Nghệ thuật biểu diễn

Khai mạc liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ năm 2009

30/11/2009 09:24

Đến dự lễ khai mạc có đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, đồng chí Nguyễn Phong Quang, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cùng đông đảo bà con nhân dân các địa phương tỉnh Hậu Giang.

Tham gia liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ năm 2009 có các câu lạc bộ đờn ca tài tử của 17 tỉnh, thành phố như: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng và ban nhạc đờn ca tài tử thị xã Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang, mỗi ban nhạc Tài tử cử ra một đội để tham gia…

Phát biểu khai mạc liên hoan, ông Trần Minh Chính, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH –TT&DL nhấn mạnh: “Liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ năm 2009 được tổ chức nhằm tiếp tục khẳng định và đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phi vật thể của dân tộc, đặc biệt là đối với loại hình sinh hoạt đờn ca tài tử Nam bộ, góp phần thực hiện nghị quyết TW 5 khóa (VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây cũng là dịp để bạn bè quốc tế gần xa thưởng thức và cảm nhận về một loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc”.

Theo chương trình, các đội vừa diễn thi, vừa công diễn phục vụ nhân dân tại các điểm sân khấu ngoài trời trong khu vực tổ chức Festival. Các đơn vị bốc thăm thi diễn 3 đêm mỗi đêm 4 đội tại Trung tâm Văn hoá tỉnh Hậu Giang, dự kiến mỗi đội tham gia thi diễn 1 buổi và biểu diễn phục vụ 2 buổi (BTC sẽ sắp lịch và thông báo cụ thể trong ngày khai mạc) qua các đêm thi diễn BTC sẽ chọn một số chương trình hay công diễn trong đêm tổng kết Hội thi tại Sân khấu Lễ hội Festival tại thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ năm 2009 gồm 2 phần hòa đờn và hòa ca.

Phần hòa ca: Bao gồm Ca bài bản, ca ra bộ, ca vọng cổ; Về ca bài bản, ca ra bộ: Chọn trong 20 bài bản tổ của âm nhạc tài tử Nam bộ gồm: Bắc, Nam, Hạ, Oán ( kể cả oán phụ) và không bắt buộc phải trình diễn trọn cả bài.

Về ca vọng cổ: Nhằm bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc này, các đội xây dựng các tiết mục ca cổ theo nhịp 8 hoặc nhịp 16 ca 6 câu từ 1 đến câu 6 (không sử dụng bài vọng cổ nhịp 32).

Phần hòa đờn: Ban nhạc của mỗi đội tham gia phải có ít nhất 3 loại nhạc cụ truyền thống trở lên (các đội được sử dụng đàn ghi ta điện nhưng không sử dụng bộ phá âm). Khuyến khích ban nhạc sử dụng tứ tuyệt “ Kìm, cò, tranh, độc huyền”. Về bài bản hòa đờn được tự do chọn trong 20 bài bản tổ và không bắt buộc thể hiện trọn bài.

Các tiết mục tham dự Hội thi tập trung vào nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, ca ngợi truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và đặc biệt là ca ngợi thành tựu đổi mới của đất nước, sự phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn của từng địa phương, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh

ĐCSVN
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6345905