Nghệ thuật biểu diễn

Chương trình hòa nhạc kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Úc (1973 – 2013)

06/12/2013 09:07

Chương trình hòa nhạc kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Úc (1973 – 2013) được tổ chức tại Nhà hát Thành phố vào lúc 20h ngày 13/ 12/ 2013  13/12/2013 với sự hợp tác của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Tp HCM và Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Hội hữu nghị Việt – Úc TP HCM. Chương trình sẽ có sự tham gia biểu diễn của một tài năng âm nhạc đặc biệt người Úc, gốc Việt, nghệ sĩ piano Nguyễn Vân Anh. Cô được đánh giá là một trong những hiện tượng âm nhạc nổi bật tại Úc. Tập piano từ 15 tháng tuổi. nhận bằng Cao đẳng Âm nhạc năm 9 tuổi, và cô là người trẻ nhất được nhận bằng Licentiate Diploma vào năm 12 tuổi. Cô đã dành được một số giải thưởng tại Úc và quốc tế về biểu diễn piano. Cô từng biểu diễn nhiều nước trên thế giới như Ý, Đức, Áo, Hoa Kỳ và Đài Loan … Nguyễn Vân Anh còn là một nhà sản xuất âm nhạc và có rất nhiều hợp tác với các nghệ sỹ và ban nhạc của nhiều thể loại khác nhau như Adam Katz, Tamara Jaber, Reigan Derry, Sally Cooper, Marcello Maio, Chris Howlett (Melbourne Piano Trio)...

Khán giả sẽ được thưởng thức tài năng của Nguyễn Vân Anh qua bản Concerto cho piano của E.Grieg, một trong những tác phẩm hay nhất thời kỳ Âm nhạc Lãng mạn của thể loại này.

Bên cạnh bản Hungarian Dance số 1 rất nổi tiếng của J.Brahms, chương trình sẽ giới thiệu bản Giao hưởng số 1 của thiên tài âm nhạc vĩ đại người Đức, L.V.Beethoven.

Dàn dựng và chỉ huy toàn bộ chương trình là nhạc trưởng nhiều kinh nghiệm và thành tích tại Việt Nam, NSƯT.Trần Vương Thạch. Ông đã từng làm việc với nhiều dàn nhạc trong nước và quốc tế, đồng thời cũng là nhạc sĩ rất thành công trong lĩnh vực âm nhạc sân khấu, nhạc phim và các chương trình truyền hình. Hiện ông Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP HCM.

Thời gian: 20h ngày 13/ 12/ 2013 tại Nhà hát Thành phố, 7 Công trường Lam Sơn, P. Bến Nghé, Q.1, TP HCM. Vé được bán tại:Phòng bán vé Nhà Hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch, số 7 Công Trường Lam Sơn, Q.1,Tp HCM.

Thông tin chi tiết:

Mer. A. Trần Vương Thạch – Nhạc trưởng

Nghệ sĩ Trần Vương Thạch sinh ngày 5 tháng 7 năm 1961 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện là Chỉ huy Dàn nhạc và là Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh. Ông được phong danh hiệu Nghệ Sĩ Ưu Tú năm 2007.

Bắt đầu học đàn Violon từ năm 10 tuổi, ông đã tốt nghiệp Violon bậc Đại học tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh năm 1984 và được giữ lại làm giảng viên môn Violon tại Khoa Giao hưởng Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1986 đến 1990 là thành viên Dàn nhạc Thính phòng Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, tham gia phối khí và dàn dựng cho dàn nhạc này.

Cũng thời gian này ông theo học bậc Đại học tại chức môn Chỉ huy dàn nhạc với giáo sư Quang Hải. Từ năm 1990 đến 1996, ông du học tại Nhạc viện Hoàng Gia Thành phố Liège (Bỉ) và Nhạc viện Thành phố Maastricht (Hà Lan) dưới sự hướng dẫn của các Giáo sư: D. Gazon, J. Stulen, G. List, H. Pousseur, F. Rzewski, J.P. Rieu, P. Eotvos…Cùng thời gian này, là Chỉ huy chính của Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ “Jean-Noel Hamal” tại Thành phố Liège đã biểu diễn tại Bruxelles, Huy, Malmedy, Maastricht…và cùng với Dàn nhạc đi biểu diễn ở nhiều nước như Đức, Italia, Tây Ban Nha, Scotland, Hà Lan. Ông đã tham gia Concours các Chỉ huy trẻ tại Thành phố Besancon (Pháp).

Từ 1996 đến nay, ông là Chỉ huy Dàn nhạc tại Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh, đã biểu diễn nhiều chương trình giao hưởng tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, ĐồngTháp, Cần Thơ, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Nha Trang… Năm 2008, ông là Nhạc trưởng khách mời của Dàn nhạc giao hưởng thành phố Nis – Serbia, Dàn nhạc New Prime của Pusan – Hàn Quốc và Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Tháng 10 năm 2008, ông chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Thành phố Hồ Chí Minh tham gia biểu diễn tại Liên hoan các Dàn nhạc Châu Á tại Tokyo – Nhật Bản.

Hiện ông là Giảng viên Thỉnh giảng tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh môn Hòa tấu dàn nhạc và môn Tính năng nhạc cụ. Ông còn tham gia phối khí và dàn dựng cho các Đài Truyền Hình và các hãng băng đĩa như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Thành Audio, Sài Gòn Audio, … và các Đoàn Nghệ thuật Bông Sen, Nhà hát Hòa Bình, Đoàn Trần Hữu Trang, Đoàn Quân khu 7…Ông là nhạc sĩ hòa âm phim “Đất phương Nam” (1997), sáng tác ca khúc “Lá bàng” âm nhạc cho phim truyền hình “Viên ngọc Côn Sơn” (1998), viết nhạc cho 2 vở cải lương là “Kim Vân Kiều” (2006) và “Chiếc áo thiên nga” (2007).

Nguyễn Vân Anh - Nghệ Sỹ Piano

Michael Kieran Harvey (nghệ sỹ piano và nhạc sỹ) miêu tả cô là “một tài năng... có thể thành công ở bất kỳ nơi đâu cô ấy đến”, Vân Anh là một nghệ sỹ piano, nhà sản xuất âm nhạc và nhà soạn nhạc đầy nhiệt huyết người Úc gốc Việt.

Kết hợp âm nhạc, thời trang, ánh sáng, DJ và tính cách dễ thương, mỗi buổi hòa nhạc của Vân Anh là một trải nghiệm khiến khá giả tò mò hơn, muốn nghe, tìm hiểu và cảm nhận nhiều hơn.

Sinh năm 1987 tại Sidney, có bố mẹ gốc Việt, Vân Anh bắt đầu học piano cùng với bố mẹ (đều là nhạc sỹ) từ lúc 15 tháng tuổi. Năm lên 4, cô được nhận vào Chương Trình Nghệ Sỹ Trẻ của Nhạc Viện Sydney dành cho các nhạc sỹ tài năng. Năm 9 tuổi, cô nhận Bằng Cao Đẳng Âm Nhạc và năm 12 tuổi, cô là người trẻ nhất thế hệ nhận được nhận bằng Licentiate Diploma. Từ năm 15 tuổi, cô đã có những buổi biểu diễn trên các đài phát thanh và truyền hình của Úc như 2MBS-FM và ABC.

Vân Anh đã đạt nhiều giải thưởng danh giá trong quá trình học và biểu diễn piano ở Úc, trong đó có giải thưởng Kawai Piano (Úc), giải thưởng của Khán Giả tại Sommerklavierfest lần thứ 13 (Bad-Bertrich, Đức) và giải thưởng Tài Năng Trẻ Xuất Sắc của Văn Hóa Nghệ Thuật, New South Wales.

Cô đã mang tính cách sôi nổi và phong cách chơi đàn giàu tình cảm của mình đến nhiều khán phòng của Úc như Nhà Hát Opera Sydney, City Recital Hall, Paramatta Riverside Theatres, Spensers Live, Joan Sutherland Performing Arts Centre cũng như các sự kiện như Mostly Mozart Series, Ngày Hội Thanh Niên Thế Giới 2008, Lễ Hội Nhạc Thính Phòng Trung Quốc, Lễ Hội Âm Nhạc Crossroads, Lễ Hội Nhạc Thính Phòng Úc và các sự kiện từ thiện.

Cô cũng từng biểu diễn nhiều nước trên thế giới như Ý, Đức, Áo, Hoa Kỳ và Đài Loan. Tháng 11/2005, cô lần đầu tiên biểu diễn tại Việt Nam với Dàn Nhạc Giao Hưởng Thành Phố Hồ Chí Minh và liên tục các chương trình biểu diễn hàng năm của với Lãnh Sự Quán Úc tại Thành Phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Được biết đến với phong cách âm nhạc khá dữ dội nhưng cũng có sự nhạy cảm với nhạc nhẹ, cô đã cộng tác với các nghệ sỹ và ban nhạc của nhiều thể loại khác nhau như Adam Katz, Tamara Jaber, Reigan Derry, Sally Cooper, Marcello Maio, Chris Howlett (Melbourne Piano Trio)... Vân Anh có thể được xem là một nghệ sỹ piano hoàn hảo.

Với tư cách nhà sản xuất âm nhạc, từ những năm thiếu niên, với niềm đam mê làm nhạc nền cho các dòng nhạc hiện đại và phối khí cho dàn nhạc, Vân Anh bắt đầu mày mò với các phần mềm làm nhạc Cubase, Ableton Live và cuối cùng là Logic Pro. Với niềm yêu thích đối với tất cả các thể loại nhạc, từ nhạc cổ điển đến pop, hip-hop, dub-step, jazz, house, cô đã cộng tác với các DJ và các nhà sản xuất như M-Phazes (giải ARIA cho Album Hip-Hop năm 2010) và Matt Cahill (Vương Quốc Anh).

Kể từ đó, cô đã sản xuất và hòa âm ca khúc cho các album của một số ca sỹ Việt Nam (như Thanh Bùi, Tú Vi), tiệc Coors Light Launch tại Hard Rock Café Saigon, cuộc thi Làm Phim Ngắn trong 48 giờ và các phim ngắn khác trong năm 2012.

Năm 2012, Vân Anh cho ra mắt album crossover được sản xuất và hòa âm phối khí bởi chính cô. Album có sự cộng tác của một số nghệ sỹ đàn dây, các tay trống, các nhà thiết kế thời trang, các nhà thiết kế ánh sáng và các DJ hàng đầu của Sydney.

Johannes Brahms (1833 –1897)

Johannes Brahms là nhà soạn nhạc và nghệ sỹ piano người Đức. Ông là một trong những nhạc sỹ có nhiều tác phẩm nhất thời kỳ Lãng Mạn. Âm nhạc của ông đi ra từ nền tảng cấu trúc và kỹ thuật của các nhạc sỹ lỗi lạc thời kỳ Phục Hưng và Cổ Điển. Ông thành thạo trong nghệ thuật đối âm phức điệu và nghệ thuật phát triển. Brahms muốn tôn vinh sự thuần túy của những hình thức này của Đức và phát triển, đưa chúng vào phong cách trường phái Lãng Mạn, qua đó, tạo nên những phong cách hòa âm và giai điệu mới. Những đóng góp của ông dành được sự ngưỡng mộ bởi nhiều nhân vật thế hệ sau với những phong cách rất khác nhau, như Arnold Schoenberg và Edward Elgar.

Điệu nhảy Hungary số 1, cũng như 20 Điệu nhảy Hungary (Hungarian Dances) còn lại của Brahms, được viết cho piano bốn tay dựa trên những giai điệu dân gian Hungary. Hungarian Dances nằm trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của Brahms, cũng như đem lại cho ông nhiều lợi nhuận nhất. Sau đó, ông soạn lại 10 điệu nhảy đầu tiên cho độc tấu piano và soạn lại cho dàn nhạc các Điệu Nhảy số 1, 3 và 10.

Edvard Grieg (1843 –1907)

Edvard Grieg là nhà soạn nhạc và nghệ sỹ piano người Na Uy. Ông nổi tiếng với việc sử dụng các chất liệu dân ca Na Uy trong các tác phẩm của mình, qua đó, đưa âm nhạc Na Uy đến với thế giới. Grieg được sinh ra trong một môi trường âm nhạc. Ông bắt đầu học piano với mẹ từ năm lên sáu. Sau đó, ông theo học piano tại Nhạc Viện Leipzig. Mặc dù không quá hào hứng với kỷ luật khắt khe trong chương trình học của Nhạc Viện, ông lại rất thích đàn organ, một trong những môn bắt buộc cho các sinh viên piano.

Piano Concerto cung La thứ là bản concerto duy nhất của Grieg. Tác phẩm hay được so sánh với Piano Concerto của Schumann.  Về mặt phong cách, nó có nhiều điểm tương đồng với Schumann hơn bất cứ một nhạc sỹ nào khác. Tác phẩm là minh chứng thể hiện sự quan tâm của Grieg đối âm nhạc dân gian Na Uy.

Tác phẩm được công diễn lần đầu vào ngày 3/4/1896 tại Copenhagen. Vào năm 1870, trong một lần đến thăm Franz Liszt tại Rome, tác phẩm được Liszt biểu diễn ngay trong lần đọc đầu tiên trước khán giả là các nhạc sỹ khác. Liszt đánh giá cao tác phẩm và đưa ra một số gợi ý đã có ảnh hưởng đến nhiều lần sửa tác phẩm sau này của Grieg. Tác phẩm được sửa lại ít nhất 7 lần. Bản sửa cuối cùng, được hoàn thành vài tuần trước khi ông qua đời, có hơn 300 điểm khác nhau so với bản gốc và là bản đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Năm 1909, bản concerto lần đầu tiên được thu âm và trở thành concerto cho piano đầu tiên được thu âm. Tuy nhiên, vì điều kiện kỹ thuật, tác phẩm được rút ngắn từ khoảng 30 phút xuống còn 6 phút.

Ludwig van Beethoven (1770–1827)

Ludwig van Beethoven là nhà soạn nhạc và nghệ sỹ piano người Đức. Ông là nhân vật cầu nối quan trọng trong giữa thời kỳ Cổ Điển và Lãng Mạn trong âm nhạc phương Tây và là một trong những nhạc sỹ nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng nhất. Những tác phẩm nổi tiếng nhất của Beethoven gồm 9 bản giao hưởng, 5 concerto cho piano, 32 sonata cho piano và 16 tứ tấu dây. Ông cũng soạn những tác phẩm thính phòng, hợp xướng (trong đó có bản Missa Solemnis nổi tiếng), và các ca khúc. Thính giác của ông bắt đầu suy giảm từ khoảng năm 1800. Ông gần như hoàn toàn điếc trong 10 năm cuối đời. Mặc dù vậy, ông đã soạn một số tác phẩm nổi tiếng và kinh điển nhất vào thời gian này, trong đó có Giao Hưởng số 9.

Giao Hưởng số 1 của Beethoven được công diễn lần đầu vào ngày 2/4/1880 ở Vienna. Buổi biểu diễn đó đã chính thức giới thiệu tài năng của ông đến thành Viên. Tác phẩm mang nhiều ảnh hưởng từ thế hệ trước, đặc biệt là Haydn và Mozart. Mặc dù vậy, nó vẫn có những tính chất và tính cách của Beethoven, ví dụ như việc sử dụng sforzando (mạnh dần), và cách sử dụng kèn một cách nổi bật và độc lập. Bản giao hưởng này, được giới thiệu 5 năm sau bản giao hưởng cuối cùng của Haydn và 12 năm sau bản giao hưởng cuối cùng của Mozart (Giao Hưởng Sao Mộc), cho thấy sự tiến bộ và táo bạo trong âm nhạc. Vào thời điểm đó, tác phẩm được xem là đã đi trước thời đại.


Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6151868