Văn hóa

Hội nghị chuyên đề “Công tác bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống và di sản văn hóa phi vật thể tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Định”

03/12/2022 06:00

Thực hiện Kế hoạch phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh về tổ chức nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, biểu diễn, giao lưu về bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống tại tỉnh Bình Định năm 2022, chiều ngày 03/12/2022, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị chuyên đề “Công tác bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống và di sản văn hóa phi vật thể tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Định”. Tham dự có các đồng chí lãnh đạo, cán bộ quản lý văn hóa, lãnh đạo Hội Nghệ sĩ SKVN, Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh, Liên chi hội NSSK Bình Định, các nhà lý luận phê bình VHNT, các nghệ sĩ, nghệ nhân,… của tỉnh Bình Định và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thông qua việc tổ chức Hội nghị chuyên đề “Công tác bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống và di sản văn hóa phi vật thể tại tỉnh Bình Định và Thành phố Hồ Chí Minh”, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều bài tham luận có sự đầu tư của các chuyên gia đến từ các Viện nghiên cứu, các trường Đại học, các cơ quan quản lý văn hóa, các tổ chức nghệ thuật. Đồng thời, Hội nghị cũng đã đặt ra nhiều nội dung trao đổi chuyên sâu về những kinh nghiệm trong công tác quản lý; đặt ra những vấn đề mang tính cấp thiết trong công tác bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian; Khẳng định sân khấu truyền thống là di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Nêu bật những thành tựu to lớn mà các thế hệ những người làm quản lý VHNT, các nghệ sĩ, nghệ nhân đã dày công vun đắp.

Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, giao thoa văn hoá với thế giới ngày càng mạnh mẽ; sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đã hình thành xã hội số, những công dân số và các điều kiện tiếp cận thuận lợi với vô số loại hình văn hoá nghệ thuật hiện đại, trong bối cảnh ấy, các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian dân tộc đứng trước muôn vàn khó khăn, nhất là nguy cơ mai một, thất truyền, thiếu hụt đội ngũ kế cận về sáng tác, trình diễn của nghệ thuật Tuồng và Hát Bội nói riêng. Cùng với yêu cầu xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chính là nhiệm vụ đòi hỏi các nhà quản lý, các văn nghệ sĩ nghệ thuật Tuồng, Hát Bội, các nghệ nhân đang hoạt động trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cần nhận diện và có những giải pháp thích ứng mang tính đột phá, gắn chặt với thực tiễn đời sống, góp phần phát huy vai trò của văn hóa – cội nguồn của “sức mạnh mềm” đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, trao đổi, thảo luận về những giải pháp để cổ vũ, khích lệ các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ, các nghệ nhân, lực lượng huấn luyện viên, vận động viên… tiếp tục phát huy tâm sức, trí tuệ, hiến kế các mô hình, giải pháp đột phá đưa nghệ thuật Tuồng, Hát Bội – “viên ngọc quý” trong kho tàng nghệ thuật Việt Nam đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ.

Hội nghị chuyên đề “Công tác bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống và di sản văn hóa phi vật thể tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Định” là cơ sở để đánh giá khách quan toàn diện hơn về vị trí, vai trò, thành tựu và cả những hạn chế của nghệ thuật Tuồng, Hát Bội cũng như những ảnh hưởng của loại hình nghệ thuật cổ truyền độc đáo này trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam và và hai địa phương; qua đó, đúc rút những kinh nghiệm quý báu trong xây dựng sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghệ thuật Tuồng và Hát Bội cùng các loại hình di sản phi vật thể trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở cửa hội nhập quốc tế.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Trọng Thủy
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6143266