Bảo tàng bảo tồn

Hoạt động kiểm kê, đánh giá, xác định niên đại, giá trị khoa học, thẩm mỹ hiện vật thuộc di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố Lăng Ông Thủy Tướng

04/07/2018 02:48

     Thực hiện kế hoạch kiểm kê hiện vật thuộc di tích và tổ chức đánh giá xác định niên đại, giá trị  khoa học, thẩm mỹ hiện vật thuộc di tích hàng năm, sáng ngày 24 tháng 5 năm 2018, Trung tâm Bảo tồn di tích Thành phố tổ chức họp đánh giá, xác định niên đại, giá trị khoa học, thẩm mỹ hiện vật thuộc di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố Lăng Ông Thủy Tướng, địa chỉ khu phố Hưng Thạnh, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.

     Tham dự họp đánh giá, gồm có: Thạc sĩ Trương Kim Quân – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích, chủ trì; các nhà chuyên môn, các nhà khoa học: Tiến sĩ Phạm Hữu Mý – Nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích, Tiến sĩ Phạm Hữu Công – Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử - Thành phố Hồ Chí Minh và đại diện Phòng Quản lý Di sản văn hóa, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cần Giờ, Ủy ban nhân dân thị trấn Cần Thạnh, Hội Vạn Lạch.

     Theo Gia Định thành thông chí, từ đầu thế kỷ XIX, tại Cần Giờ đã có miếu thờ cá Ông (cá Voi) và cá Ông được phong là thần Nam Hải. Trải qua thời gian dài do thiên nhiên, chiến tranh tàn phá năm 1952, Lăng Ông Thủy Tướng được di dời về vị trí hiện nay.

     Ngày nay, lăng Ông Thủy Tướng tọa lạc tại khu phố Hưng Thạnh, thị trấn Cần Thạnh là một trong số các lăng, miếu thờ cúng cá Ông lớn nhất trên địa bàn huyện Cần Giờ nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung. Diện tích lăng là 742,5m2. Bình đồ bố trí lăng gồm: chính điện, võ ca, phòng trưng bày, nhà đãi khách. Chính điện được bài trí thờ tự như sau: chính giữa là khám thờ Thủy Long nương nương, hai bên là khám thờ Tiên sư và Tiêu diện đại sĩ, thấp dần xuống dưới là bàn thờ ông Thủy Tướng, bàn thờ Hội đồng... Võ ca đối diện với chính điện, là nơi để hát, diễn tuồng trong các ngày diễn ra Lễ hội Nghinh Ông.

Bàn thờ ông Thủy Tướng

     Theo thống kê năm 2018, tại lăng Ông Thủy Tướng gồm có 43 hiện vật gắn với lịch sử hình thành và phát triển của lăng gồm: tranh thờ, tượng, lư hương, bình gốm, bộ binh khí, kiệu nghinh, xương cá Ông... với các chất liệu như: giấy, gỗ, đồng, đất nung, xương..., trong đó phải kể đến bộ xương cá Ông dài 12m, theo lời kể của bác Ngô Văn Dị, Hội trưởng hội Vạn Lạch: Ông lụy năm 1971, được bà con ngư dân Cần Giờ chôn cất, sau 3 năm cải táng, xương Ông được đem về thờ tại lăng. Năm 2012 được sự hỗ trợ của bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hải Dương học đã phục dựng lại hoàn chỉnh bộ xương Ông. Bộ xương cá Ông hiện được trưng bày tại phòng trưng bày lăng Ông Thủy Tướng.

Cá Ông lụy năm 1971 được ngư dân hỗ trợ đưa vào đất liền

Tiến sĩ Phạm Hữu Mý đang nhận xét, đánh giá bộ xương cá Ông

     Lăng Ông Thủy Tướng còn là địa điểm chính quan trọng, nơi diễn ra Lễ hội Nghinh Ông vào các ngày từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 8 âm lịch hằng năm.

     Năm 2012, lăng Ông Thủy Tướng được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố theo quyết định số 4966/QĐ-UBND ngày 27/9/2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thị Đăng Kha
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 10832345