HĐ Đơn vị sự nghiệp

Một số hoạt động nổi bật trong năm 2016 của Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh

07/03/2017 04:19

         1. Hoạt động triển lãm lưu động:

         Trong năm 2016, hoạt động triển lãm lưu động của Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh đã phục vụ 30 cuộc triển lãm với 404.850 lượt khách tham quan tại các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và đông đảo người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Qua hoạt động triển lãm lưu động, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của Thành phố cũng như tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Việt Nam đến người dân Thành phố, đặc biệt là đối tượng học sinh – sinh viên.

         Hoạt động triển lãm lưu động của Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ thực hiện trong phạm vi các quận nội thành mà còn lan tỏa rộng khắp đến các huyện ngoại thành như Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn…Việc đem các nội dung triển lãm đến với người dân ngoại thành đã góp phần tích cực đưa Bảo tàng đến gần hơn với công chúng song song với các nội dung trưng bày cố định tại Bảo tàng.

         Hiện nay, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị triển lãm các nội dung:

- Phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.

- Nhân sĩ tri thức Sài Gòn – Gia Định (Cuối thế kỷ XVIII – Đầu thế kỷ XX)

- Thành phố Hồ Chí Minh – Những chặng đường lịch sử

          - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

- Hoàng Sa và Trường Sa – Biển đảo Việt Nam (bộ 18 trang in và 82 ảnh).

- Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử (89 ảnh).

         2. Giờ học lịch sử địa phương tại Bảo tàng:

         Nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về lịch sử của vùng đất Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho học sinh hiểu rõ lịch sử địa phương và lịch sử dân tộc; đồng thời giúp các em tiếp cận được phương pháp học Lịch sử mới qua những tài liệu, hình ảnh, hiện vật… Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng trường THCS Chu Văn An tổ chức buổi dạy và học Lịch sử tại Bảo tàng vào sáng 28/2/2017 với chuyên đề: “Sài Gòn buổi đầu mở cõi”. Buổi học có sự tham dự của đại diện Phòng Giáo dục, Ban Giám hiệu và giáo viên phụ trách bộ môn Lịch sử của các trường THCS trên địa bàn Quận 1. Buổi học đã diễn ra sôi nổi với các hoạt cảnh do các em học sinh biểu diễn - tái hiện lại vùng đất Sài Gòn những ngày đầu mở cõi và thuyết trình về kiến thức gắn với nội dung các phòng trưng bày tại Bảo tàng: Thiên nhiên khảo cổ Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh; Đại lý hành chính Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh,… Phương pháp dạy và học như trên được các thầy cô giáo đánh giá cao vì tính thiết thực, gắn kết giữa lý thuyết, thực tiễn và thực hành qua những tài liệu, hình ảnh, hiện vật mang giá trị lịch sử cao tại Bảo tàng. Buổi học không chỉ giúp các em học sinh dễ dàng ghi nhớ tiến trình lịch sử của dân tộc mà còn giáo dục cho học sinh lòng yêu nước, niềm tự hào về quê hương, nơi mình đang sinh sống và học tập, tiếp tục góp phần đưa Bảo tàng đến gần hơn với trường học và học sinh.

  3. Tìm hiểu Hát Sắc bùa Phú Lễ

         Ngày 4/11/2016, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Tìm hiểu Hát Sắc bùa Phú Lễ” nhằm giúp cho các bạn sinh viên, đoàn viên thanh niên tìm hiểu thêm về loại hình diễn xướng dân gian với phần nói chuyện của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. Hát Sắc bùa là một loại hình diễn xướng mang đậm nét sinh hoạt văn hóa dân gian, pha trộn giữa lễ nghi nông nghiệp và lễ nghi tôn giáo, thường hoạt động trong những dịp Tết, biểu thị cho sự khai mở một chu kỳ của vũ trụ. Hát Sắc bùa Phú Lễ - Bến Tre mang những nét quần chúng rõ rệt. Nhưng, cũng có những nét riêng do sự tổng hợp mới – cũ, sự thay đổi theo thời gian, theo điều kiện cụ thể của địa phương.

         Trong buổi sinh hoạt chuyên đề, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, người đã nghiên cứu và nắm giữ nhiều nguồn tư liệu, nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố liên quan đến văn hóa, tín ngưỡng dân gian tại Nam Bộ cũng như về các vùng miền trong cả nước, đã giới thiệu khái niệm, xuất xứ và những làn điệu của loại hình diễn xướng “Hát Sắc bùa Phú Lễ”. Sự chia sẻ chân thành về những giá trị cũng như ý nghĩa của loại hình diễn xướng dân gian này, cùng với các tiết mục biểu diễn của những nghệ nhân đến từ Câu lạc bộ Hát Sắc bùa thuộc Hội Di sản Văn hóa tỉnh Bến Tre đã làm cho không khí của buổi sinh hoạt vô cùng sôi động, góp phần đưa loại hình diễn xướng Hát Sắc bùa đến gần hơn với người dân Thành phố.

         Buổi sinh hoạt chuyên đề giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống đến các bạn sinh viên, thanh niên, người dân Thành phố đã đạt được kết quả tốt đẹp qua sự tham gia đông đảo, trao đổi nhiệt tình với diễn giả và các nghệ nhân của Hội Di sản Văn hóa tỉnh Bến Tre. Buổi sinh hoạt chuyên đề có sự tham gia đông đảo của các bạn sinh viên đến từ Khoa Di sản trường Đại học Văn hóa, Khoa Văn hóa học trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, các bạn đoàn viên thanh niên Quận đoàn 4, Quận đoàn 5 và các báo, đài Thành phố.

         4. Triển lãm ảnh “Những công trình giao thông đô thị Thành phố Hồ Chí Minh”

         Đầu thế kỷ 20, dân số Thành phố Sài Gòn chỉ khoảng 500.000 dân. Qua hơn một thế kỷ, dân số của Thành phố Hồ Chí Minh đang gia tăng nhanh chóng, khoảng trên 10.000.000 dân với một lượng lớn các phương tiện giao thông cá nhân, giao thông công cộng như hiện nay, hệ thống giao thông tại Thành phố gần như không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Trước tình hình đó, Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, ưu tiên quy hoạch phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng để xây dựng Thành phố xứng tầm là một đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới.

         Tại khu dịch vụ bổ trợ, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Những công trình giao thông đô thị Thành phố Hồ Chí Minh” nhằm giới thiệu một số hình ảnh về những công trình giao thông tiêu biểu của Thành phố được chọn từ cuộc thi “Những cây cầu, những con đường thành phố” do Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2010 và nhiều nguồn ảnh khác. Những hình ảnh thể hiện một diện mạo mới về hạ tầng giao thông, như một điểm nhấn trong quá trình xây dựng và phát triển Thành phố cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng miền.

5. Trưng bày chuyên đề: “Quốc Hội Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”

         Ngày 07 tháng 7 năm 2016, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề: “Quốc hội Việt Nam đồng hành cùng dân tộc” nhân kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam, chào mừng thành công bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV (2016), bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 và kỷ niệm 40 năm Ngày Thành phố Sài Gòn - Gia Định vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (02/7/1976 – 02/07/2016). 

         Đến dự buổi lễ có đồng chí Trương Mỹ Hoa – Nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến thành phố, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, các đồng chí lão thành Cách mạng, cùng đại diện gia đình các đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I,...

         Trưng bày chuyên đề với trên 300 hình ảnh, tài liệu – hiện vật, được cấu trúc theo 3 chủ đề: 

Chủ đề 1: Tổng tuyển cử đầu tiên;

Chủ đề 2: Quốc hội nước Việt Nam thống nhất

Chủ đề 3: 40 năm thành phố Sài Gòn – Gia Định được chính thức mang tên Thành phố Hồ Chí Minh 

         Trưng bày chuyên đề: “Quốc hội Việt Nam đồng hành cùng dân tộc” khắc họa một chặng đường dài 70 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam với những dấu ấn đặc biệt quan trọng, giới thiệu đến nhân dân Thành phố và cả nước cũng như khách quốc tế những đóng góp to lớn của Quốc hội vào việc hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng của dân tộc trong mỗi giai đoạn bảo vệ và kiến quốc. Trưng bày cũng phản ánh những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo… mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thành phố đã hết sức nỗ lực phấn đấu đạt được trong 40 năm qua.

         Với những ý nghĩa đó, trưng bày sẽ góp phần tuyên truyền giáo dục, tạo thêm niềm tin và động lực cho nhân dân Thành phố, nhất là thế hệ trẻ tiếp tục chung tay xây dựng Thành phố trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á, một thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.

         Trưng bày khai mạc từ ngày 07 tháng 7 năm 2016.

         Tại: Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh - Số 65 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6044470