Mỹ thuật – Nhiếp ảnh - Quảng cáo

Nghệ thuật quốc tế lần thứ năm, 2009, tại Việt Nam: Những tác phẩm đa phong cách

05/11/2009 03:31

Ðó là những cảm nhận chung của người xem về Triển lãm ảnh Nghệ thuật quốc tế lần thứ năm do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức từ ngày 1-11-2009 đến 7-11-2009 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội). Cùng với thành công về công tác tổ chức với số lượng tác giả, tác phẩm, quốc gia tham dự đạt kỷ lục, điều đáng bàn chính là chất lượng ảnh của các tác giả Việt Nam đang có nhiều hạn chế so với tác phẩm của bạn bè quốc tế.

Cuộc thi và triển lãm ảnh Nghệ thuật quốc tế đã đạt tới con số kỷ lục tác phẩm và người tham dự với 8.455 bức ảnh của 1.275 nhà nhiếp ảnh thuộc 47 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ðề tài tự do, chấp nhận mọi hình thức thể hiện tác phẩm, sự cởi mở trong quy chế tham gia cuộc thi đã tạo một hiệu quả tốt giúp Hội đồng giám khảo lựa chọn được 342 ảnh triển lãm, trong đó 32 ảnh đoạt giải FIAP và MOCST đều là những tác phẩm ảnh đẹp, sinh động và có giá trị nghệ thuật, có ý nghĩa xã hội. Ông Chu Chí Thành - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi nhận xét: "Chất lượng ảnh năm nay cao hơn các năm trước. Ðiều này nói lên một ý nghĩa rất lớn: Các nhà nhiếp ảnh nghệ thuật trên thế giới, trong đó có Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP) và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) luôn sáng tạo theo tôn chỉ, mục đích của mình: Vì hòa bình hữu nghị và sự hiểu biết giữa các dân tộc, vì con người và cuộc sống tốt đẹp trên trái đất. Tuy nhiên, cuộc thi và triển lãm ảnh lần này cho thấy, chất lượng ảnh của Việt Nam rất đáng lo ngại. Tác phẩm của ta nhiều nhưng bị loại đi khá lớn. Một số tác giả chọn ảnh chưa kỹ, một số tác giả mới chạm đến đề tài mà chưa đi sâu, biểu cảm còn hời hợt. Kỹ thuật ảnh đã được nâng lên nhưng còn chưa đạt đến điêu luyện! Ðó là chưa kể có lối mòn và sự trùng lặp về việc bắt chước về đề tài xuất hiện khá nhiều".

 

Nhìn vào chất lượng của 32 ảnh đoạt giải có thể thấy rất rõ sự khác biệt giữa các tác giả ảnh Việt Nam với nước ngoài. Các tác giả nước ngoài thiên về khai thác cái đẹp của thiên nhiên như Rừng cây mùa đông của J.Co-lây (Anh) - Huy chương vàng; Ngày đông lạnh giá của M.Mu-gia-nô-vip (Bô-xni-a và Héc-xê-gô-vi-na (HCB); Cánh đồng hoa Pro-van-sa của H.Phran-xi (Xlô-ve-ni-a) (HCÐ)... Trong khi ảnh của Việt Nam là cuộc sống thường ngày, hay vẻ đẹp của sự đổi mới mang tính thời sự xã hội như Mùa lũ của Ngô Viết Ngọc (HCV), Ðường lên công nghiệp hóa của Nguyễn Trung Luận (HCB), các bức ảnh Tắm, Tần tảo, Trong cơn bão lũ, Rạng rỡ mùa xuân (HCÐ)... Việc khai thác đề tài của các nhà nhiếp ảnh là một cách thể hiện ý tưởng muốn đi vào trực diện của đời sống xã hội, đây là một hướng đi đúng của nhiếp ảnh Việt Nam. Tuy nhiên vì sao các bức ảnh thiên nhiên của bạn lại tạo được sức hấp dẫn, lôi cuốn và có giá trị nghệ thuật cao hơn những tác phẩm ảnh mang tính thời sự của các nhà nhiếp ảnh mới là điều cần suy ngẫm. Có thể dễ dàng nhận thấy các tác giả nước ngoài có trình độ kỹ thuật xử lý ánh sáng, tạo hình, bố cục ảnh hơn hẳn những ảnh đoạt giải của Việt Nam. Ảnh của họ có những góc máy đẹp, không bị áp đặt, hài hòa, còn ảnh của tác giả Việt Nam tạo hình quá đơn giản, nhiều khi có cảm giác như nhà nhiếp ảnh vì may mắn mà có ảnh chứ không phải do đầu tư kỹ lưỡng. Các tác giả nước ngoài có tầm nhìn rộng hơn, họ tiếp cận cuộc sống ở những khía cạnh bao quát hơn, giá trị nhân văn trong từng tác phẩm không bó hẹp trong những góc nhìn riêng, mà khai thác những ý tưởng có tính toàn cầu, như Xây tổ, Băng tan, Em bé Mê Công, Buổi học đầu tiên của cậu bé, Lễ hội múa lân... Các nhà nhiếp ảnh Việt Nam vẫn loanh quanh với Góc phố Hội An, Chú nhỏ Bắc Hà, Ðường xuân, Làng cổ... Ðó là lý do số ảnh của tác giả Việt Nam chiếm 75% tác phẩm nhưng tỷ lệ vào giải còn quá thấp với tỷ lệ 1/3.

Công chúng Việt Nam có cơ hội được chiêm ngưỡng những tác phẩm ảnh đẹp, có giá trị nghệ thuật, có ý nghĩa xã hội bắt nguồn từ đời sống. Tuy nhiên, qua cuộc thi, các nhà nhiếp ảnh Việt Nam cần phải có sự đổi mới hơn trong xu hướng sáng tác. Hướng ống kính vào cuộc sống đổi mới với các thành tựu kinh tế và sự vươn lên của người dân là một hướng đi đúng trong khai thác đề tài của các nhà nhiếp ảnh, tuy nhiên để khai thác sao cho sâu hơn, chắt lọc hơn và có sự bứt phá thì còn phụ thuộc vào tài năng và tâm huyết của các nghệ sĩ.

Nhân dân
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6196294