Gia đình

Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”

30/05/2017 04:40

Nhằm thực hiện có hiệu quả các hoạt động Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” tại các ngành, các cấp và địa phương nhằm từng bước đạt được mục tiêu thành phố Hồ Chí Minh có môi trường sống tốt, học tập, làm việc và không gian sinh hoạt công cộng thân thiện, an toàn cho người dân không lo sợ với các hình thức bạo lực và phân biệt đối xử trên cơ sở giới; ngày 23 tháng 5 năm 2017, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 2568/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Mục tiêu của Đề án:

-  Phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt các mục tiêu sau:

+ Nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan và cộng đồng trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực và phân biệt đối xử trên cơ sở giới và ảnh hưởng của phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới tới sự phát triển bền vững của xã hội; chú trọng nhóm đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực, đối tượng dễ bị tổn thương do bạo lực trên cơ sở giới đảm bảo 100% nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, hỗ trợ và can thiệp kịp thời; 100% người gây bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, tư vấn hoặc có hình thức xử lý phù hợp.

+ Phấn đấu xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí mô hình thí điểm “Thành phố an toàn, không gian công cộng an toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái”.

+ Thí điểm đưa nội dung phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới vào nội quy/quy định của cơ quan, đơn vị, địa phương.

-  Tầm nhìn đến năm 2030: trên cơ sở thực tiễn triển khai các hoạt động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đề xuất Bộ, ngành Trung ương hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường thực thi pháp luật và từng bước bảo đảm hệ thống dịch vụ về phòng ngừa và ứng phó vói bạo lực trên cơ sở giới được triển khai đồng bộ trên địa bàn thành phố hướng tới môi trường sống thành phố an toàn, bình đẳng, không bạo lực.

Nội dung hoạt động Đề án:

- Nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức và người dân về chính sách, pháp luật có liên quan đến phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phân biệt đối xử về giới và ảnh hưởng của bạo lực trên cơ sở giới tới sự phát triển bền vững của xã hội.

- Triển khai thí điểm Chương trình Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái hướng đến nâng cao năng lực và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

- Kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Đề án.

Để đảm bảo các mục tiêu của Đề án, Kế hoạch đã đề ra các giải pháp thực hiện thông qua việc giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành, đoàn thể và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện cũng như nguồn kinh phí thực hiện.

Thanh Lý
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6191495