Ông Nguyễn Hoàng Long - TGĐ công ty M-Kitech, đơn vị tài trợ chính cho giải Cây Vợt Vàng: “Tôi muốn Cây Vợt Vàng mãi trường tồn”
22/07/2008 02:22- Ông đánh giá như thế nào về tầm mức của Cây Vợt Vàng?
• Tôi muốn nhấn mạnh rằng Cây Vợt Vàng đã bước sang tuổi thứ 22, là một chặng đường rất dài với biết bao nỗ lực của tất cả những người có tâm huyết với nó. Một giải có truyền thống và có tầm cỡ như thế mà phải đứng trước nguy cơ bị giải tán thì thật phí. Thế nên, tôi muốn tài trợ để đưa Cây Vợt Vàng trở lại thời hoàng kim.
- Dưới con mắt của một doanh nhân, theo ông tại sao các nhà đầu tư ít quan tâm đến các giải thể thao ngoài bóng đá nói chung và Cây Vợt Vàng nói riêng?
• Sứt hút của giải. Khi bỏ một số tiền rất lớn vào bất cứ một đấu nào, chúng tôi cũng cần tên tuổi của mình được nhiều biết đến, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, với công chúng, chỉ có bóng đá là có thể lôi họ đến kín sân. Mà khi khán giả ít quan tâm thì giới truyền thông cũng ít đưa tin về giải.
Mà không có họ, tên tuổi của doanh nghiệp của chúng tôi không được thông tin đúng mức thông qua giải. Đấy cũng chính là lý do mà tôi quyết liệt yêu cầu BTC miễn phí toàn bộ vé vào cửa cho người hâm mộ. Chúng ta đâu thu được bao nhiêu tiền từ chuyện bán vé, nhưng nếu khán giả đến đông, được giới truyền thông quan tâm thì cái lợi mà chúng ta có thể thu về tốt hơn rất nhiều.
- Nhưng muốn thu hút sự chú ý, lẽ ra ông phải đầu tư vào môn khác, bóng đá chẳng hạn?
• Đúng là nếu tài trợ cho bất cứ giải bóng đá nào đó với số tiền tương tự mà chúng tôi bỏ ra cho Cây Vợt Vàng, cái lợi mà chúng tôi thu về sẽ lớn hơn nhiều. Nhưng như tôi đã nói ở trên, tôi chẳng muốn chứng kiến một giải lâu đời như Cây Vợt Vàng bị mai một nên muốn chung tay với nó.
Ngoài ra, tôi còn là một người hâm mộ lâu năm của bóng bàn, nên cũng thích được chứng kiến các tay vợt mạnh thi đấu tại TPHCM (tay vợt Nguyễn Mai Thy là cháu vợ của ông Long-PV). Tại sao lại để phí một cơ hội được xem những trận đấu thượng đỉnh như thế, trong khi mình hoàn toàn có khả năng tổ chức nó?
- Vậy ông muốn gắn bó lâu dài với giải?
• Đúng vậy, có thể 1 – 2 lần tài trợ, người ta chưa biết đến chúng tôi; nhưng sau khoảng 4 – 5 lần, có thể người ta sẽ biết đến. Tuy nhiên, đây là bài toán kinh tế, chúng tôi chỉ chấp nhận rủi ro trong một mức độ nào đó, chứ không thể bỏ ra quá nhiều tiền mà không thấy lối ra cho giải. Muốn thế thì tất cả các bên có liên quan phải chung tay vì giải, làm cho giải ngày càng có quy mô lớn hơn, được quốc tế biết đến nhiều hơn. Về việc này, LĐBB TPHCM không thể một mình làm được.