Nghệ thuật biểu diễn

Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009: Vẫn chưa chuyên nghiệp !

06/10/2009 08:47

Đề tài cũ, cách dựng cũ

Nếu xét bốn yếu tố cần thiết cho một vở diễn tồn tại trong thời kỳ sân khấu cần đổi mới, gồm: tính tư tưởng, nghệ thuật, thương mại và giải trí thì một số vở kịch của các đoàn công lập chỉ đạt được tính tư tưởng.

Ba yếu tố còn lại chưa tìm được chìa khóa để tiếp cận công chúng. Vẫn với cách dàn dựng cũ, nặng nề, các vở: Đường về (Đoàn Kịch nói Nam Định), Rừng quả đắng (Đoàn Kịch nói Quân đội), Giải tỏa (Đoàn Kịch nói Hải Dương), Hoa Hải Đường (Đoàn Kịch nói Công an Nhân dân), Đối đầu (Đoàn Kịch nói Quảng Ninh) đã không tìm được sự hưởng ứng của người xem.


Vẫn với quá nhiều bục bệ được bày trên sân khấu, tính cách nhân vật cứ sáo mòn, cảm xúc người xem đang dâng trào bỗng bị chẻ ra do cách bố trí thô thiển làm giảm đi hiệu quả nghệ thuật.
Các nhân vật trong kịch dường như cứ đọc những gì được viết trong kịch bản, sự thẩm thấu từ cuộc sống trôi tuột khiến mạch kịch nhạt nhẽo. Vở Đối đầu phản ánh những chiến công của lực lượng phản gián và tình báo của công an Việt Nam đã dũng cảm làm thất bại kế hoạch đen tối của kẻ thù, thế nhưng cách bố cục vở diễn cứ như của một đội kịch thông tin lưu động.

Không chỉ khán giả phì cười với cách xử lý ngô nghê trong diễn xuất mà ngay cả hội đồng nghệ thuật cứ nhìn nhau cười để động viên “ráng xem cho hết vở”.


Vở Giải tỏa lại vướng vào căn bệnh: Xem 1/3 vở đã hiểu hết chuyện kịch. Câu chuyện xoay quanh dự án quy hoạch giải tỏa một khu đất của xã để xây dựng sân golf, khách sạn, khu nghỉ mát... mà trong khu đất đó còn có nghĩa trang liệt sĩ.

Xem vở diễn vẫn thấy sự tuyên truyền cứng nhắc, một chiều. Vở Rừng quả đắng, nhỉnh hơn về mặt dàn dựng khi bố trí con tàu trong tâm tưởng những nhân vật. Nhưng toa tàu chỉ được xử lý một vài phân đoạn và trước khi khởi hành, phải đẩy lùi tàu mới chạy.


Cách dàn dựng và đề tài quá cũ đã bó chân một số đoàn kịch công lập trong mùa hội diễn này. Đây là hệ quả tất yếu của việc xem thường tính năng động khai thác doanh thu cho kịch của các đoàn công lập đã làm ra căn bệnh chỉ quen lấy tiền Nhà nước dựng vở rồi cất vào kho.

Chưa kể có đến 2/3 kịch bản cũ xuất hiện trong hội diễn đã cho thấy hệ quả của việc thiếu đầu tư cho các nhà biên kịch trẻ. Mỹ thuật sân khấu và âm nhạc chưa tạo được sắc thái mới, chỉ một vài vở khá về mặt trang trí nhưng chưa mang tính đột phá.


Những đốm sáng


Trước hết, phải thừa nhận sự có mặt của các đơn vị sân khấu xã hội hóa trong mùa hội diễn năm nay đã cho thấy cơn khát tìm kiếm vở hay của công chúng phần nào được bù đắp.

Hội đồng nghệ thuật đã đến các điểm diễn này cùng hòa mình vào khán giả để chấm điểm. Sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả dành cho các vở: Hợp đồng mãnh thú, Ngàn năm tình sử (Kịch IDECAF); Nỏ thần, Mẹ và người tình (Kịch Phú Nhuận); Biển, Cánh đồng bất tận (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM); Trai nhảy (Kịch Sài Gòn); Ông bà vú (Nụ cười mới); Dòng nhớ (Công ty Sài Gòn Phẳng) đã chứng tỏ sự năng động của các đơn vị xã hội hóa. Các vở diễn này không còn ghế trống, có đơn vị bán vé cho khán giả vào cùng xem.


Rõ nét của sự tìm tòi về mặt nghệ thuật là ba vở: Ngàn năm tình sử, Nỏ thần và Biển. Cả ba đều có sức hút riêng, có điểm nhấn độc đáo. Nếu trước mùa hội diễn, dư luận khán giả khen ngợi hai vở kịch lịch sử: Nỏ thần và Ngàn năm tình sử thì vở Biển (tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn - NSƯT Trần Ngọc Giàu) xuất hiện trong mùa hội diễn này có sức chinh phục cao.

Vở có cách giải quyết tâm lý nhân vật mềm mại, đi vào lòng người xem nhẹ nhàng và thông điệp “ơn đền oán trả” được khai thác thấu đáo. Một số đơn vị kịch công lập đã cố gắng thu hút khán giả, bằng chứng là các vở: Điện thoại di động, Mắt phố (Nhà hát Kịch Hà Nội), Ai sợ ai (Nhà hát Tuổi Trẻ), Anh hùng và mỹ nhân, Trên cả trời xanh (Nhà hát Kịch Việt Nam).

Các vở diễn này đã tìm được sự tranh luận từ phía khán giả, nội dung kịch gần gũi với suy nghĩ của người xem, không lên gân, cao đạo và đầy lý thuyết.


Điều đọng lại khi cánh màn nhung của mùa hội diễn khép lại là gì? Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp đã chuyên nghiệp đến đâu? Định hướng được gì cho người làm nghề... Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

 

Một vài gương mặt trẻ triển vọng

Trước hết phải kể đến bốn đạo diễn trẻ của khối sân khấu ngoài công lập: Đức Thịnh (vở Nỏ thần), Vũ Minh (vở Hợp đồng mãnh thú), Hạnh Thúy (vở Dòng nhớ), Hữu Lộc (vở Ông bà vú). 

Họ đều dưới 40 tuổi, năng nổ với nghề và từ vai trò diễn viên đi lên, có người đã có thâm niên diễn tấu hài như: Hữu Lộc, Hạnh Thúy, Đức Thịnh, ngay cả Vũ Minh cũng lăn lộn với nghề rối, nhưng cả bốn đều ham học hỏi, biết vận dụng vốn sống và biết lắng nghe để hoàn thiện. 

Họ không chỉ lắng nghe khán giả đòi hỏi điều gì ở tác phẩm của mình mà còn lắng nghe đồng nghiệp, trân trọng lời góp ý của báo chí, các nhà chuyên môn để tiến hơn trong nghề. 

Bốn tác phẩm của họ đã mang lại phần hồn cho một diện mạo mới mà sân khấu kịch chuyên nghiệp rất cần.


Chất trẻ trong diễn viên phải kể đến các gương mặt: Huỳnh Đông, Hòa Hiệp, Mai Phương, Lan Phương, Xuân Trang, Thanh Vân, Lê Hay, Bình Minh, Thanh Duy... (Kịch Phú Nhuận), Đình Toàn, Đức Thịnh, Lê Khánh, Huy Khánh (Kịch IDECAF), Cát Tường, Quý Bình (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM), Hoàng Lan (Nhà hát Kịch Việt Nam), Hoàng Công (Đoàn Kịch nói Công an Nhân dân), Thu Hạnh (Nhà hát Kịch Hà Nội), Thanh Nhàn (Kịch Hải Phòng), Hạnh Thúy, Quỳnh Hương (Công ty Sài Gòn Phẳng)... 

Họ đã vào vai rất ngọt, thể hiện nhân vật rất sáng tạo gây được thiện cảm đối với khán giả. Từ cơ hội này, họ sẽ ý thức hơn trong việc nâng tầm diễn xuất để trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp có lực, có tài.

NLĐ
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6041297