Lễ hội - Sự kiện

Khai mạc Lễ hội văn hóa nghệ thuật “Ký ức cầu Long Biên”: Cầu Long Biên hôm nay và trong ký ức

12/10/2009 08:48

Festival văn hoá nghệ thuật lớn nhất trong năm 2009 này sẽ được tổ chức liên tục trong 2 ngày 10 và 11/10, góp phần tôn vinh Thủ đô Hà Nội với chiều dài lịch sử và chiều sâu văn hoá độc đáo. Đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.

Để tạo được ấn tượng cũng như gợi nhớ ký ức về cây cầu đặc biệt này, lễ hội được bắt đầu khai mạc bằng một đoàn tàu cổ đón khách từ ga Gia Lâm, chạy qua cầu và dừng tại ga Long Biên.

Suốt dọc chiều dài 1.682m của cây cầu sẽ được chia thành 12 thập kỷ (1890-2009) và mỗi thập niên được tái hiện bằng hình ảnh tư liệu của thời kỳ đó. Lần đầu tiên, cây cầu lịch sử sẽ được khoác một chiếc áo lộng lẫy, bằng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và đầy tâm huyết của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế.

Trên đoạn cầu mất nhịp bởi chiến tranh, sẽ tung bay cờ của các quốc gia được xếp thành 2 chữ "Hòa Bình" - Tiếng nói khát vọng về tình yêu cuộc sống hòa bình của dân tộc Việt Nam. 100 tác phẩm hội họa mang đề tài "Ký ức cầu Long Biên" của các nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài sẽ được trưng bày trên cây cầu.

Lễ hội sẽ là dịp trình diễn của nhiều loại hình nghệ thuật như tranh, ảnh, điêu khắc, âm nhạc, điện ảnh, diều sáo, xiếc…, để cầu Long Biên trở thành một không gian triển lãm văn hoá nghệ thuật lớn, nối quá khứ với hiện tại và nối Việt Nam với bạn bè thế giới.

Ngoài các sân khấu biểu diễn nghệ thuật truyền thống thế kỷ 19 và nghệ thuật đương đại do các nghệ sĩ trong nước và quốc tế thể hiện, còn có các khu vực chiếu phim về lịch sử cây cầu Long Biên. Các hoạt động này được phục vụ miễn phí.

Bên đầu cầu phía Gia Lâm, lễ hội thả diều sáo cùng triển lãm 99 con diều sáo do các nghệ nhân vùng đồng bằng Bắc bộ thực hiện, sẽ mang đến khán giả một không gian văn hóa truyền thống đầy thú vị. 999 ngọn hoa đăng được thả xuống sông Hồng, sẽ là một hình ảnh tuyệt đẹp của Hà Nội nhân dịp 999 năm tuổi.

Ngoài ra, những người yêu Hà Nội sẽ được thưởng lãm các bộ trang phục đặc sắc của Hà Nội thế kỷ XIX, do các sinh viên Đại học Thăng Long trình diễn. Hình ảnh các làng nghề thủ công của Hà Nội đầu thế kỷ XX cũng được tái hiện qua các bức tranh khắc gỗ của Henri Oger.

Vườn nghệ thuật được đặt tại khu công viên đầu cầu phía Gia Lâm sẽ trưng bày các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt độc đáo của nhiều họa sĩ. Lễ hội còn diễn ra hoạt động đi bộ "Vì hòa bình" như một dấu ấn mới nhân kỷ niệm 10 năm Hà Nội được UNESCO công nhận là "Thành phố vì hòa bình".

BTC cho biết, màn trình diễn ánh sáng cùng với nghệ thuật pháo bông "Cầu Long Biên hoá rồng" bế mạc lễ hội, chắc chắn sẽ để lại ấn tượng trong lòng khán giả về một điểm nhấn văn hóa của Hà Nội, trong thời khắc Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội đang đến gần.

Dường như mỗi người Hà Nội đều lưu giữ những ký ức về cây cầu nằm ngay cửa ngõ Thủ đô với bao khúc bi tráng của lịch sử. Cầu Long Biên được Công ty Daydé Pillé khởi công xây dựng vào năm 1898 và hoàn thành năm 1902. Vào thời điểm đó, cầu Long Biên là một trong bốn cây cầu dài nhất thế giới và nổi bật nhất ở Viễn Đông. Với chiều dài 1.682m gồm 19 nhịp dầm thép, cây cầu tượng trưng cho vẻ đẹp của các công trình kiến trúc lúc bấy giờ, được kết cấu theo kiến trúc của Gustave Eiffel. Cây cầu được ví là tháp Eiffel ngả mình trên sông Hồng.

BTC dự kiến, trong suốt 48 giờ (từ 0 giờ ngày 10/10 đến 24 giờ ngày 11/10) lễ hội sẽ thu hút khoảng 50.000 người tham dự trong hàng loạt hoạt động tại 2 đầu cầu cũng như trên cây cầu lịch sử này.

TTXVN
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6192593