Gia đình

Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

21/07/2017 03:11

Ngày 13 tháng 7 năm 2017, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ký ban hành Quyết định số 3683/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, nội dung và tổ chức hoạt động gồm:

1. Thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác chỉ đạo, triển khai công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình:

- Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản về tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các chương trình, đề án, kế hoạch liên quan đến xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình của địa phương và đơn vị; tăng cường đầu tư và bố trí đủ kinh phí cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

- Lồng ghép các nội dung giáo dục đạo đức lối sống gia đình trong các hoạt động thường xuyên của từng địa phương và đơn vị.

2. Truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình:

          - Tăng cường công tác giáo dục đời sống gia đình. Cung cấp tới từng gia đình các kiến thức, kỹ năng sống như: kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng. Giáo dục và vận động mọi gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh.

- Vận động các gia đình tích cực tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, quy chế dân chủ cơ sở; phát triển các hình thức tổ hòa giải, các câu lạc bộ gia đình tại cộng đồng; giữ gìn và phát huy văn hóa gia đình và truyền thống tốt đẹp của dòng họ; xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

- Hỗ trợ nạn nhân, hòa giải mâu thuẫn trong gia đình nhằm duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.

- Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng và gia đình tham gia tích cực xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, ấp văn hóa, phường đạt chuẩn văn minh đô thị và xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình điển hình, tiêu biểu, tạo ra phong trào xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

- Kịp thời biểu dương và nhân rộng các mô hình gia đình vượt khó vươn lên, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình trẻ hạnh phúc, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

- Thực hiện giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong các cơ sở giáo dục.

3. Chú trọng các biện pháp phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi bạo lực; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới gia đình, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của con người đặc biệt là người già, phụ nữ và trẻ em.

- Xây dựng tổ chức tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, người dân trên địa bàn.

- Thực hiện quy trình can thiệp, xử lý người có hành vi bạo lực gia đình thường xuyên tái diễn, theo Luật phòng, chống bạo lực gia đình quy định phải thực hiện hòa giải, góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư; hoặc có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, xã, thị trấn.

4. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản có liên quan về gia đình; biên soạn tài liệu liên quan về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình:

- Biên soạn tài liệu tuyên truyền pháp luật về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và người cao tuổi.

- Bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng hòa giải về hôn nhân gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho hòa giải viên ở cơ sở.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động hòa giải ở cơ sở, trong đó có nội dung liên quan đến gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

5. Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện truyền thông, báo chí thành phố:

- Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về giáo dục đạo đức, lối sống gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình.

- Bố trí thời gian đưa tin, phát sóng, phát thanh lồng ghép các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình vào các sự kiện Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình – tháng 6, Ngày Pháp luật 9/11 và hưởng ứng Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11 hằng năm.

Các hoạt động nhằm nâng cao năng lực trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, qua đó phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc nhằm xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình

Thanh Lý
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6045935