầu tư, các vấn đề liên quan đến thể chế… các đơn vị tiếp tục tháo gỡ. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, đây là những nhiệm vụ mới, sẽ tiếp tục có những khó khăn nên cần bám sát các kế hoạch, chỉ đạo của trung ương để Đề án 06 gắn liền liển với Đề án Chuyển đổi số của TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, năm 2025, muốn các thủ tục liên quan đến hành chính phải diễn ra trên nền tảng số thì ngay từ bây giờ phải có sự tập trung cao để phát triển các dịch vụ công và cần triển khai app công dân duy nhất để người dân sử dụng, tránh tình trạng trăm hoa đua nở.

“Thành phố với 3 ban chỉ đạo là Ban chỉ đạo Đề án 06, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính và Ban chỉ đạo Chuyển đổi số nên đề nghị Sở Nội vụ Thành phố nghiên cứu và có đề xuất hợp nhất 3 ban thành 1 để công tác chỉ đạo, điều hành được tinh gọn, hướng đến hiệu quả hơn”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Một số hình ảnh tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm thực hiện Đề án 06. Ảnh: CAO THĂNG

 

 

 

 

 

 

 

 

BÁ TÂN - CHÍ THẠCH
Nguồn: www.sggp.org.vn
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 10832276