Bảo tàng bảo tồn

Góp ý xây dựng Khu II Công viên Lịch sử - Văn hoá dân tộc TPHCM

28/11/2016 03:04

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 23/11, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức tọa đàm về nội dung, hình thức thể hiện Khu II (khu phong kiến dân tộc độc lập tự chủ) tại Công viên Lịch sử - Văn hoá dân tộc TPHCM (Quận 9). Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thân Thị Thư chủ trì buổi tọa đàm. Đến dự có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu; cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên các trường đại học.


GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm.

Công viên Lịch sử - Văn hoá dân tộc TPHCM được xây dựng từ năm 1992 với diện tích 403 ha, được quy hoạch thành 4 khu: khu Cổ đại, khu Trung đại, khu Cận hiện đại và khu Sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí. Công viên là một quần thể kiến trúc, cảnh quan thể hiện lịch sử, văn hoá của dân tộc Việt Nam, được quy hoạch bố cục theo dòng chảy của lịch sử. Đây là một trung tâm hoạt động văn hoá, lịch sử, một không gian sinh hoạt cộng đồng, nơi tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hoá, lịch sử, giới thiệu với nhân dân trong nước và khách quốc tế.

Đến nay, công trình trung tâm của khu Cổ đại là Đền tưởng niệm các vua Hùng trong Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc đã xây dựng hoàn tất, với biểu tượng “Chim Lạc vươn cánh bay về phương Bắc”. Dự kiến TP sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2, giai đoạn đầu tư xây dựng Khu II - Khu phong kiến dân tộc độc lập tự chủ.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng Khu II cần thể hiện những danh nhân, anh hùng dân tộc tiêu biểu của Việt Nam, như: người khởi xướng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ ngoại xâm, giành độc lập dân tộc; người đứng đầu một vương triều có đóng góp đặc biệt xuất sắc, lãnh đạo dân tộc giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên, cần phải thể hiện quan điểm toàn bộ và toàn diện lịch sử Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá cao việc TPHCM thực hiện xây dựng Công viên Lịch sử - Văn hoá dân tộc rất ý nghĩa, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt truyền thống, văn hoá, du lịch của nhân dân TP và đồng bào cả nước. GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng xây dựng khu II cần thể hiện đầy đủ 12 nhóm vương triều từ họ Khúc đến nhà Nguyễn. Bên cạnh đó, cần phải đưa vào nền văn hoá Champa ở miền Trung và vùng đất Nam bộ; vai trò của nhân dân trong thể hiện công trình.


Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thân Thị Thư phát biểu tại buổi tọa đàm.

Phát biểu kết luận tại buổi tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thân Thị Thư cảm ơn các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã đóng góp, hiến kế nhiều ý kiến tâm huyết về nội dung, hình thức thể hiện Khu II của công viên Lịch sử - Văn hoá dân tộc TPHCM. Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ tổng hợp, trình Thường trực Thành ủy về nội dung, hình thức thể hiện Khu II để làm cơ sở cho việc thực hiện quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 và sớm tiến hành xây dựng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt truyền thống, văn hoá, du lịch của nhân dân TP.

 

Long Hồ
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6040350