Văn hóa

Tháng 6 - Tháng của gia đình

18/06/2018 05:00

     Tháng 6, tháng cao điểm với nhiều hoạt động hướng về gia đình nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tháng 6 nổi bật với những nội dung sau:

     1. Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình

     Để nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội chung tay phòng, chống bạo lực gia đình, ngày 08 tháng 3 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 363/QĐ- TTg lấy tháng 6 hằng năm là "Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình".

     Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình tập trung thực hiện hai nhiệm vụ chính: thông tin, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình góp phần bảo vệ phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc. Biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống bạo lực gia đình.

     Ngày 16 tháng 4 năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Văn bản số 1566/BVHTTDL-GĐ về tổ chức tuyên truyền nhân Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình với chủ đề: “Gia đình: nguồn lực và trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình” nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm của gia đình trong bảo vệ sự an toàn cho mỗi thành viên ngay tại gia đình, góp phần xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

     2. Ngày Gia đình Việt Nam 28 tháng 6

     Ngày Gia đình Việt Nam 28 tháng 6 là một nội dung quan trọng trong tháng 6. Ngày 04 tháng 5 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: “Lấy ngày 28 tháng 6 hàng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

     Ngày Gia đình Việt Nam là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây cũng là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, tổ chức sum họp gia đình bằng các hoạt động ý nghĩa, nhắc nhở nhau xây dựng, giữ gìn nề nếp gia phong, tô đắp nền tảng gia đình trở nên bền vững.

     Với ý nghĩa đề cao vai trò của bữa cơm gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong  5 năm liên tiếp (từ năm 2014 đến năm 2018) đã chọn chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” trong tuyên truyền Ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Với người Việt Nam, bữa cơm chính là chiếc gương soi phản chiếu hạnh phúc của một gia đình. Việc duy trì bữa cơm gia đình trong mỗi gia đình trong xã hội hiện đại ngày nay là điều cần thiết, là một nét văn hoá truyền thống cần được gìn giữ và phát huy.

     Bữa cơm gia đình không chỉ là cung cấp năng lượng cho các thành viên mà nó còn là nơi tạo tình cảm yêu thương, sự quan tâm chia sẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình lại với nhau. Bữa cơm là thời gian quý báu nhất trong ngày mà ông bà, vợ chồng, cha mẹ, con cháu, anh chị em có thể gần gũi, trò chuyện, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Qua bữa cơm gia đình, ông bà, cha mẹ có thể giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình cho con cháu qua việc quan sát, chỉ dạy về cách ăn uống sao cho lịch sự, biết “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, phụ giúp người thân chuẩn bị bữa ăn và dọn dẹp sau khi ăn xong,...Vợ  chồng có thể cùng nhau chia sẻ, trao đổi những câu chuyện xảy ra trong ngày về công việc, bạn bè, con cái, những dự định, kế hoạch của gia đình,...Cha mẹ và con cái có thể chia sẻ những câu chuyện về trường lớp, bạn bè, những tâm tư nguyện vọng và ước muốn của con cái để cha mẹ có thể chia sẻ kinh nghiệm, định hướng cho con cách cư xử và định hướng tương lai, nghề nghiệp của con một cách tốt nhất.

     Vì vậy, mỗi cá nhân hãy trân trọng những giây phút sum họp gia đình, dành thời gian để cùng nhau ăn một bữa cơm với sự có mặt của đông đủ các thành viên trong gia đình. Đặc biệt, các gia đình hãy tổ chức sum họp gia đình qua việc thực hiện hưởng ứng “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” trong khung giờ từ 17g00 đến 19g00 vào thứ Năm ngày 28 tháng 6 năm 2018, nhằm nhắc nhở nhau về vai trò quan trọng của gia đình và cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, để gia đình thật sự là tổ ấm của mỗi người.

     Các thông điệp truyền thông Ngày Gia đình Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2018:

     - Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6.

     - Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương.

     - Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

     - Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

     - Xây dựng môi trường gia đình - cộng đồng - xã hội an toàn, lành mạnh.

     - Hạnh phúc Gia đình là yêu thương và chia sẻ.

     3. Tháng hành động vì trẻ em

     Điều 11 Luật trẻ em quy định: “Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em”.

     Theo Quyết định số 467/QĐ-LĐTBXH ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 với chủ đề: “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”. Mục đích của thông điệp truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường và gia đình trong việc phát huy các tác động tích cực, bảo vệ và hạn chế tác động tiêu cực của thế giới công nghệ số và môi trường mạng xã hội đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

     Các thông điệp truyền thông trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2018:

     - Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số.

     - Công nghệ số - thông tin và tri thức lành mạnh, an toàn cho trẻ em phát triển.

     - Sử dụng mạng xã hội vì cuộc sống an toàn, lành mạnh của trẻ em.

     - Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động.

     - Gọi tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để tố cáo mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

     - Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

     - Mùa hè không còn trẻ em đuối nước.

     - Mùa hè an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em.

Hồ Thùy Linh
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6157230