Gia đình

Tài liệu chuyên đề "Giao tiếp ứng xử văn hóa trong đời sống gia đình" phần 1

08/07/2010 04:47

Với mục đích tạo sự nhận thức rõ hơn về vấn đề văn hóa trong đời sống gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giới thiệu Tài liệu chuyên đề "Giao tiếp ứng xử văn hóa trong đời sống gia đình" phần 1

Phần 1

GIA ĐÌNH, VĂN HÓA GIA ĐÌNH

VỚI VĂN MINH ĐÔ THỊ

1. KHÁI NIỆM VỀ GIA ĐÌNH

1.1 Gia đình

Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau… (Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000). Các thành viên gia đình có mối quan hệ gắn bó với nhau về trách nhiệm và quyền lợi, giữa họ có những điều ràng buộc có tính pháp lý, được nhà nước thừa nhận và bảo vệ.

Cần phân biệt hai khái niệm gia đình và hộ gia đình. Hộ gia đình được hiểu như một nhóm người sống chung trong một mái nhà nhưng không nhất thiết phải có mối quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống (hộ tập thể, hộ độc thân). Mỗi hộ gia đình có sổ đăng ký hộ khẩu, ghi rõ số nhân khẩu, người chủ hộ và quan hệ của từng thành viên với chủ hộ. Đây là hồ sơ mang tính pháp lý để chính quyền địa phương thực hiện vai trò quản lý nhà nước đối với gia đình.

1.2. Vai trò của gia đình

1.2.1.  Gia đình là hạt nhân của xã hội

Bác Hồ nói “…Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt[1].

Người ta thường nói gia đình là tế bào của xã hội, Bác gọi gia đình là hạt nhân của xã hội, nghĩa là gia đình rất quan trọng đối với xã hội. Gia đình có được xây dựng bền vững, giàu đẹp, vẻ vang,…thì xã hội mới bền vững, giàu đẹp, vẻ vang… Văn hóa gia đình được giữ gìn và phát triển thì văn hóa xã hội mới trở nên tốt đẹp.

1.2.2. Gia đình góp phần duy trì và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc

Gia đình là nơi bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Thông qua việc lưu truyền văn hóa dân tộc qua các thế hệ, các thành viên, gia đình góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ngược lại, nhờ sức mạnh văn hóa dân tộc mà mỗi gia đình duy trì các giá trị tinh thần, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

1.3. Chức năng của gia đình

1.3.1. Chức năng tái sản sinh thành viên mới cho gia đình và xã hội

Gia đình là nơi tái sản sinh con người, cung cấp thành viên, nguồn nhân lực cho gia đình và xã hội. Theo dòng văn hóa, ở mỗi thời đại, việc sinh sản của gia đình có những hệ quả nhận thức khác nhau về giới tính, số lượng con. Mặt khác, sự sinh sản trong gia đình giúp cho việc xác định nguồn cội của con người, từ đó tránh nạn quần hôn, góp phần tạo nên tôn ti gia đình, trật tự xã hội, đảm bảo được các điều kiện cơ bản cho nòi giống phát triển.

Ngày nay, khoa học sinh sản phát triển cao nhưng sinh sản tự nhiên trong gia đình vẫn là ưu thế bởi đó là điều kiện cơ bản để bảo vệ nòi giống người, là cơ sở, nền tảng cho mỗi người tham gia vào đời sống xã hội vì sự phát triển.

1.3.2. Chức năng nuôi dưỡng, giáo dục, hình thành nhân cách

Gia đình là nơi dưỡng dục về thể chất, tinh thần, hình thành nhân cách cho mỗi con người trong xã hội. Từ trường học đầu tiên này, mỗi cá nhân được những người thầy thân yêu là cha mẹ, ông bà giáo dục kiến thức, kỹ năng sống để có thể thích ứng, hòa nhập vào đời sống cộng đồng. Nêu gương là cách giáo dục tốt nhất trong gia đình nên từ cách ứng xử giữa các thành viên gia đình (cha mẹ thương yêu chân thành, tôn trọng, giúp đỡ nhau; cha mẹ, ông bà vừa yêu quý, vừa nghiêm khắc và bao dung với con cháu), giữa gia đình với họ hàng, với láng giềng, với cộng đồng (trọng nhân nghĩa, làm điều thiện, sống chan hòa, ghét thói gian tham, điều giả dối), qua đó giúp con cháu tiếp thu một cách tự nhiên, nhẹ nhàng những bài học cuộc đời nhưng lại tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách.

1.3.3. Chức năng thỏa mãn nhu cầu tình cảm cho các thành viên gia đình

Nhờ vào quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống nên thành viên gia đình có tình yêu thương và ý thức, trách nhiệm với nhau. Chính vì vậy, gia đình là nơi để mỗi thành viên được chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần, được thỏa mãn nhu cầu tình cảm, cân bằng tâm lý, giải tỏa ức chế,… từ các quan hệ xã hội.

Không phải ngẫu nhiên người ta gọi gia đình với cách gọi yêu thương, trìu mến: mái ấm. Trong gia đình, người già được chăm sóc khỏe mạnh, vui vẻ lạc quan, truyền lại cho con cháu vốn sống, cách ứng xử đẹp. Nơi đó, con cái biết yêu kính, vâng lời cha mẹ, vợ chồng quan tâm chia sẻ vui buồn cực nhọc với nhau…Ở đó, mỗi người cảm nhận được sự gần gũi, thân thương: từ khoảng sân, mái nhà, chiếc giường, … đến những quan hệ họ hàng thân thiết.

Khi một thành viên gặp biến cố, gia đình, dòng họ sẽ có sự quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ để niềm vui được nhân đôi, nỗi buồn được vơi đi một nửa. Điều đó đã tạo nên sợi dây vô hình nhưng bền chặt kết nối nghĩa tình những người trong gia đình, dòng họ, thân tộc lại với nhau. Mối quan hệ đồng bào cũng từ đó mà hình thành trong làng xóm, trong xã hội, trở thành nền tảng của tình yêu quê hương đất nước, con người.

1.3.4. Chức năng kinh tế

Đây là chức năng nhằm bảo đảm sự tồn tại và phát triển của mỗi gia đình, góp phần vào sự phát triển toàn xã hội. Lao động của thành viên gia đình hoặc hoạt động kinh tế của gia đình nhằm tạo ra nguồn lợi đáp ứng các nhu cầu đời sống vật chất (ăn, mặc, ở, đi lại) lẫn nhu cầu tinh thần (học hành, tiếp cận thông tin, vui chơi giải trí). Gia đình còn là đơn vị tiêu dùng. Việc tiêu dùng sản phẩm hàng hóa dịch vụ trong xã hội đã tác động vào sản xuất, tiền tệ, thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.

2. VĂN HÓA GIA ĐÌNH VIỆT NAM

2.1. Văn hóa gia đình

Văn hóa gia đình là một trong những lĩnh vực cơ bản của văn hóa, bao gồm những giá trị, chuẩn mực, cách ứng xử chi phối đời sống và các mối quan hệ trong gia đình, cũng như mối quan hệ gia đình với xã hội. Văn hóa gia đình được thể hiện như là truyền thống gia đình, dòng họ, do mỗi gia đình xây dựng nên hệ giá trị, chuẩn mực trở thành nếp nhà.

Nội dung văn hóa gia đình bao gồm:

+ Bảo tồn và phát triển nòi giống: Kiến thức ở tất cả các lĩnh vực giúp cha mẹ sinh, nuôi dạy con tốt, phát triển nhân cách và năng lực con cái…

+ Giáo dục trong gia đình: Cha mẹ, ông bà giáo dục con cái, anh chị khuyên bảo các em. Phương pháp cơ bản trong giáo dục gia đình là nêu gương, vì vậy, đòi hỏi người giáo dục phải có kiến thức, có đạo đức, có cuộc sống lành mạnh, có cách ứng xử tinh tế, đúng mực. Giáo dục gia đình tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi gia đình, là niềm tự hào của mỗi thành viên trong gia đình.

+ Ứng xử và ứng xử văn hóa: Bao gồm giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình và xóm giềng, bè bạn; giữa dòng họ bên vợ với gia đình bên chồng và ngược lại; giữa gia đình với gia tộc. Các nội dung văn hóa gia đình được chuyển tải thông qua các hoạt động của gia đình, trong mối quan hệ giữa các thành viên cũng như qui mô của gia đình (cấu trúc của gia đình) và thực hiện các chức năng gia đình trong sự phát triển.

2.2. Giá trị truyền thống của văn hóa gia đình Việt Nam

2.2.1. Về cấu trúc

Giá trị cấu trúc là biểu hiện các mối quan hệ bên trong của gia đình, bao gồm quan hệ giữa vợ - chồng, quan hệ giữa cha mẹ - con cái, quan hệ giữa anh - chị - em và quan hệ giữa ông bà - con cháu

2.2.1.1. Quan hệ giữa vợ - chồng

Văn hóa gia đình Việt Nam xây dựng trên nền tảng đạo lý thủy chung, tình nghĩa (Vợ chồng là nghĩa tào khang). Trong xã hội cổ truyền Việt Nam, dù có ảnh hưởng Nho giáo “tòng phu”, nhưng văn hóa gia đình Việt Nam vẫn là hòa thuận, bình đẳng theo quan điểm “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.

2.2.1.2. Quan hệ giữa cha mẹ - con cái

Văn hóa gia đình Việt Nam lấy “đạo hiếu” làm trọng. Vì thế cho nên, trong gia đình truyền thống Việt Nam, con cái đối với cha mẹ phải kính trọng, vâng lời, tu dưỡng đạo đức, làm nên sự nghiệp để báo hiếu, đền đáp công ơn dưỡng dục, sinh thành. Việc phụng dưỡng cha mẹ là đạo lý mà con cái phải thực hiện thường xuyên trong suốt cuộc đời. Về phía cha mẹ có quyền quyết định mọi việc đối với con cái, đồng thời phải có trách nhiệm, nghĩa vụ nuôi dưỡng, bảo bọc, dạy bảo các con nên người với niềm mong ước và sự hãnh diện khi “Con hơn cha là nhà có phúc”. Người làm cha mẹ phải biết hy sinh, sống bao dung, tu dưỡng bản thân, làm việc thiện và xây dựng nề nếp gia đình để truyền lại cho con cháu. Mối quan hệ cha mẹ - con cái luôn thấm nhuần trong tâm thức mỗi người Việt Nam qua tục ngữ - ca dao người xưa để lại:

Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

2.2.1.3. Quan hệ anh - chị - em

Người Việt quan niệm anh chị em là “ruột rà máu thịt” vì vậy mà “máu chảy ruột mềm”. Gia đình truyền thống Việt Nam tuy có ảnh hưởng Nho giáo “Quyền huynh thế phụ”, nhưng vẫn đề cao giá trị “trên kính dưới nhường”, hòa thuận với nhau, vì:

Anh em như thể chân tay,

Như gốc với rễ như cây với cành.

Anh thời phải thuận đạo anh,

Em thời hiếu đễ mới đành đạo em.

2.2.1.4. Ở qui mô gia đình  

Gia đình truyền thống Việt Nam là gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống được gọi là “tam (tứ) đại đồng đường”, là khi con cháu dù đã có vợ, chồng, sinh con cái vẫn tiếp tục chung sống với ông bà, cha mẹ. Qui mô lớn của gia đình thể hiện quan niệm có “phúc” là đông con, nhiều cháu; lại phù hợp về nguồn nhân lực lao động của gia đình trong xã hội nông nghiệp nhỏ với nền kinh tế sản xuất tự cung tự cấp. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức của người Việt với mục đích duy trì các mối quan hệ gia đình, ngay cả khi không còn sống chung dưới mái nhà.

 Văn hóa gia đình Việt Nam còn đề cao nhân nghĩa trong quan niệm “phúc - đức”. Đức, trước hết đó là lòng nhân ái, là tình thương yêu con người và “nhân đức” là tiêu chí cơ bản để xác định tính người trong con người, như Phan Bội Châu đã viết:                                    

Người sở dĩ khác hơn cầm thú

Vì lòng nhân trời phú cho ta.

Người Việt Nam quan niệm mọi ứng xử của con người xuất phát từ lương tâm. Người có lương tâm thì ngay trong việc làm bình thường nhỏ nhặt cũng bộc lộ lòng nhân ái:

Miếng khi đói, gói khi no

Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng

Người có lương tâm thì không làm việc gì để lương tâm phải cắn rứt, tự xấu hổ với chính bản thân. Văn hóa tâm linh Việt Nam cũng nêu cao niềm tin về nhân đức, tin vào luật nhân quả: “Ở hiền gặp lành”, “Gieo gió gặt bão”. Luật nhân quả không chỉ chi phối đến bản thân người hành xử mà còn ảnh hưởng đến con, cháu. Dân gian có câu: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, “Phúc đức tại mẫu”. Vì vậy, người Việt rất coi trọng việc hướng con người tới tu nhân, tích đức, để đức lại cho con, cháu. Đây là một giá trị văn hóa hết sức cao đẹp của người Việt Nam. Người làm cha mẹ không chỉ nghĩ đến mình, không chỉ cố sống cho sung sướng đời mình mà phải sống vì tương lai của gia đình, con cháu.

2.2.2. Về chức năng

2.2.2.1. Ở chức năng tái sản sinh thành viên mới cho gia đình và xã hội

Xưa, gia đình Việt Nam coi trọng sinh sản để có con “nối dõi tông đường” và gia đình đông đúc đáp ứng nhân lực lao động trong gia đình và cho xã hội nông nghiệp vốn rất cần nguồn lao động dồi dào. Mặt khác, do đất nước luôn có chiến tranh xâm lược nên gia đình là nơi cung cấp nguồn nhân lực tham gia bảo vệ Tổ quốc.

Những quan niệm như “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “Nữ sanh ngoại tộc”, “Ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng”,...là biểu hiện của sự đấu tranh xây dựng các giá trị văn hóa sinh sản trong nhân dân.

2.2.2.2. Ở chức năng nuôi dưỡng, giáo dục, hình thành nhân cách

Trước đây, các nội dung để giáo dục nhân cách con người chịu ảnh hưởng các quan niệm của Nho giáo như: “Tam tòng, tứ đức”, “Quân - Sư - Phụ”, “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”, “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”, “Con hơn cha,nhà có phúc”, “Anh em như thủ túc”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”...Những qui chuẩn đó phù hợp với bối cảnh xã hội cụ thể, là nội dung để gia đình dạy dỗ, xây dựng nhân cách cho con người.

2.2.2.3. Ở chức năng thỏa mãn nhu cầu tình cảm cho các thành viên gia đình

Gia đình xưa, dù rất quan tâm đến tổ ấm gia đình nhưng tôn ti, trật tự, ứng xử lễ nghi đã làm hạn chế các hành vi thỏa mãn nhu cầu tình cảm cho thành viên gia đình. Một vài thành ngữ biểu thị cho giá trị của chức năng này là “Sống gửi thác về”, “Râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”, “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.

2.2.2.4. Ở chức năng kinh tế

Gắn với văn minh nông nghiệp, gia đình là đơn vị tổ chức sản xuất tự chủ. Gia đình Việt Nam coi trọng cơ nghiệp cho nên “Tấc đất, tấc vàng”, “Con trâu là đầu cơ nghiệp” hay “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, hoặc “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rong, nhất nông nhì sĩ”, rồi “Phi thương bất phú”,... diễn tả các giá trị chức năng kinh tế gia đình, được sử dụng để giáo dục các thành viên trong gia đình cách lao động, phát triển kinh tế gia đình qua các thời kỳ. Trong cách tiêu dùng của gia đình cũng cố gắng sao cho phù hợp như “Liệu cơm - gắp mắm” hay “Khéo ăn thì no – khéo co thì ấm”.

2.3. Nhận thức về văn hóa gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa                 

2.3.1. Khía cạnh tích cực        

2.3.1.1. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa thúc đẩy quá trình phát triển từ gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại

Mô hình văn hóa gia đình hiện đại tồn tại, phát triển trên cơ sở nền tảng của xã hội đô thị, của văn minh công nghiệp và nền kinh tế hàng hóa sản xuất lớn. Đó là mô hình gia đình của xã hội hiện tại và tương lai. Trong bối cảnh đất nước ta đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, mô hình văn hóa gia đình hiện đại có thể vẫn chưa định hình rõ nét, nhưng chắc chắn quá trình chuyển đổi mang tính quá độ từ truyền thống lên hiện đại của văn hóa gia đìnhViệt Nam với nhiều hướng khác nhau vẫn là một xu thế tất yếu.

Trong thực tế, nước ta đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (nông nghiệp vẫn còn chiếm tỉ trọng lớn: trên 60 %), nếp sống nông nghiệp vẫn còn hằn sâu trong mọi mặt đời sống (kể cả ở các vùng đô thị)… thế nhưng trước yêu cầu của xã hội mới, mô hình văn hóa gia đình hiện đại đã và đang có dấu hiệu phát triển và được thúc đẩy ngày càng rõ nét. 

Số liệu các cuộc điều tra thời gian qua cho thấy, quy mô hộ gia đình Việt Nam ngày càng thu hẹp theo hướng phát triển gia đình hạt nhân. Xu hướng hạt nhân hóa là xu thế phát triển chủ yếu của gia đình hiện đại. Cơ cấu gia đình từ gia đình nhiều thế hệ (tam, tứ đại đồng đường…) chuyển thành gia đình hạt nhân với một, hai thế hệ (có số người trung bình trên, dưới 4 người) là chủ yếu. Qui mô gia đình nhỏ, gia đình hạt nhân tạo cơ hội cho các cá nhân được khẳng định mình trong lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, hôn nhân. Cũng từ đó, quan hệ hôn nhân theo hướng ngày càng tự do dựa trên cơ sở tình yêu nam - nữ là chủ yếu, tuổi kết hôn tăng cao so với trước. Tính chất đa chức năng của gia đình: tái sản sinh - kinh tế - văn hóa - xã hội hóa ngày càng đan xen vào nhau rõ nét và được phát huy tốt đối với từng thành viên gia đình…

Nhìn chung việc thay đổi quy mô gia đình cùng các biến đổi vừa nói đã tạo điều kiện cho quan hệ bình đẳng, dân chủ trong gia đình. Điều này còn đồng nghĩa với việc giảm sinh, giữ vững quy mô dân số hợp lý, chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và đô thị hóa đất nước          

2.3.1.2. Công nghiệp hóa - hiện đại hóa góp phần xác lập các điều kiện xã hội thuận lợi hơn để xây dựng, phát triển đời sống gia đình và văn hóa gia đình

Như đã nói ở trên, những nét mới của văn hóa gia đình trong quá trình hiện đại hóa nhằm phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa sẽ ngày càng có tác động tích cực trên nhiều mặt. Ở đây chúng ta có thể nhấn mạnh:

“Xu hướng hạt nhân hóa gia đình ở Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng vì nhiều ưu điểm và lợi thế của nó. Trước hết gia đình hạt nhân tồn tại như một đơn vị độc lập, gọn nhẹ, linh hoạt và có khả năng thích ứng nhanh với các biến đổi xã hội…Kiểu gia đình này tạo cho mỗi thành viên trong gia đình khoảng không gian tự do tương đối lớn để phát triển tự do cá nhân…”[2]

Nhìn sâu hơn, văn hóa gia đình trong quá trình hiện đại hóa còn có những chuyển động khác rất có ý nghĩa, đó là vấn đề bình đẳng giới. Không phải ngẫu nhiên khi từ năm 1980, Chính phủ Việt Nam đã ký cam kết thực hiện Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Gần đây nhất, Quốc hội đã thông qua Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Chính phủ, thông qua Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, đã có nhiều nỗ lực để tuyên truyền, cung cấp kiến thức về giới và bình đẳng giới đến mọi đối tượng… Vai trò người phụ nữ Việt Nam ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội trên mọi lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hóa... Bên cạnh đó, các dịch vụ xã hội ngày càng phát triển, điều kiện, vật chất - kỹ thuật ngày càng cao thuận lợi cho sự phát triển của cá nhân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng phụ nữ, tạo điều kiện cho họ phát huy tiềm năng bản thân, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội…                         

Ngoài ra, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế đã tạo cho gia đình Việt Nam cơ hội tiếp cận thêm nhiều giá trị văn hóa mới. Gia đình với tư cách là đơn vị kinh tế, tham gia ngày càng nhiều, sâu vào nền kinh tế với tư cách là người sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Gia đình và kinh tế hộ gia đình không chỉ tham gia thị trường với tư cách là chủ thể kinh tế tạo việc làm, mà còn ở chỗ tạo ra sự năng động linh hoạt và tính đa dạng của cung và cầu trong nền kinh tế thị trường. Trong bối cảnh đó, xã hội và quá trình đô thị hóa sẽ tạo thêm nhiều cơ hội và điều kiện thực tế để góp phần chăm lo, phát triển đời sống gia đình và văn hóa gia đình trên mọi mặt liên quan cả về đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần…

2.3.2. Khía cạnh tiêu cực

2.3.2.1. Hiện đại hóa có thể tác động tiêu cực đến các giá trị văn hóa gia đình truyền thống

Như đã nói, văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam chủ yếu chịu sự chi phối bởi tư tưởng triết học phương Đông, đặc biệt là tư tưởng Nho giáo với nguyên lý “con người là một bộ phận không tách rời, thậm chí bị hòa tan trong đời sống xã hội”…Trong khi đó, văn hóa gia đình hiện đại lại chủ yếu dựa vào các trào lưu, tư tưởng triết học phương Tây, đặc biệt là học thuyết Mác – Lê nin với hạt nhân cốt lõi là đề cao giải phóng cá nhân trong mối quan hệ với sự phát triển của gia đình và xã hội.

Trong quá trình chuyển đổi từ truyền thống đến hiện đại, cùng với sự tiếp thu những giá trị mới, những xung đột về giá trị giữa truyền thống và hiện đại là khó tránh khỏi. Điều đó chắc chắn sẽ tác động nhất định đến sự phát triển không ổn định của gia đình, của các mối quan hệ trong gia đình. Bên cạnh ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo làm cho vai trò, trách nhiệm và mối quan hệ giới trong xã hội Việt Nam vẫn còn ít nhiều bị hạn chế, chẳng hạn hành vi gia trưởng, xu hướng hạ thấp vị trí của phụ nữ trong gia đình, không công nhận đầy đủ vai trò và đóng góp của phụ nữ, trọng con trai hơn con gái,… Sâu xa hơn là xung đột giữa “quyền lực truyền thống” của nam giới trong gia đình với sự bình đẳng giới, giữa quyền trẻ em và sự áp đặt của cha mẹ, giữa tự do sống chung không kết hôn, tự do tình dục với việc tuân thủ luật pháp, phong tục và đạo đức truyền thống v.v...

Như vậy, văn hóa gia đình truyền thống có thể bị đánh mất những giá trị vốn có (hoặc tự phát bảo lưu theo quán tính những yếu tố lạc hậu) trong khi văn hóa gia đình hiện đại chưa được xác lập rõ nét, có nghĩa sự “quá độ” của văn hóa gia đình hiện nay gần như đồng nghĩa với sự “mất thăng bằng” hoặc “lung lay” của chính bản thân nó,đặc biệt là trong các mối quan hệ gia đình (vợ - chồng, cha - mẹ - con cái …). Ví dụ, xu hướng giảm sinh, già hóa dân số ở nước ta ngày càng nhanh, kết hợp sự thu hẹp quy mô theo hướng “hạt nhân hóa” gia đình cùng với sự phai nhạt những giá trị văn hóa gia đình truyền thống tất yếu dẫn đến nguy cơ người già rơi vào hoàn cảnh cô đơn, việc chăm sóc người già và cả trẻ em có thể sẽ gặp nhiều khó khăn…                                 

2.3.2.2. Những nguy cơ và thách thức đối với văn hóa gia đình Việt Nam

Bên cạnh những yếu tố tích cực, gia đình Việt Nam hiện đại đang tiềm ẩn những nguy cơ và thách thức bởi sự “khủng hoảng”. Chẳng hạn, tình trạng ly hôn ngày càng tăng, tệ nạn xã hội tấn công vào gia đình ngày càng nhiều, cha mẹ ít có thời gian chăm sóc, giáo dục, quan tâm đến tình cảm, tâm lý của trẻ dẫn đến trẻ có nhiều thời giờ rỗi, tò mò trước những cám dỗ, cạm bẫy mà không lường trước được hậu quả. Gia đình đổ vỡ có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau như mâu thuẫn về kinh tế, bạo hành trong gia đình, vợ hoặc chồng ngoại tình, thậm chí do tình dục không hòa hợp v.v...

Bên cạnh đó, mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường đã tạo ra một số hậu quả tiêu cực cho sự phát triển của gia đình. Ở đây cần nhấn mạnh: thị trường không phải chỉ là nơi kinh doanh, mua bán mà còn là một môi trường sống sinh động với những tâm lý, tính cách, quan hệ người,v.v…ngày càng bị chi phối sâu sắc, thậm chí ràng buộc bởi các qui luật nghiệt ngã của kinh tế hàng hóa. Khái niệm “xã hội thị trường” dần dần trở thành hiện thực và được thể hiện ở tính chất kinh tế. Đặc biệt, vật chất, tiền bạc có thể trở thành thước đo giá trị như là một “chuẩn mực sống” quan trọng. Tinh thần thực dụng, xa hơn là chủ nghĩa thực dụng có thể trở thành một thứ triết lý, đạo lý thậm chí là lối sống, nếp sống phổ biến của nhóm thị dân….!

Gia đình với tư cách là một tế bào của xã hội, là môi trường văn hóa gần gũi nhất của con người đang có xu hướng ngày càng nhỏ bé và kém bền vững do hoạt động kinh tế thị trường ngày càng bành trướng và có tác động tiêu cực rất khó lường ở các đô thị công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Sự “nghèo đi”, “thui chột đi” về văn hóa tinh thần, về mối quan hệ giữa người với người (trong gia đình, ngoài xã hội…) trong khi đời sống vật chất ngày càng “giàu lên” có vẻ như là một bệnh nan y mang tính “trầm kha” ở khắp các đô thị[3].Đây chính là một trong những nội dung cốt lõi liên quan đến khái niệm “chất lượng sống” hay “văn hóa sống”liên quan đến những khía cạnh sâu sắc nhất của vấn đề xây dựng văn hóa gia đình hiện nay.

3. XÂY DỰNG VĂN HÓA GIA ĐÌNH VIỆT NAM

3.1. Định hướng xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam

3.1.1. Thực hiện tốt “Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2005 – 2010” và các chính sách về gia đình

Trên cơ sở kế thừa, giữ gìn, phát huy tốt những giá trị văn hóa gia đình truyền thống và chủ động tiếp thu, phát triển những tinh hoa văn hóa gia đình hiện đại, cần xác lập một mô hình văn hóa gia đình Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Mục tiêu chủ yếu của công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa được xác định là “ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con), no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”[4], dựa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V, khóa 8 về việc “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”, Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2005 – 2010 được xác lập với định hướng cơ bản là “củng cố, ổn định gia đình trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình Việt Nam trong xã hội phát triển”[5]. Đây chính là những định hướng, mục tiêu quan trọng hàng đầu của việc việc xây dựng văn hóa gia đình trong quá trình đô thị hóa hiện nay và trong tương lai.  

Xác lập những nội dung, định hướng như trên không chỉ do những mong muốn tốt đẹp mang tính chủ quan mà còn dựa vào cơ sở khách quan của quá trình vận động, phát triển của bản thân gia đình cùng các điều kiện kinh tế - xã hội khác. Bước vào thế kỷ XXI và thiên niên kỷ thứ ba, quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa ngày càng gia tốc với sự phát triển vũ bão của khoa học kỹ thuật và công nghệ, của xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức. Nền văn minh kỹ thuật số đang làm cho mọi quan hệ, ứng xử con người ngày càng mang nặng tính hành chính, máy móc, trong một nhịp sống ngày càng căng thẳng và thực dụng. Đây chính là những thách thức gay gắt nhất đối với việc tìm tòi xác lập một mô hình văn hóa gia đình Việt Nam trong quá trình đô thị hóa thời gian tới theo định hướng đã nêu ở phần trên.

3.1.2. Đấu tranh với mọi nguyên nhân gây tổn hại đối với văn hóa gia đình

Khi ta nói “gia đình là tế bào của xã hội”, có ý nghĩa rằng ta phải thừa nhận một thực tế là những “bệnh tật” của xã hội có thể ảnh hưởng khôn lường đối với sự tồn tại của gia đình. Văn hóa gia đình đôi khi rất mỏng manh trước những tác động tiêu cực của xã hội. Do vậy, không thể khác, để bảo vệ sự phát triển lành mạnh của gia đình, chúng ta phải cảnh giác và tích cực đấu tranh bài trừ mọi nhân tố có thể gây tác hại đối với văn hóa gia đình nói riêng và gia đình nói chung. Việc xây dựng gia đình và văn hóa gia đình cần phải gắn chặt trong quá trình xây dựng và phát triển xã hội mới:

"Xây dựng tác phong công nghiệp phù hợp với nếp sống văn minh đô thị và “lối sống đô thị nhân văn” cho con người trong mọi quá trình đô thị hóa, đặc biệt là cho những “thị dân” mẫu mực tương lai (tức lớp công dân trẻ ở các đô thị ngày nay) – ngay bây giờ họ cũng đã cần phải có sự “mẫu mực” ấy từ tấm bé, từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông - tất cả vấn đề đặt ra cho thấy rằng lối sống đô thị với hệ thống các kiến thức liên quan rõ ràng có vị trí, ý nghĩa hết sức lớn”[6].

Nhiều thập kỷ qua, chúng ta chỉ mới chú ý tới giáo dục tri thức, kiến thức mà chưa có sự đầu tư, quan tâm đúng mức về giáo dục văn hóa gia đình, giáo dục đạo làm người… Đó là nguyên nhân chính dẫn tới sự sa sút về đạo đức, rạn nứt các mối quan hệ, trách nhiệm và bổn phận của các thành viên trong gia đình. Trong đó, gia đình luôn có vai trò quan trọng vì gia đình trực tiếp tham gia vào việc giáo dục con người từ lúc lọt lòng đến khi trưởng thành và trong suốt quá trình xã hội hoá tiếp theo của cá nhân.

Bên cạnh đó, các hoạt động xây dựng gia đình văn hóa thông qua các cuộc vận động có tổ chức, các phong trào rộng lớn cần được tiếp tục phát huy như: Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở (trong đó có công tác Xây dựng Nếp sống văn minh – Gia đình văn hóa), Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư (trong đó có công tác Xây dựng gia đình văn hóa gắn với Xây dựng khu phố - ấp văn hóa, phường - xã văn hóa), Câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc v.v…    

3.2. Xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam hiện đại

Sự tiếp biến giá trị văn hóa gia đình Việt Nam là một tất yếu, nó mang tính qui luật, vừa xuất phát từ yêu cầu kế thừa có chọn lọc, loại bỏ những gì không tích cực, không còn phù hợp. Mặt khác, trình độ văn minh của mỗi thời đại có ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống, cơ cấu, chức năng gia đình và các mối quan hệ của các thành viên. Thông qua cấu trúc và chức năng gia đình để đề xuất những nhận thức và hành vi xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam hiện  đại như sau:

3.2.1. Về cấu trúc

3.2.1.1. Trong quan hệ vợ chồng

Ứng xử trong quan hệ vợ chồng ngày nay cần được củng cố trên nền tảng đạo nghĩa thủy chung, với phương châm “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Sự biến đổi ở giá trị này đòi hỏi cả vợ và chồng cùng đồng tâm vì gia đình; cùng phấn đấu để cả vợ chồng cùng được nâng cao kiến thức, cùng tiến bộ; có việc làm và có thu nhập; cùng chia sẻ việc nuôi dạy con, công việc bếp núc trong nhà.

Để thuận vợ, thuận chồng ngày nay khó khăn hơn nhiều so với ngày xưa vì ngày xưa có sự phân công rõ ràng “của chồng công vợ”, ngày nay cả vợ chồng cùng song hành với hai trách nhiệm: vừa tạo thu nhập, vừa chu toàn việc nhà. Đó là chưa kể đến việc cả vợ chồng cùng nâng cao kiến thức, rồi những quan hệ xã hội,… dễ dẫn tới xu hướng không ai phục tùng ai. Điều này đòi hỏi hai vợ chồng phải hết sức cảm thông với nhau, mỗi người phải hi sinh một phần lợi ích cá nhân của mình cho gia đình, vì gia đình.

3.2.1.2. Trong quan hệ ông bà - cha mẹ - con cháu

Dù xưa hay nay, đạo hiếu vẫn là giá trị cơ bản trong văn hóa gia đình và là bản sắc của văn hóa gia đình Việt Nam. Ông bà, cha mẹ có nhiệm vụ nuôi nấng, dạy bảo khi con, cháu còn nhỏ. Khi trưởng thành, con cháu có nhiệm vụ báo hiếu, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi già yếu. Trong xã hội công nghiệp - hiện đại, trách nhiệm xã hội ngày càng dồn gánh nặng lên vai mỗi người, chi phối hầu hết thời gian cá nhân, có ảnh hưởng đến sự giao tiếp ứng xử giữa các thành viên gia đình trong đó có việc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi tuổi cao sức yếu. Việc phụng dưỡng chăm lo cho ông bà cha mẹ ngày nay cũng có nhiều hình thức phù hợp với cuộc sống công nghiệp - hiện đại như : khi ở chung con cháu trực tiếp chăm sóc, chăm sóc và có dịch vụ hỗ trợ; hoặc ở riêng nhưng thường xuyên đến thăm viếng, tập trung lo lắng khi ốm đau bệnh hoạn. Hành động trực tiếp chăm sóc ông bà cha mẹ thỏa mãn nhu cầu tình cảm, gần gũi với con cháu ở người già. Nhưng hoàn cảnh thực tế đôi khi vẫn phải cậy nhờ vào các dịch vụ gia đình từ phía xã hội. Điều này đòi hỏi cha mẹ già cũng cần có sự cảm thông với điều kiện lao động của con cái trong thời đại mới, ngược lại con cái cần có sự hy sinh điều gì đó của bản thân mình để thực hiện chữ hiếu.

3.2.1.3. Trong quan hệ anh - chị - em

Anh - chị - em phải thương yêu, đùm bọc nhau. Đây mãi là giá trị cao đẹp cần được gìn giữ của văn hóa gia đình Việt Nam.

Trong điều kiện xã hội Việt Nam đang quá độ từ cũ sang xã hội mới hoàn toàn bằng biện pháp xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần thì không tránh khỏi trong gia đình, giữa anh, chị, em có lối sống, quan điểm và cả mức sống khác nhau. Vì vậy anh, chị, em phải thực sự coi trọng tình ruột thịt để bỏ qua mọi sự khác biệt. Nếu trong quan hệ xã hội, mỗi người cần phải lấy lòng nhân ái để cư xử với nhau thì trước hết phải ứng xử với anh em ruột thịt bằng tấm lòng yêu thương chân thành.

3.2.1.4. Ở qui mô gia đình

Nhận thức xây dựng gia đình hạt nhân của người Việt Nam là sự dung hòa giữa xu hướng tách hộ, hình thành gia đình hạt nhân ở xã hội công nghiệp hiện đại, xu thế đô thị hóa mạnh mẽ với việc giữ gìn phúc đức. Cha mẹ chăm lo con cái về nghề nghiệp, việc làm để khi thành niên lập gia đình được vững vàng trong cuộc sống riêng. Nếu có khả năng, sự lo liệu ấy có thể gồm tài sản như: mảnh đất, căn nhà, một ít vốn liếng... Cách lo lắng này, một mặt nhằm thỏa mãn điều kiện sống gần gũi để con cái sớm viếng tối thăm, phụng dưỡng cha mẹ; mặt khác, ông bà cha mẹ cũng thuận tiện quan tâm hỗ trợ cho mái ấm nhỏ ấy. Nếu phải làm ăn, định cư xa, cách chăm lo này sẽ nuôi dưỡng tinh thần gìn giữ phúc đức gia đình trong tâm thức mỗi người để luôn thương cây nhớ cội mà duy trì nề nếp gia đình, giữ tròn đạo hiếu trong mọi hoàn cảnh.

3.2.2. Về chức năng

3.2.2.1. Trong chức năng tái sản sinh thành viên mới cho gia đình và  xã hội

Xây dựng gia đình là để sinh con đẻ cái. Trong xã hội hiện đại, việc sinh con đẻ cái không thể theo quan niệm “Trời sinh voi, sinh cỏ” mà kiến thức nuôi dạy trẻ cần được phổ cập rộng rãi cho người làm cha làm mẹ để có thể tái sản sinh ra cho gia đình và xã hội những thành viên mới vừa khỏe mạnh, vừa thông minh, vừa giàu tâm hồn, tình cảm. “Sinh ít con để nuôi dạy cho tốt” không chỉ là định hướng mà còn là trách nhiệm của cá nhân, vợ chồng. Ngày nay, kế hoạch hóa gia đình là ngành khoa học sinh sản nhằm đảm bảo cho mỗi cá nhân, gia đình có quyền có những đứa con khỏe mạnh, được làm cha, làm mẹ, thực hiện trách nhiệm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kế hoạch hóa gia đình cũng là một tiêu chuẩn không thể thiếu trong xây dựng gia đình văn hóa.

3.2.2.2. Trong chức năng nuôi dưỡng, giáo dục, hình thành nhân cách

Trong xã hội hiện đại, vai trò gia đình càng được đề cao trong việc thực hiện chức năng nuôi dưỡng, giáo dục, hình thành nhân cách. Trường học giáo dục tri thức cho con người, gia đình vẫn đảm nhiệm trách nhiệm lớn trong giáo dục, hình thành nhân cách con cái. Do vậy, ngoài việc nuôi dưỡng, chăm sóc, phát triển thể lực cho các thành viên mới, ông bà cha mẹ còn có trách nhiệm giáo dục hình thành nhân cách bằng chính tình thương bao la, cách ứng xử văn hóa của mình. Cha mẹ phải biết phát hiện, chăm lo, bồi dưỡng, phát huy năng lực, trí tuệ của con trẻ bởi tri thức là một yếu tố không thể thiếu để hoàn thiện nhân cách con người.

Xã hội Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nên cạnh tranh vẫn là qui luật tác động nhận thức con người, tạo nên ý thức ganh đua, bon chen thậm chí “chụp giật”. Điều này, càng đòi hỏi mỗi gia đình phải xây dựng văn hóa gia đình, hình thành nền tảng tinh thần nhân cách vững chãi để mỗi con người có đủ sức chống lại những cái phi nhân cách, tránh những ảnh hưởng của tệ nạn xã hội.

Nội dung giáo dục ngày nay rất đa dạng, phong phú: giáo dục hướng nghiệp từ trong gia đình, giúp con rèn luyện bản lĩnh, ý chí vươn lên, sự năng động, biết chịu đựng gian khổ, giáo dục pháp luật, giáo dục về văn hóa gia đình, giáo dục về ý thức, bản sắc dân tộc,… Vì vậy, trong xã hội hiện đại không thể giữ quan niệm “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” để đặt gánh nặng lên vai người phụ nữ mà cả ông, bà, cha, mẹ cùng gánh vác trách nhiệm. Sự giáo dục trong gia đình còn là sự giáo dục lẫn nhau, cha mẹ phải biết lắng nghe những suy nghĩ, ý tưởng mới, đúng đắn của con cái.

3.2.2.3. Trong chức năng thỏa mãn nhu cầu tình cảm cho các thành viên gia đình

Trong văn hóa gia đình Việt Nam, mái ấm gia đình vẫn mãi là một biểu tượng đẹp mà mỗi người, mỗi gia đình hãy trân trọng, hết lòng gìn giữ cho chính mình, cho xã hội, cho mỗi người ở mọi lứa tuổi có một nơi chốn yên bình về tinh thần. Các giá trị mới như bình đẳng giới, quyền trẻ em đã có tác động làm thay đổi nhận thức về sự làm chủ và quyền biểu lộ tâm tư tình cảm của mình với người khác, nhất là giữa những thành viên gia đình với nhau. Khi có được thuận lợi này, thì tiếp theo có những thử thách mới. Đó là xã hội Việt Nam đang trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nguy cơ guồng quay của xã hội công nghiệp sẽ cuốn hút mạnh mẽ mọi thành viên ra khỏi mái ấm gia đình. Vì vậy, xây dựng và gìn giữ tổ ấm gia đình trong xã hội công nghiệp hiện đại là khó khăn hơn nhiều so với trước đây. Mỗi gia đình tùy vào điều kiện cụ thể về thời gian, công việc của thành viên mà bàn bạc, xây dựng “gia qui” để gìn giữ mối quan hệ giao tiếp, các điều kiện để sum họp gia đình. Dịch vụ ăn uống ngày nay không thiếu nhưng việc duy trì bữa cơm gia đình là hết sức quan trọng  để thu hút các thành viên trở về gia đình nơi chia sẻ tâm tư tình cảm, qua đó cảm thông và thương yêu nhau hơn.

Chức năng cao cả của người phụ nữ trong xã hội hiện đại cũng cần được hiểu và thực hành một cách linh hoạt với cộng đồng trách nhiệm của mọi thành viên trong gia đình. Đương nhiên, do tư chất vốn có của người phụ nữ, người vợ, người mẹ vẫn có vai trò trách nhiệm của người điều hòa các mối quan hệ trong gia đình.

3.2.2.4. Trong chức năng kinh tế

Hiện nay, kinh tế gia đình ngày càng được thực hiện một cách đa dạng, phong phú với sự hỗ trợ tích cực từ các chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước. Gia đình Việt Nam đang phát triển cùng với sự phát triển của đất nước. Mong muốn con cái nối nghiệp ông cha vẫn là mong muốn chính đáng cần khuyến khích. Xã hội hiện đại mở ra nhiều ngành nghề mới, vì vậy, cha mẹ cần giúp con có định hướng tương lai, tự đánh giá khả năng của mình và tôn trọng sự lựa chọn nghề nghiệp của con cái. Thành viên gia đình lao động để có thu nhập cho bản thân, đóng góp cho gia đình, đồng thời tham gia xây dựng kinh tế đất nước.

Ở khía cạnh gia đình là đơn vị tiêu dùng, thang giá trị ngày nay không chỉ là “Ăn no mặc ấm” mà nâng lên “Ăn ngon mặc đẹp”. Cuộc sống tiện nghi đã tạo điều kiện tái hồi hiệu quả sức lao động cho mỗi thành viên gia đình, người phụ nữ có điều kiện và thời gian chăm sóc người thân tốt hơn, mọi thành viên đều có thể tham gia vào việc nhà,… Vì thế lao động, tích lũy và tiêu dùng hợp lý để nâng cao chất lượng cuộc sống là mục tiêu mà mỗi gia đình luôn hướng tới.                           

3.3. Văn hóa gia đình với cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị

Công nghiệp hóa - hiện đại hóa thúc đẩy quá trình đô thị hóa. Xây dựng, phát triển đô thị bao gồm cả xây dựng nếp sống văn minh đô thị nhằm tạo ra sự phát triển tự giác của quá trình đô thị hóa thông qua cách sống, cách ứng xử của con người đô thị trong mọi điều kiện, hoàn cảnh sống vừa phù hợp với xu thế công nghiệp hóa - hiện đại hóa, vừa thể hiện theo định hướng văn hóa. Xây dựng văn hóa gia đình gắn với cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị là việc làm rất thiết thực. Gia đình và thành viên gia đình thể hiện trách nhiệm, góp công sức vào việc gìn giữ sinh thái, xây dựng cuộc sống văn minh, ứng xử văn hóa vì đô thị phát triển bền vững, cho cuộc sống bản thân, gia đình và thế hệ tương lai được thụ hưởng.

Khác với cuộc sống nông thôn, cư dân đô thị thích ứng với nhịp sống công nghiệp, hiện đại. Các mối quan hệ giữa người với người, giữa người với luật lệ, giữa người với thiên nhiên, giữa sự an toàn và mất an toàn đều đòi hỏi tốc độ nhanh, có hiệu quả, theo trật tự, đúng quy tắc và đảm bảo sự phát triển bền vững. Mỗi cá nhân, gia đình hàng ngày thực hiện giao tiếp, ứng xử có văn hóa, chấp hành pháp luật giao thông, bảo vệ môi trường là góp phần quan trọng vào việc tiết kiệm, hiệu quả về thời gian, tiền của, sức lao động của xã hội công nghiệp - hiện đại rất điển hình ở đô thị. Các nội dung lớn cần tập trung thực hiện như sau:

3.3.1. Về an toàn giao thông, trật tự đô thị

 3.3.1.1. Tham gia giao thông có văn hóa

- Chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường;

- Đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy;

- Mang theo đầy đủ giấy tờ quy định được phép điều khiển phương tiện giao thông;

- Điều khiển phương tiện giao thông đúng tốc độ quy định, đúng tuyến;

- Đi bộ đúng phần đường quy định;

- Cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu;

- Mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy.

3.3.1.2. Giữ gìn trật tự nơi công cộng

- Xếp hàng trật tự nơi giao dịch đông người.

- Bình tĩnh, hòa khí giải quyết khi có tranh chấp mâu thuẫn, hoặc có va chạm giao thông trên đường phố.

- Giữ yên tĩnh nơi bệnh viện, nhà điều dưỡng, trường học hoặc nơi có quy định phải giữ yên tĩnh chung.

- Điều chỉnh âm lượng tiếng nói, phương tiện vừa đủ nghe, tránh ồn ào quá mức.

3.3.1.3. Những điều không nên làm:

Chạy xe trên vỉa hè, dừng xe không đúng vạch quy định;

- Phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng;

- Sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe gắn máy;

- Che dù hoặc chở hàng hóa cồng kềnh trên xe gắn máy;

- Điều khiển phương tiện giao thông sau khi dùng bia rượu, chất kích thích;

- Đi bộ vượt rào chắn giao thông, băng ngang đường sai tín hiệu giao thông;

- Họp chợ, bày bán hàng trên đường bộ, hành lang cầu;

- Đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông hoặc các hoạt động thể thao trái phép trên đường giao thông;

- Chiếm dụng hè phố, lòng lề đường, vỉa hè, tuyến hẻm, nơi công cộng làm nơi sinh hoạt, mua bán, làm dịch vụ, xây dựng trái phép.

- Thả súc vật chạy rông trên đường phố.

- Đổ nước thải, ném gạch đá hoặc vật gây nguy hiểm ra đường phố.

3.3.2. Về vệ sinh môi trường đô thị

3.3.2.1. Giữ vệ sinh môi trường vì sự phát triển bền vững:

Vệ sinh môi trường đô thị liên quan đến môi trường sống của cư dân đô thị hiện tại và tương lai. Với mật độ dân số cao, công nghiệp, dịch vụ phát triển; đô thị thường xuyên đối mặt với sự ô nhiễm của rác, chất thải, khí thải, khói bụi, tiếng ồn,…không chỉ làm bẩn đường phố, nghẹt cống rãnh mà còn đe dọa môi trường không khí, nước ngầm, …của thành phố ngày càng xấu đi. Chính vì thế, gia đình và các thành viên gia đình phải tích cực tham gia giữ gìn sự sạch đẹp của hẻm phố, lòng đường, vỉa hè trước nhà; tham gia quét dọn thường xuyên. Mỗi người, mỗi nhà đều ý thức và có hành vi tốt bảo vệ môi trường là nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững cho chính gia đình mình và cho thành phố.

3.3.2.2. Gia đình tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường

Những điều nên làm

- Giữ gìn vệ sinh trong nhà, ngoài ngõ;

- Có hợp đồng thu gom rác sinh hoạt của gia đình, rác cửa hàng;

- Giao nhận rác đúng giờ, tránh ứ rác trên đường phố, trong khu dân cư;

- Hợp đồng với dịch vụ thu gom rác xây dựng khi có xây dựng, sửa chữa nhà, công trình.

- Bảo tồn cây xanh, gìn giữ cảnh quan công cộng;

- Tham gia hoạt động vệ sinh môi trường nơi ở và hoạt động tự quản bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư;

- Tổ chức việc tang đúng thời gian quy định về vệ sinh môi trường.

Những điều nên tránh

- Phát tờ rơi, sử dụng âm thanh quảng cáo quá lớn trên đường phố.

- Làm hoen bẩn, vẽ, viết, dán quảng cáo, tranh ảnh nơi công cộng không được phép.

- Rải vàng mã trên đường phố.

- Xả rác, xác động vật chết bừa bãi; đổ nước thải ra nơi công cộng.

- Khạc nhổ, tiểu tiện, đại tiện bừa bãi.

- Nói tục, chửi thề, nói to tiếng thiếu bình tĩnh.

- Tụ tập gây tiếng ồn quá mức vào giờ nghỉ ngơi, đêm khuya.

- Thả rông vật nuôi để phóng uế bừa bãi, gây tiếng ồn, gây ra thương tích cho người.

- Phơi phóng trước cửa nhà, nơi công cộng.

- Hái hoa trong công viên.

3.3.3. Về giao tiếp ứng xử cộng đồng

3.3.3.1. Giao tiếp - ứng xử thể hiện nhân cách:

Văn hóa giao tiếp cộng đồng gắn với mối quan hệ tiếp xúc, ứng xử thường xuyên trong cuộc sống của con người tại gia đình, ngoài công cộng với những tình huống khác nhau nhằm thỏa mãn mọi nhu cầu sống về vật chất, tinh thần của cá nhân, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển của cộng đồng và toàn xã hội.

Qua giao tiếp mỗi người bộc lộ rõ nét nhân cách, trình độ văn hóa cá nhân. Chính những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hóa biểu thị sự tự trọng, khẳng định giá trị bản thân, chắc chắn tạo nên hình ảnh đẹp, cảm tình, sự tôn trọng của đối tượng giao tiếp với mình.

Văn hóa giao tiếp nơi công cộng còn thể hiện thái độ ứng xử của con người với môi trường thiên nhiên qua hành vi biết giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích, danh lam thắng cảnh.

3.3.3.2. Gia đình và thành viên giao tiếp ứng xử cộng đồng

Những điều nên làm

- Hiểu biết pháp luật, sống và làm theo pháp luật;

- Thực hiện tốt qui ước trong cộng đồng, qui chế làm việc, nội qui của cơ quan, nhà trường, qui tắc của gia đình.

- Thái độ lịch sự hòa nhã, ánh mắt thân thiện;

- Lời nói đúng mực; chào hỏi, cám ơn, xin lỗi đúng lúc;

- Trang phục lịch sự khi đến nơi tôn nghiêm, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, trụ sở của các tổ chức chính trị, xã hội , kinh tế.

- Thân thiện, tương trợ hàng xóm, láng giềng khi hữu sự;

- Hợp tác với người đại diện chính quyền, đoàn thể địa phương; tham gia việc chung cộng đồng.

- Tổ chức việc cưới, việc tang, tiệc mừng trong gia đình, dòng họ phải tiết kiệm (về công sức, thời gian, tiền của) tránh làm ảnh hưởng xấu đến hàng xóm, láng giềng (tiếng ồn, vệ sinh môi trường,…);

- Tương trợ khi cần thiết; tránh vụ lợi trong việc cưới, việc tang của gia đình.

- Giúp đỡ (hoặc nhường ghế cho) người già, người tàn tật, phụ nữ có thai, trẻ em;

- Giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn như đóng góp tiền bạc, vật phẩm vào các quỹ cứu trợ của các tổ chức xã hội hoặc trực tiếp tham gia vào những việc công ích,  tiếp cận hỗ trợ người hoạn nạn;

- Giúp đỡ người hoàn lương, không phân biệt đối xử.

- Không tham của người, nhặt được của rơi phải trả lại.

Những điều nên tránh

- Báo thông tin giả đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Gọi điện thoại đến các số máy khẩn cấp để trên đùa, chửi bới, đe dọa, quấy nhiễu.

- Mặc quần áo hở hang, kém lịch sự nơi công cộng.

- Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

- Chen lấn, giành đường, giành chỗ nơi đông người.

- Tụ tập ở lễ tang trong khu dân cư, đàn hát ồn ào từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.

- Tụ tập nơi công cộng nhậu nhẹt say sưa, gây ồn ào, mất trật tự.

- Mở âm thanh phương tiện nghe nhìn ồn quá mức làm ảnh hưởng đến hàng xóm, láng giềng.

- Hút thuốc lá trong phòng làm việc, nhả khói nơi đông người.

- Hành hạ vật nuôi.

- Cho tiền người ăn xin trên đường phố.

 -----------------------------------------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO PHẦN 1

1. Cục Văn hóa Thông tin cơ sở - Bộ VHTT (1997), Xây dựng gia đình văn hóa trong sự nghiệp đổi mới, Nxb Chính trị Quốc gia, HN.

2. Vũ Ngọc Khánh (1998), Văn hóa gia đình Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, HN.

3. Khoa Văn hóa XHCN - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2000), Giáo trình Lý luận văn hóa và đường lối văn hóa của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia, HN.

4. Hà Thúc Minh (2005), Văn hóa đạo đức, Nxb Tp.HCM

5. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập - Tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, HN.

6. Lương Hồng Quang (1999), Dân trí và sự hình thành văn hóa cá nhân, Viện Văn hóa & Nxb Văn hóa Thông tin, HN.

7. Huỳnh Quốc Thắng (2002), Xây dựng và phát triển văn hóa trong quá trình đô thị hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh, Kỷ yếu Hội thảo “Xây dựng đời sống văn hóa đô thị vùng công nghiệp tập trung tại miền Đông Nam bộ ”, UBND Tỉnh Bình Dương.

9. Huỳnh Quốc Thắng (2002), Vấn đề văn hóa đô thị và nội dung phác thảo của ngành Văn hóa học đô thị, Tham luận Hội thảo “Văn hóa đô thị”, Sở VHTT TPHCM – Trung tâm Nghiên cứu phát triển đô thị.

10. Huỳnh Quốc Thắng và tác giả khác (2008), Văn hóa giao tiếp trong đời sống cộng đồng, Sở Văn hóa Thông tin - Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TPHCM

11. Nguyễn Thị Thường (1999), Gia đình Việt Nam hiện nay: truyền thống hay hiện đại ?, T/c Lý luận chính trị - Số 253.

 


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập - Tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, HN; 2002, trang 523.

[2] Nguyễn Thị Thường: Gia đình Việt Nam hiện nay: truyền thống hay hiện đại ?, Tc Lý luận chính trị, số 253, 3/ 1999.

 [3] Xem Huỳnh Quốc Thắng: Thị hiếu – thị trường với văn minh đô thị; kỷ yếu Hội thảo “Xây dựng đời sống văn hóa đô thị vùng công nghiệp tập trung tại miền Đông Nam Bộ ” (Bình Dương, 23 -24/12/2002), trang 66 – 69.

 [4] Chỉ thị số 49 –CT/TW ngày 21/02/2005, của Ban Bí thư TW Đảng - khóa IX, về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 [5] Theo Quyết định số 106/2005/QĐ-TTg ngày 16/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2005 – 2010.

[6] Xem Huỳnh Quốc Thắng: Vấn đề văn hóa đô thị và nội dung phác thảo của ngành Văn hóa học đô thị; Tham luận hội thảo “Văn hóa đô thị” do Sở VH & TT phối hợp Trung tâm Nghiên cứu phát triển đô thị tổ chức tháng 8/2002 tại TPHCM


Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6198137