Văn hóa

Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình

16/01/2024 01:13

Để chi tiết hóa “Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình” tại Khoản 5, Điều 20, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 (viết tắt Luật PCBLGĐ 2022);

 Và các Điều 9, 10, 11 của Nghị định số 76/2023/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 (viết tắt Nghị định số 76/2023/NĐ-CP);

Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình tại Nghị định số 76/2023/NĐ-CP ngày 01/11/2023 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.

  Theo quy định của Chính phủ về Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình, qua Tổng đài (Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình) và qua địa chỉ (theo Khoản 1, Điều 19, Luật PCBLGĐ 2022).

  1. Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình, qua Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (theo Điều 9, Nghị định số 76/2023/NĐ-CP ngày 01/11/2023).

Bước 1: Để báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.

  • Người bị bạo lực gia đình  hoặc Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình: Gọi đến số điện thoại của Tổng đài.

+ Số điện thoại của tổng đài có ba chữ số: 111, 113.

+ Số điện thoại đường dây nóng tại Thành phố Hồ Chí Minh: 1900545559 (Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên Thành phố), 18009069 (Hội bảo vệ quyền Trẻ em Thành phố), 0913159315 (đường dây nóng của Báo Phụ nữ TPHCM).

Bước 2: Tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình

  • Người tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua số điện thoại của Tổng đài thực hiện ghi chép nội dung thông tin tiếp nhận.
  • Mẫu thực hiện ghi chép nội dung thông tin tiếp nhận Mẫu số 03.
  • Người tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua số điện thoại của Tổng đài đồng thời thực hiện tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với hành vi bạo lực gia đình.

Ghi chú: Riêng trường hợp tin báo, tố giác về tội phạm thì việc tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự (theo Khoản 4, Điều 20, Luật PCBLGĐ 2022).

Bước 3: Xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.

  • Người tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua số điện thoại của Tổng đài phải thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi được thông tin xảy ra hành vi bạo lực gia đình.
  • Khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình, trong phạm vi quyền hạn của mình, cơ quan Công an, Đồn biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình phải kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình; đồng thời, thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi được thông tin xảy ra hành vi bạo lực gia đình.

Ghi chú: Trường hợp tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình mà người bị bạo lực là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc hoặc hành vi bạo lực gia đình đã hoặc có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Công an xã) xử lý (theo Khoản 4, Điều 20, Luật PCBLGĐ 2022).

Bước 4: Thẩm quyền xử lý.

  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xử lý hoặc phân công xử lý ngay khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình hoặc nhận được báo cáo về hành vi bạo lực gia đình của tổ chức, cá nhân.
  1. Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình qua địa chỉ (theo Khoản 1, điều 19, Luật PCBLGĐ 2022).

Bước 1: Để báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.

  • Người bị bạo lực gia đình  hoặc Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình:
  1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
  2. Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
  3. Cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học;
  4. Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
  5. Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình.

Bước 2: Cách thức tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.

  • Khi tiếp nhận tin báo, tố giác trực tiếp hoặc qua điện thoại: thì người tiếp nhận thực hiện ghi chép nội dung thông tin tiếp nhận theo Mẫu số 04 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, đồng thời thực hiện tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với hành vi bạo lực gia đình;
  • Khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua tin nhắn, đơn, thư thì người tiếp nhận thực hiện ghi chép nội dung thông tin tiếp nhận theo Mẫu số 05.

Bước 3: Xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.

  • Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình phải kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình theo thẩm quyền; đồng thời thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình.
  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình (Khoản 1, Điều 19, Luật PCBLGĐ 2022) phải thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi được thông tin xảy ra hành vi bạo lực gia đình và theo khả năng của mình tham gia ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình, hỗ trợ, bảo vệ người bị bạo lực gia đình.

Bước 4: Thẩm quyền xử lý.

  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xử lý hoặc phân công xử lý ngay khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.
  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền ngay khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình hoặc nhận được báo cáo về hành vi bạo lực gia đình của tổ chức, cá nhân quy định tại (Khoản 1, Điều 19, Luật PCBLGĐ 2022)
  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công Công an xã, phường, thị trấn xử lý trong trường hợp người bị bạo lực là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc hoặc hành vi bạo lực gia đình đã hoặc có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực;
  • Hoặc Báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đối với trường hợp tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm./.

Đính kèm:

  1. Sơ đồ tóm tắt Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình;
  2. Các mẫu ghi chép thông tin, ban hành kèm theo Nghị định số 76/2023/NĐ-CP ngày 01/11/2023./.

 

Nguyễn Thị Thu Hiền - P.XDNSVHGĐ
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6215258