Gia đình

Đôi điều suy nghĩ về giáo dục phẩm chất đạo đức người phụ nữ Việt Nam trong công tác đào tạo hướng dẫn viên du lịch

22/11/2013 04:43

 Trong bất kỳ một chuyến du lịch nào, để đạt được thành công như mong muốn, ngoài chất lượng dịch vụ: ăn uống, nghỉ ngơi; điểm tham quan, vai trò người hướng dẫn luôn được đặt lên hàng đầu. Có thể nói, nghề hướng dẫn viên du lịch thật sự là một công việc đòi hỏi rất khắc khe. Bởi đứng trước du khách, người hướng dẫn phải “hóa thân” thành những con người khác nhau: một nhà văn hóa, một nhà lịch sử, một nhà ngoại giao, một vị đại sứ giới thiệu hình ảnh, nét đẹp, nét văn hóa của con người và đất nước Việt Nam.

Chính vì lẽ đó, đặc điểm lao động của người hướng dẫn cũng có nhiều nét khác biệt so với đặc điểm lao động của các ngành nghề khác. Cụ thể:
- Hướng dẫn viên là một nghề đi nhiều, tiếp xúc với nhiều người, với nhiều nền văn hóa nên đòi hỏi họ cần có sự khéo léo trong ứng xử, dung hòa được công việc gia đình và những chuyến đi liên tục.
- Hướng dẫn viên cần phải có sức khỏe, sự dẻo dai, sự thích nghi cao để đáp ứng được cường độ làm việc, sự thay đổi không gian liên tục với nhiều loại thời tiết khác nhau.
- Đây là công việc chịu áp lực tâm lý cao vì phải luôn làm vừa lòng du khách, đảm bảo an toàn cho du khách và chịu trách nhiệm về sự thành công hay thất bại của cả chuyến đi.
- Công việc ứng phó với những tình huống phát sinh đòi hỏi hướng dẫn viên cần có một kỹ năng tốt về xử lý tình huống, linh hoạt, năng động và tháo vác trong tất cả các trường hợp.
Với những đặc điểm lao động như vậy, thì hướng dẫn viên là nữ có nhiều lợi thế hơn nam giới trong công việc của mình:
- Nhờ đặc tính nhẹ nhàng, uyển chuyển vốn có họ dễ dàng chinh phục được du khách. Chẳng hạn, khi có sự cố xảy ra như: xe hỏng, máy bay chậm giờ… du khách cũng dễ thông cảm hơn với nữ giới và phụ nữ giải quyết mọi chuyện cũng mềm mại hơn.
- Tính cẩn thận, chịu khó cộng với kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ của nghề thường đem đến sự thành công của chuyến đi.
Tuy vậy, họ cũng gặp không ít khó khăn:
- Vì đặc điểm đi nhiều, tour du lịch nhiều ngày, xa nhà cả tháng không phải là hiếm, nhất là những tour xuyên Việt; ngày lễ tết càng phải đi nhiều hơn nên sự dung hòa giữa công việc và gia đình là một việc không mấy dễ dàng. Họ cũng rất khó tìm được một nửa của mình vì khó ai có thể chấp nhận người yêu, người vợ của mình đi biền biệt cả tháng.
- Môi trường tiếp xúc đa dạng, cộng với đặc điểm đi nhiều nên hướng dẫn nữ dễ gặp nguy hiểm và bị lạm dụng cao. Họ cần phải có một bản lĩnh thật sự vững vàng để vượt qua những cám dỗ của đồng tiền, những đường dây sex tour.
- Nguy cơ nhiễm các tật xấu như: uống rượu, bia, cờ bạc, buôn lậu heroin,… tính trung thực, lòng chung thủy cũng bị thách thức.
Công tác đào tạo hướng dẫn viên tại một số trường cao đẳng, đại học ở TP.Hồ Chí Minh:
Hiện nay, điểm qua hầu hết chương trình đào tạo hướng dẫn viên ở các trường, chủ yếu truyền thụ kiến thức, ít chú ý đến các kỹ năng, đặc biệt là ở khối đào tạo cao đẳng, đại học. Bằng chứng là cả một khoảng thời gian dài nghề hướng dẫn viên không có mã ngành đào tạo riêng mà nằm trong các ngành: Việt Nam học, Quản trị du lịch, Văn hóa du lịch, Kinh tế du lịch, Địa lý du lịch. Ví dụ: đào tạo cử nhân ngành Việt Nam học, chuyên ngành Hướng dẫn viên du lịch ở trường ĐH Tôn Đức Thắng, CĐ. Văn hóa Nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh; ngành Văn hóa du lịch ở trường ĐH Văn hóa; ngành Quản trị dịch vụ du lịch & lữ hành ở trường ĐH dân lập Văn Lang,…
Có một thực tế là trong khi ngành nghề này dễ thu hút đối tượng học là nữ nhưng nhìn vào chương trình đào tạo của các trường chúng ta thấy không có một môn học hay chuyên đề nào bổ trợ cho sinh viên nữ khi môi trường làm việc của họ sau này rất nhiều cám dỗ.
Do chỉ chú trọng đến việc cung cấp kiến thức, xây dựng chương trình đào tạo cứng nhắc theo khung chuẩn quy định, xem nhẹ nhu cầu thực tế nên dẫn đến hệ quả là: sinh viên ra trường phải được doanh nghiệp đào tạo lại mới làm việc được. Bên cạnh đó, chưa kể luật cho phép người tốt nghiệp những ngành nghề khác được phép học bổ sung từ 1 - 3 tháng chuyên môn, nghiệp vụ để chuyển sang làm hướng dẫn viên.
Trước những thách thức như vậy, đồng nghiệp là hướng dẫn nam cũng phải tự “xoay sở”, tự “bơi” trong việc bổ sung các kỹ năng mềm: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống linh hoạt, để thích ứng và mang lại thành công trong nghề nghiệp. Do vậy, hướng dẫn viên nữ càng gặp nhiều khó khăn hơn ở giai đoạn bát đầu vào nghề, bởi lẽ ở giai đoạn này là giai đoạn dễ gặp “nguy hiểm” nhất nên không ít hướng dẫn nữ va vấp giai đoạn này rồi buông xuôi hay trược dài theo các thói hư tật xấu.
Mặt khác, công tác đào tạo đạo đức nghề nghiệp chưa được chú trọng, dẫn đến góc nhìn của du khách về hướng dẫn viên chưa tốt nói chung và hướng dẫn viên nữ nói riêng. Đó là hiện tượng “cò” trong việc mua sắm, cung cấp kiến thức sai, “lấy phục vụ bù kiến thức”…
Giải pháp đào tạo:
Dưới góc độ là một người làm công tác đào tạo, nhằm phát huy vai trò, giáo dục phẩm chất, đạo đức người phụ nữ Việt Nam cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nói chung và của hướng dẫn nữ nói riêng, trong công tác đào tạo hướng dẫn viên du lịch Nhà trường cần lưu tâm đến các vấn đề sau:
1. Về chương trình học, cần chú ý đến các môn học cung cấp cho sinh viên những hiểu biết, nhận thức về giới và bình đẳng giới, bổ sung những kiến thức, kỹ năng mềm như: kỹ năng ứng phó tình huống khẩn cấp; cách phòng ngừa và đối phó với các hiện tượng lạm dụng, quấy rối tình dục; kỹ năng tuyên truyền giáo dục du khách trong việc sử dụng các dịch vụ “nhạy cảm” liên quan đến thuần phong – mỹ tục Việt Nam, giúp họ tự tin và bản lĩnh hơn trong công việc sau khi ra trường.
2. Giáo dục hướng dẫn viên nữ cần thường xuyên cập nhật các kiến thức mới, luôn rèn luyện kỹ năng để đáp ứng nhu cầu công việc trong thời kỳ hội nhập sâu rộng của đất nước – mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức trong môi trường đa văn hóa.
3. Nhà trường phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh du lịch thiết lập các Câu lạc bộ hướng dẫn viên nữ để sinh hoạt, thảo luận chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong học tập và nghề nghiệp.
Doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng cần chú ý hơn về bình đẳng giới trong phân công công tác, nhằm tạo điều kiện cho hướng dẫn nữ và hướng dẫn nam phát huy tối đa năng lực của họ.
Thông qua các doanh nghiệp, các phương tiện truyền thông đại chúng, báo, đài du khách cũng cần được tuyên truyền về phẩm chất, đạo đức tốt đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam mà thông qua đại diện là những người làm công tác du lịch, những hướng dẫn nữ.
4. Vấn đề dịch chuyển lao động về du lịch năm 2015 giữa các nước ASEAN khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập. Khi đó, đòi hỏi người phụ nữ làm việc trong lĩnh vực du lịch nói chung và hướng dẫn viên nữ nói riêng cần được trang bị nhiều hơn nữa về kiến thức, văn hóa, tôn giáo và hàng loạt các kỹ năng để thích nghi với môi trường làm việc đa văn hóa, làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau. Việc làm này sẽ giúp họ dễ dàng thích nghi, hòa nhập và đi bất cứ nơi đâu cũng giữ được những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Vậy các trường, các khoa có đào tạo về du lịch, đào tạo hướng dẫn viên phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể để bổ sung vào chương trình đào tạo, thay đổi phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại, tăng cường kỹ năng nghề hơn là truyền đạt kiến thức hàn lâm.
Tóm lại, muốn giữ gìn, phát huy những nét đẹp, phẩm chất đạo đức truyền thống vốn có của phụ nữ Việt Nam nói chung và hướng dẫn nữ nói riêng, ngoài việc nắm rõ đặc điểm lao động của nghề hướng dẫn, những thuận lợi, khó khăn của họ trong hoạt động nghề nghiệp thì cũng cần lắm sự quan tâm của nhà trường, doanh nghiệp và cộng đồng, mà việc làm này trước tiên phải được chú trọng từ trong các trường học./.


(Nguồn: Bài tham luận của Th.s Lâm Ngọc Uyển Trân – Trưởng khoa Văn hóa – Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM tại Hội thảo khoa học “Giáo dục phẩm chất đạo đức người phụ nữ Việt Nam cho đội ngũ nữ hướng dẫn viên du lịch TPHCM”).
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6328128