Gia đình

Giáo dục đời sống gia đình

22/11/2013 04:43

 Các lý thuyết về giáo dục thường chỉ ra rằng, có ba môi trường giáo dục thực hiện chức năng cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cá nhân. Đó là gia đình – nhà trường – xã hội. Nếu như chức năng giáo dục nhà trường được yêu cầu phải thực hiện một cách bài bản với những chương trình, nội dung, nhân lực và điều kiện cơ sở vật chất theo đúng tiêu chuẩn quy định của cơ quan quản lý thì việc giáo dục trong gia đình diễn ra phụ thuộc phần nhiều vào năng lực và đặc điểm của mỗi gia đình như điều kiện kinh tế, nền tảng văn hoá, môi trường sống...

Một trong những chức năng cơ bản, quan trọng của gia đình là chức năng giáo dục. Vì mỗi con người sinh ra và lớn lên trong một gia đình cụ thể, việc giáo dục của gia đình bắt đầu từ khi sinh ra cho đến cuối đời và đó là một quá trình tự giác và liên tục. Vai trò của cha mẹ, anh chị em, ông bà và những người thân khác trong gia đình đối với giáo dục là rất quan trọng, đều ảnh hưởng rất lớn đến hình thành nhân cách. Giáo dục đời sống gia đình là những hoạt động có tổ chức và nội dung cụ thể, nhằm cung cấp cho các thành viên trong gia đình những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng sống cho mỗi thành viên trong gia đình nói riêng và gia đình nói chung. Giáo dục đời sống gia đình gắn liền với việc vận dụng những kiến thức được học vào đời sống thực tiễn, tập trung vào quá trình phát triển của con người từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành, giúp các thành viên trong gia đình xây dựng mối quan hệ tương hỗ, thân thiện, gần gũi hơn, vì vậy, nó sẽ mang lại những gì tốt đẹp nhất cho các thành viên của mình.
Trong xã hội truyền thống, giáo dục đời sống gia đình thường được thực hiện thông qua các nghi lễ tôn giáo, phong tục tập quán, gia phong, gia pháp, gia đạo, gia lễ trong gia đình, dòng họ, quan hệ làng xã cũng như trong quá trình học việc cùng với cha mẹ, ông bà, anh chị em trong gia đình... Ngày nay, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên khoa học–công nghệ hiện đại với xu hướng hội nhập mạnh mẽ về mọi mặt của đời sống như kinh tế, văn hoá, xã hội... Bên cạnh những mặt thuận lợi mà quá trình hội nhập mang lại thì những yếu tố tiêu cực như sự gia tăng của chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội... hiện đang tác động mạnh mẽ đến gia đình cả trên phương diện cấu trúc cũng như những mối quan hệ nội tại trong gia đình. Rõ ràng là trong khi gia đình đang phải đối mặt với nhiều thách thức hơn so với quá khứ thì chúng ta lại có sự chuẩn bị ít hơn về giáo dục gia đình cho thế hệ trẻ. Vai trò giáo dục của gia đình nhiều nơi, nhiều lúc bị bỏ quên, “khoán trắng” cho nhà trường và xã hội. Do vậy, cần phải có sự đầu tư mạnh mẽ vào việc thực hiện tốt chức năng giáo dục gia đình, nhằm đảm bảo cho gia đình những nguồn lực cần thiết để làm tốt việc cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các thành viên trong gia đình.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Điều 37 Chương IV cũng quy định rõ nghĩa vụ và quyền giáo dục con:
1. Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập.
Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia dình đầm ấm, hoà thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường và các tổ chức xã hội trong việc giáo dục con.
2. Cha mẹ hướng dẫn con chọn nghề; tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động xã hội của con.
3. Khi gặp khó khăn không thể tự giải quyết được, cha mẹ có thể đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện việc giáo dục con.
Hiện nay, chưa có chương trình nào của Nhà nước tập trung vào việc nâng cao năng lực của các gia đình trong việc thực hiện chức năng giáo dục với các cá nhân. Tuy nhiên, các gia đình có thể tự mình nâng cao năng lực bằng cách không ngừng trau dồi những kiến thức, kỹ năng đề cập tới cách thức và nội dung giáo dục qua tài liệu, sách báo, mạng...


(Nguồn: Tài liệu giáo dục đời sống gia đình – Bộ VHTTDL)
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6327435