“TỪ ĐỜN CA TÀI TỬ ĐẾN NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG” TẠI BẢO TÀNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
02/08/2024 10:53Nhằm hướng đến tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 46 năm ngày thành lập Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (12/8/1978 - 12/8/2024), Bảo tàng tổ chức sinh hoạt chuyên đề: “Từ Đờn ca tài tử đến nghệ thuật sân khấu Cải lương” kết hợp giới thiệu phòng Văn hóa Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Đại biểu, các bạn sinh viên và khách tham quan nghe thuyết minh phòng trưng bày Văn hóa Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại chương trình, đại biểu và các bạn sinh viên được lắng nghe những chia sẻ của TS. Lê Hồng Phước - Trưởng Khoa Ngữ văn Pháp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử và nghệ thuật sân khấu Cải lương.
TS Lê Hồng Phước chia sẻ về loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử và nghệ thuật sân khấu Cải lương
Nghệ thuật Đờn ca tài tử ra đời cuối thế kỷ XIX thông qua thực hành và sáng tạo nghệ thuật, trên cơ sở nhạc Lễ, nhạc Cung đình và âm nhạc dân gian miền Trung, miền Nam nên rất đỗi bình dị, tự nhiên mà thanh cao, bác học. Hơn một thế kỷ trôi qua, nghệ thuật Đờn ca tài tử đã khẳng định vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân từ những ngày đầu mở đất, mang tiếng lòng, sức sống mãnh liệt của những con người với lối sống cần cù, phóng khoáng, cởi mở, bình dị mà nghĩa hiệp, can trường của vùng sông nước miền Nam. Ngày 05/12/2013, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Nam Bộ, của dân tộc Việt Nam mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn và phát huy giá trị Di sản văn hóa trong kho tàng văn hóa thế giới.
Nghệ thuật sân khấu Cải lương bắt nguồn từ phong trào Đờn ca tài tử, phát triển mạnh cuối thế kỷ XIX ở Nam Bộ. Năm 1917, sân khấu Cải lương có hai vở hát đầu tiên: Vở Lục Vân Tiên và vở Kiều Nguyệt Nga của tác giả Trương Duy Toản, trên sân khấu thầy Năm Tú diễn tại Mỹ Tho.
Bản sắc truyền thống của cải lương thể hiện qua hai đề tài hát: tuồng về lịch sử với nội dung đậm đà tinh thần yêu nước và tuồng xã hội ca ngợi tình nghĩa của người Việt Nam.
Bên cạnh đó, các bạn còn được lắng nghe các tiết mục như: Độc tấu đàn bầu “Ru con Nam Bộ”, Ca ra bộ Lưu thủy trường, Dạ cổ hoài lang, Tân cổ giao duyên, trích đoạn cải lương “Lục Vân Tiên”, trích đoạn cải lương “Đợi Kiều”.
NSUT Văn Hai trình diễn Độc tấu đàn bầu Ru con Nam Bộ
Qua sinh hoạt chuyên đề “Từ Đờn ca tài tử đến nghệ thuật sân khấu Cải lương”, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn giới thiệu cho du khách và các bạn trẻ hiểu hơn về âm nhạc truyền thống của dân tộc. Qua đó giúp thế hệ trẻ hiểu về đời sống văn hóa tinh thần phong phú của người dân Nam Bộ và thêm yêu các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của dân tộc.
Cùng nhìn lại một số hình ảnh tại buổi sinh hoạt chuyên đề: