Các đơn vị trực thuộc Sở

Nhà hát Kịch Thành phố

09/11/2016 02:43

Nhà hát Kịch Thành phố được thành lập theo Quyết định số 5150/ QĐ-UB-VX ngày 02 tháng 10 năm 1998 của Ủy ban Nhân dân Thành phố trên cơ sở sát nhập Đoàn Nghệ thuật Sân khấu Trẻ và Đoàn Kịch nói Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức và hoạt động theo quyết định số 1228/2009/QĐ-VHTTDL ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa và Thể thao).

Thông tin liên hệ:

- Tên giao dịch, đối ngoại: “Ho Chi Minh City Drama Theatre”

- Trụ sở chính Nhà hát Kịch Thành phố đặt tại: 30 Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1. TP.HCM

- Điện thọai: 38.369556, 38.386530, 62.914489

- Fax: 08.38386530

- Email: vanphongnhk@yahoo.com.vn

- Web: www.nhahatkichtp.com.vn

Chức năng, nhiệm vụ:

- Nhà hát Kịch Thành phố là một đơn vị hoạt động trên lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật sân khấu, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, có chức năng xây dựng tiết mục và tổ chức biểu diễn nghệ thuật sân khấu, đáp ứng nhu cầu thưởng thức kịch nói của nhân dân thành phố và khả năng giao lưu trong nước và nước ngoài phù hợp với xu hướng, nhịp độ phát triển kinh tế – xã hội của khu vực Nam bộ và thành phố Hồ Chí Minh.

- Tổ chức, quản lý và điều hành tốt nhiệm vụ phát triển hoạt động cự nghiệp của đơn vị.

- Xây dựng và tổ chức biểu diễn các vở kịch nói mang tính tư tưởng và nghệ thuật cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người .

- Hợp tác, trao đổi giao lưu loại hình nghệ thuật kịch nói với các Nhà hát, đoàn kịch nói trong nước và ngoài nước để không ngừng nâng cao trình độ biểu diễn của Nhà hát.

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, diễn viên, đạo diễn, biên đạo, biên tập, nhân viên kỹ thuật âm thanh, ánh sang , kỹ xảo … nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác biểu diễn, đồng thời phát huy sự sang tạo, cải tiến trong dàn dựng vở diễn nhằm theo kịp sự phát triển của thế giới.

- Khai thác, sử dụng, bảo quản, bảo trì tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có tạo nguồn thu cho đơn vị theo quy định. Đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động, góp phần vận động các nguồn lực để có thêm điều kiện phát triển hoạt động sự nghiệp và chăm lo đời sống cán bộ, công chức, viên chức thuộc đơn vị. 

- Tổ chức hội thảo, nghiên cứu nghệ thuật, trao đổi, học tập kinh nghiệm với các đơn vị nghệ thuật, các tổ chức văn hóa trong và ngoài nước; tập hợp lực lượng tác giả, đạo diễn, họa sĩ, diễn viên và các thành phần sáng tác khác nhằm nâng cao chất lượng chương trình biểu diễn.

Quá trình hình thành và phát triển:

Nhà hát Kịch Thành phố là đơn vị nghệ thuật đã có trên 54 năm hình thành và phát triển, trải qua các thời kỳ:

- Đoàn kịch nói Nam bộ (1958 – 1976): là tiền thân của Nhà hát Kịch Thành phố, được tách ra từ Đội Văn công Nam bộ theo Nghị định số 12/VH/ND của Bộ trưởng Bộ Văn hóa ngày 02 tháng 6 năm 1958. Đoàn biểu diễn phục vụ bộ đội và đồng bào trên các trận địa của các tuyến đường vào Nam và đường mòn Hồ Chí Minh. Biểu diễn ngay trên trận địa pháo, dưới hầm, trong hang, phục vụ đồng bào và những đoàn quân trùng điệp liên tiếp vào Nam. Đội đã dàn dựng các vở nước ngoài tiêu biểu như: Chuông đồng hồ Điện Kremli, Hòn đảo Thần vệ nữ, Đứng gác dưới ánh đèn neon, Hoa xiêm gai trắng, Biệt thự hoang tàn… các vở kịch dài như: Sống chung, Hương bưởi, Thanh gươm và bà mẹ, Tình ca…. Và một số vở kịch ngắn như: Lòng dân; Đâu có giặc là ta cứ đi; Đất, Nước, Mùa xuân;  Đường phố Sài Gòn dậy lửa, Nàng bắn lén; Lá cờ; Ngọn lửa; Lửa cháy lên rồi…

Sau ngày đất nước thống nhất, Đội được trở về miền Nam. ến ngày 22 tháng 7 năm 1975, Đoàn có Quyết định số 64/VH-QĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa chuyển giao về Bộ Thông tin Văn hóa Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

- Đoàn Kịch Cửu Long Giang (1976 – 1988): Đoàn kịch nói Nam Bộ được đổi tên thành Đoàn Kịch Cửu Long Giang trực thuộc Cục Biểu diễn Nghệ thuật theo Quyết định số 111/VH-QĐ ngày 03 tháng 9 năm 1976 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa và được chuyển giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quản lý theo Quyết định số 78/VH-QĐ ngày 31 tháng 5 năm 1977 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Đoàn biểu diễn những vở đã dựng và biểu diễn ở miền Bắc trên sân khấu Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt với một đội ngũ diễn viên, đạo diễn được đào tạo từ miền Bắc trở về làm rạng rỡ sân khấu Cách mạng. Đoàn đã tổ chức tuyển diễn viên mới để phù hợp với tình hình phát triển lúc đó. Một số vở được dàn dựng và biểu diễn đi vào lòng người hâm mộ như:  Xa thành phố yêu dấu, Mối tình qua Tết Liboong, Giã từ những đêm trắng, Sóng dậy trong làng, Tên trùm bịp bợm thành Venise, Ngôi sao biển,... đã tạo nên nhiều diễn viên tên tuổi như: Quốc Hòa, Thương Tín, Khánh Hoàng, Tấn Thi, Thành Hội, Tấn Thành, Bích Liên, Anh Tuấn….

- Đoàn Kịch nói Thành phố Hồ Chí Minh (1989 – 1998): được thành lập theo quyết định số 118/QĐ-UB ngày 07 tháng 7 năm 1988 của Ủy ban Nhân dân Thành phố trực thuộc Sở Văn hóa và Thông tin trên cơ sở hợp nhất Đoàn kịch nói Bông Hồng với Đoàn kịch nói Cửu Long Giang. Thời gian này, do tình hình khó khăn chung của sân khấu từ năm 1992, các vở quy mô lớn được ra đời tuy thiếu những điều kiện cần thiết để diễn trong giai đoạn này như: Bá tước Monte Cristo, Cô chủ quán xinh đẹp, Người đá lạc đội hình, Sông dài,... Sau giai đoạn này khán giả đến với sân khấu ngày càng ít và hiệu quả doanh thu không cao nên Đoàn đã chủ trương xây dựng chương trình 2 gồm: một số kịch ngắn, kịch vui, chương trình ca nhạc và một số chập hài để cơ động trong biểu diễn doanh thu và phục vụ ngọai thành.

- Nhà hát Kịch Thành phố (1998 – đến nay): được thành lập theo Quyết định số 5150/ QĐ-UB-VX ngày 02 tháng 10 năm 1998 của Ủy ban Nhân dân Thành phố trên cơ sở sát nhập Đoàn Nghệ thuật Sân khấu Trẻ và Đoàn Kịch nói Thành phố Hồ Chí Minh. Cuối năm 2000, tiếp nhận rạp Công Nhân từ một rạp chiếu phim được cải tạo chuyển đổi công năng sang biểu diễn sân khấu nên những hạn chế về diện tích sàn diễn, hậu trường… đều không đúng quy chuẩn và chỉ mang tính tạm thời. Hạn chế này đã làm cho Nhà hát Kịch không thể xây dựng được những vở diễn quy mô, hoành tráng do sân khấu chết cứng không thể tạo nên sự sinh động trong sáng tạo hình thức để hấp dẫn công chúng. Trong thời gian này, các đơn vị khác thiên về chọn đề tài đơn giản, mang tính thương mại thì Nhà hát Kịch vẫn đi theo hướng chính thống như: Thời con gái đã xa, Bến bờ xa lắc, Sự thật không cần nói, Đường bay... Từ khi chuyển đổi cơ chế theo Nghị định 10, sau đó là Nghị định 43 về tự chủ tài chính, Nhà hát đã hoạt động bằng nhiều hình thức đa dạng, đẩy mạnh dàn dựng theo phương thức xã hội hóa, dàn dựng các vở hài ngắn theo phong cách riêng của Nhà hát. Bên cạnh, vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhưng Nhà hát nhiều năm liền hoàn thành vượt chỉ tiêu giao, không còn dùng ngân sách để bù lỗ với hàng loạt các vở có giá trị nội dung giáo dục tốt: Huyền thoại cuộc sống, Niềm tin bị đánh cắp, Đám cưới thời @, Người thi hành án tử, Tả quân Lê Văn Duyệt...


Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6148329