Nghệ thuật biểu diễn

“Tình yêu dành cho Cải lương còn sâu đậm và say đắm lắm!”

03/10/2009 08:47

Cái mới, cái hay và độc đáo được thể hiện ở những đâu? Ở khoảng thời gian diễn ra Hội diễn, Rạp hát Trần Hưng Đạo TP.HCM là địa điểm được chọn để tổ chức. Hội diễn đỏ đèn liên tục trong 15 ngày, mỗi ngày hai suất. Ở sự tham gia đông đủ của 21 đơn vị cải lương công lập trong cả nước. Ở việc 23 trên tổng số 28 vở tham gia Hội diễn được đầu tư dàn dựng công phu trong năm 2009. Riêng điểm cuối cùng như vừa nêu cho thấy các đơn vị nghệ thuật đã có sự cố gắng chuẩn bị nhằm tạo ra những tác phẩm mới để dự thi, trước là để anh em trong đoàn không có cảm giác thua thiệt so với các đoàn bạn, sau là để tránh cho người xem cảm giác nhàm chán khi thưởng thức.

Tinh thần vượt khó của các đoàn sẽ được thấy rõ nếu chúng ta nhìn vào bức tranh toàn cảnh của nghệ thuật sân khấu Cải lương cả nước. Đó là các sân khấu Cải lương hiện đang thưa dần khán giả, một bộ phận nghệ sĩ thích chạy show kiếm tiền hơn là gắn bó với đoàn hát để phục vụ khán giả, qua đó trui rèn thêm về bản lĩnh lẫn tài năng nghệ thuật. Hơn nữa, trong tình trạng khó khăn chung, các đoàn đã rất vất vả khi chạy lo kinh phí đầu tư cho vở diễn. Có những khi họ phải bớt đi những khoản chi không thật cần thiết để tập trung lo cho vở. Điều đó cũng đủ làm khán giả bày tỏ thái độ trân trọng của mình đối với tình yêu nghệ thuật của các nghệ sĩ. Hơn 1.000 tác giả, đạo diễn, nhạc công, họa sĩ đã và đang lao động miệt mài vì nghệ thuật. Theo nhận xét của ông Chu Thơm – Phó phòng nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn, thành viên Ban Tổ chức: “Hội diễn năm nay diễn ra trong điều kiện không mấy thuận lợi khi mà các phương tiện truyền thông, các loại hình giải trí khác lấn lướt cả sân khấu. Những vở diễn lẽ ra khán giả phải xem trực tiếp tại rạp thì nay lại xuất hiện nhiều và miễn phí trên mạng”. Khó khăn là vậy. Nhưng các đoàn, trong đó có đoàn Hải Phòng, Tây Ninh, Bến Tre, Kiên Giang tuy không mạnh về tài chính nhưng họ vẫn cố gắng để được tham gia. Hay như đoàn Quảng Ninh, Thái Bình, đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh đã nhiều năm không tham gia thì nay lại xuất hiện trong Hội diễn. “Điều này chứng tỏ tình yêu mà họ dành cho sân khấu Cải lương vẫn còn sâu đậm và say đắm lắm” – ông Chu Thơm nói. Về tổ chức đi lại, ăn, ở của các đoàn phía Nam dù sao cũng ít khó khăn hơn so với các đoàn phía Bắc. Vì khi tập trung diễn tại một điểm diễn là Rạp hát Trần Hưng Đạo TP.HCM, các đoàn phía Bắc như Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ninh... phải vượt đoạn đường dài gần 2.000km mang theo rất nhiều người cùng với những bục bệ, phông màn, đạo cụ phải nói là rất cồng kềnh, phức tạp. Có những đoàn chỉ cần một ngày lưu lại tại TP.HCM đã phải tiêu tốn hơn chục triệu đồng. Thế nhưng họ vẫn cố gắng tạo điều kiện cho diễn viên của mình ở lại xem Hội diễn để học tập kinh nghiệm của các đoàn bạn. Ở đây cũng phải ghi nhận sự quan tâm, ủng hộ từ UBND và Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố. Nếu không có những cơ quan, đơn vị này “bật đèn xanh” thì các đoàn sẽ không thể nào mạnh dạn chọn và đặt hàng các tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ mà họ tin tưởng tham gia vào những phần việc nhằm tạo ra một hay nhiều vở diễn hoàn chỉnh. Sự cố gắng, nỗ lực của các đoàn nghệ thuật cải lương tham gia Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 lại càng nổi bật hơn với sự góp mặt của 3 đơn vị xã hội hóa. Họ là Nhóm Thắp sáng niềm tin với vở Nước mắt thâm tình, CLB Cải lương thử nghiệm 5B với 2 vở Con mắt thời gian, Anh linh của đất và Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Hoàng Anh Tú với vở Sau lũy tre làng. Cả 3 vở diễn của 3 đơn vị này sẽ thi tài cùng các đoàn, các đơn vị vào chặng sau của Hội diễn. Thiết nghĩ, khi kết thúc Hội diễn, dù các đơn vị này có đạt được kết quả thế nào đi chăng nữa thì cũng nên dành cho họ sự ưu ái, tiếp cho họ thêm niềm tin để bước tiếp. Chúng ta cũng có quyền hy vọng rằng trong một tương lai không xa, sân khấu Cải lương sẽ hồi sinh và phát triển.

Diệu Phương
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 12006043