Gia đình

Đào tạo, giáo dục nữ hướng dẫn viên du lịch những vấn đề cần quan tâm hiện nay

22/11/2013 04:43

 I.    Hướng dẫn viên du lịch và nguồn nhân lực du lịch:

1.1.    Nguồn nhân lực du lịch:

Du lịch là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, vì thế triển vọng của nguồn nhân lực du lịch, nghề hướng dẫn viên du lịch có nhiều tiềm năng để phát triển. Nguồn nhân lực ngành du lịch gồm 2 thành phần chính là nguồn nhân lực du lịch hoạt động trực tiếp và nguồn nhân lực du lịch hoạt động gián tiếp.

Nguồn nhân lực lao động trực tiếp của ngành du lịch gồm những người:

- Làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch;

- Trực tiếp đào tạo nhân lực cho ngành du lịch;

- Làm việc trực tiếp trong ngành du lịch, là cán bộ công nhân viên biên chế và hợp đồng thời vụ trong các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, lưu trú, vận chuyển khách du lịch, khu tham quan, vui chơi giải trí và kinh doanh các dịch vụ bổ trợ.

Nguồn nhân lực hoạt động gián tiếp của ngành du lịch gồm những người:

- Làm việc tại tuyến điểm du lịch, cung ứng dịch vụ lưu niệm, ẩm thực, nghỉ ngơi, giải trí, giao thông, vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý rác thải…;

- Làm công tác nghiên cứu mà kết quả có liên quan đến ngành du lịch;

- Hoạt động thông tin – truyền thông liên quan đến hoạt động du lịch;

- Làm việc ở cơ quan ngoại giao, tại các cửa khẩu, nhân viên an ninh, biên phòng, hải quan, thuế vụ, kiểm dịch… liên quan đến xuất nhập cảnh của du khách.

Nguồn nhân lực du lịch dù hoạt động trực tiếp hay gián tiếp đều cần được đào tạo. Tuy nhiên, phải tùy theo đặc điểm và hoàn cảnh cụ thể, việc đào tạo cần chọn những phương thức, nội dung phù hợp mới mang lại hiệu quả để phát triển du lịch.

1.2. Nghề hướng dẫn viên du lịch:

Qua nội dung trên, có thể thấy, hướng dẫn viên du lịch là nguồn nhân lực hoạt động trực tiếp trong ngành du lịch với những đặc điểm, yêu cầu đặc thù riêng.

Nghề hướng dẫn viên du lịch là nghề luôn được đi đây đi đó, trong nước và quốc tế không những không bị mất tiền mà còn được trả tiền; điều kiện làm việc luôn được đánh giá là “sung sướng”, môi trường làm việc đa quốc gia.

Để có điều đó, yêu cầu đối với một hướng dẫn viên du lịch cũng rất cao, đó là:

Yêu cầu chung:

Về chuyên môn: Nghề hướng dẫn viên du lịch là nghề hoạt động có điều kiện nên phải có Thẻ hướng dẫn viên du lịch và có một nền tảng văn hóa, kiến thức, ngoại ngữ tốt, có bản lĩnh nghề nghiệp để sẵn sàng đối phó với các tình huống phát sinh trong suốt thời gian dẫn tour. Nói cách khác, vai trò của hướng dẫn viên là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại, sống còn đối với một chương trình du lịch. Hướng dẫn viên du lịch là người thường xuyên tiếp xúc với du khách vì vậy cần tạo cho du khách có những giây phút thoải mái để thông qua chuyến đi mà hình ảnh điểm đến gây được nhiều ấn tượng tốt đẹp.

Về đạo đức: Người hướng dẫn viên du lịch tuyệt đối không được lợi dụng sự bỡ ngỡ của du khách để "vòi tiền" hay "ăn chặn" tiền của họ vì điều đó không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bản thân mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của đất nước, nơi du khách đến tham quan. Hướng dẫn viên du lịch có thể là người đại diện cho một đất nước để giới thiệu với du khách về văn hóa, lịch sử... của đất nước mình. Đối với tour du lịch về lịch sử, hướng dẫn viên du lịch có vai trò quan trọng để tái hiện lại phần nào lịch sử thông qua bài thuyết minh, nhất là khi vết tích chiến tranh (di tích gốc) không còn nhiều. Bài thuyết minh và cách diễn đạt của hướng dẫn viên có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng một chương trình tour.

Yêu cầu cụ thể:

- Không được say xe;

- Phải giúp doanh nghiệp lữ hành thu được lợi nhuận kinh tế và giúp du khách có thêm hiểu biết về điểm đến và các thông tin khác liên quan;

- Phải biết sử dụng ngôn ngữ (ngoại ngữ, tiếng Việt) để giới thiệu và giải thích cho du khách hiểu và thấy được vẻ đẹp, nét đặc trưng văn hóa của một vùng, một điểm tham quan cụ thể, của cả chuyến đi tại một đất nước hoặc vùng, miền nào đó;

- Tuyệt đối không được cung cấp các thông tin lệch lạc, vi phạm chính trị…;

- Phải hiểu, biết nhiều Luật khác nhau;

- Phải nắm vững, có hiểu biết sâu về văn hóa, tập quán địa phương, tộc người… nơi mình tới để hướng dẫn cho du khách tiếp cận và thích nghi;

- Phải có khả năng đi nhiều, biết rộng, hiểu sâu, giỏi về chuyên môn, vững về nghiệp vụ, luôn tự tin trong giao tiếp và biết cách quản lý con người.

II.      Đào tạo nữ hướng dẫn viên du lịch – Những vấn đề cần quan tâm hiện nay:

2.1. Đào tạo hướng dẫn viên du lịch:

Theo tiêu chí của Tổng Cục Du Lịch Việt Nam hiện nay thì hướng dân viên du lịch cơ bản được chia thành 2 loại hình: Nội địa và Quốc tế[1]. Theo đó, Hướng dẫn viên quốc tế được hướng dẫn cho khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa; hướng dẫn viên nội địa được hướng dẫn cho khách du lịch nội địa là người Việt Nam và không được hướng dẫn cho khách du lịch là người nước ngoài.

Về đào tạo và cấp chứng chỉ cho hướng dẫn viên du lịch, đến ngày 12/7/2013, Tổng cụ Du lịch Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ủy quyền cho 35 trường tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và kiểm tra ngoại ngữ. Các trường này được ủy quyền đào tạo ngắn hạn, cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch hoặc kiểm tra, cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, kiểm tra, cấp chứng chỉ ngoại ngữ du lịch theo quy định tại Thông tư 89/2008/TT-BVHTTDL[2].

Về hệ thống đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) hiện có 63 cơ sở[3] nhưng được Tổng cục Du lịch ủy quyền đào tạo ngắn hạn hoặc kiểm tra, cấp chứng chỉ theo Thông tư trên chỉ có các trường: Đại học Văn hóa TP.HCM, Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM; Đại học dân lập Văn Lang; Đại học Kinh tế TP.HCM; Đại học Dân lập Văn Hiến TP.HCM; Cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn... Trong đó, yêu cầu giáo trình đào tạo tập trung vào:

- Kiến thức về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc, từng địa phương và hiểu rõ các địa danh du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử…;

- Kỹ năng giao tiếp, ứng xử linh hoạt, có văn hóa nên đòi hỏi sinh viên phải am hiểu kiến thức về tâm lý con người, văn hóa cũng như phong tục tập quán của từng địa phương, từng quốc gia khác nhau để có thái độ ứng xử, phục vụ du khách phù hợp. Do không thể thấu hiểu từng người nên hướng dẫn viên du lịch cần thực sự linh hoạt và tinh tế trong giao tiếp và ứng xử với du khách;

- Kỹ năng tổ chức, điều hành tour, từ khâu dẫn đoàn đến thuyết minh, rồi sắp xếp bố trí nơi ăn nghỉ… làm hài lòng yêu cầu của du khách;

- Khả năng ngoại ngữ, nói được nhiều thứ tiếng càng tốt[4]. Thiếu nó, sinh viên ra trường sẽ rất khó được tuyển dụng và không có cơ hội dẫn đoàn khách quốc tế;  

- Là người “làm dâu trăm họ” nên phải kiên trì, chịu khó, luôn hòa đồng, sẵn sàng đón nhận sự thiếu tế nhị từ du khách để làm hài lòng tất cả mọi người;

- Phải biết hy sinh những sở thích hay thói quen riêng tư để hành nghề;

- Phải vắng nhà liên miên, thường phải gặp gỡ và ở cạnh những người mới quen mà thời gian bạn ở với họ còn nhiều hơn bạn ở với gia đình mình;

- Phải thông minh, nhanh nhẹn giải quyết công việc để du khách yên tâm và tin tưởng. Vì vậy, sau mỗi chuyến đi tour phải rút ra những kinh nghiệm mới để không còn lúng túng trước những tình huống phát sinh ngoài dự kiến;

- Phải có sức khỏe và không được say xe. Bởi trong suốt chuyến đi, trong khi du khách thỏa sức thư giãn và ngắm cảnh thì hướng dân viên phải luôn giữ cho mình tỉnh táo và truyền đạt những hiểu biết của mình về từng địa danh một cách sống động linh hoạt, làm sao để vừa lòng tất cả mọi du khách, để không khí chuyến đi luôn sôi động, hòa đồng…. Chuyến đi có thành công hay không, vai trò của người hướng dẫn viên mang tính quyết định. Chính vì thế, nghề này yêu cầu rất cao ở khả năng giao tiếp và xử lý tình huống. Đó là cơ sở nền tảng để có thể trở thành một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Không một công việc nào khi mới bắt đầu là dễ dàng và được thuận lợi như mình mong muốn. Đặc biệt là đối nghề hướng dẫn viên thì vạn sự khởi đầu muôn lần khó và thử thách luôn “đeo bám” trong suốt quá trình hành nghề.

2.2. Đào tạo, giáo dục nữ hướng dẫn viên du lịch - Những vấn đề quan tâm:

Như vậy, có thể thấy nghề hướng dẫn viên du lịch là một nghề hoạt động có điều kiện, với những yêu cầu về thể chất, văn hóa, đạo đức và chuyên môn rất cao mà mỗi cá nhân nếu không có sự đam mê, lòng nhiệt tình và trình độ chuyên môn tốt thì khó hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.

Ngoài những yêu cầu chung đối với một hướng dẫn viên du lịch như đã trình bày trên, đối với nữ hướng dẫn viên du lịch còn có những “lợi thế” và hạn chế khác. Việc hành nghề hướng dẫn viên du lịch đối với mọi người đã khó, đối với nữ giới, do những đặc điểm, hạn chế về giới tính, hoạt động việc đó lại càng khó hơn. Vì vậy, trong công tác đào tạo, giáo dục nữ hướng dẫn viên du lịch cũng cần có phương pháp, biện pháp, nội dung riêng, phù hợp mới hy vọng có được hiệu quả tốt khi hoạt động thực tiễn. Dù việc giáo dục, đào tạo đó là ở bất kỳ trường nào, ngành nào, ban ngành, đoàn thể nào cũng cần quan tâm, lưu ý đến những vấn đề sau:

Về lợi thế của nữ hướng dẫn viên du lịch so với nam hướng dẫn viên du lịch:

- Dễ nhận được cảm tình của du khách hơn so với nam giới (vì họ là phái đẹp);

- Giọng nói cũng dễ “đi vào lòng người hơn”, có sức thuyết phục hơn;

- Nếu có những sai sót cũng dễ được cảm thông mà bỏ qua hơn;

- Tính kiên trì, chịu khó, chu đáo… thường là lợi thế của nữ giới nên hoạt động của nữ hướng dẫn viên du lịch thường có tính “chu đáo” hơn so với nam.

Về hạn chế của nữ hướng dẫn viên du lịch so với nam hướng dẫn viên du lịch: 

- Phải ăn uống, ngủ đêm, sinh hoạt chung với đoàn người chưa hề quen biết;

- Phải xa nhà lâu ngày, thường xuyên (rất khó kiếm nửa còn lại. Nếu đã có gia đình riêng thì trách nhiệm làm vợ, làm mẹ hạn chế);

- Phải xử lý các tình huống tế nhị, bất ngờ trong quá trình đi tuor (khi bị bố trí ngủ chung phòng với lái xe, khi bị du khách nam gạ tình…);

- Di chuyển nhiều, ăn nhanh, uống nhanh, áp lực phải chăm sóc và hòa giải nhiều mối quan hệ một lúc cũng là những khó khăn của nữ hướng dân viên du lịch;

- Dễ bị cám dỗ và cạm bẫy bằng tình cảm, vật chất (ngày đi tour, tối đi khách).

Thay cho phần kết luận của tham luận này, xin trích lại một số điều đã được các nữ hướng dẫn viên du lịch tâm sự:

Phụ nữ làm hướng dẫn viên du lịch đồng nghĩa với việc chấp nhận tất cả khó khăn, phức tạp của nghề. Nhiều nữ hướng dẫn viên không thể vượt qua những tình huống khó xử khi đi tour, đã bỏ đoàn ra về ngay trong đêm khuya, hoặc bỏ nghề.

Làm nghề như chúng em tiếp xúc với nhiều khách du lịch nên phải tỉnh táo và cần biết giới hạn, nếu không rất dễ vướng vào bẫy tình.

Hướng dẫn viên du lịch không có lương mà sống bằng tiền hoa hồng và tiền bo của khách, ban ngày là hướng dẫn viên du lịch, ban đêm "đi khách".

Để thành công thì làm nghề gì cũng cần phải có sự đam mê. Tuy nhiên sự khắc nghiệt và ưu đãi đặc trưng của nghề hướng dẫn viên du lịch cần một sự đam mê và nhiệt huyết nhiều hơn. Bạn muốn đến mọi nơi trên thế giới mà không cần tiền? Hãy làm hướng dẫn viên du lịch.

Phụ lục 1

Hướng dẫn viên du lịch

 

Theo Tổng cục Du lịch Bộ VHTTDL, đến hết tháng 5-2011 tổng số Hướng dẫn viên (HDV) du lịch quốc tế có thẻ hành nghề trên toàn quốc là 5.272 người.

Trong đó chỉ có:

171 HDV sử dụng ngoại ngữ hiếm như: Tây Ban Nha, Thái Lan, Ý, Hàn, Lào, Bulgaria, Indonesia, Romania và Hungary.

HDV sử dụng tiếng Anh là 2.863 người, tiếng Pháp 872 người, tiếng Trung 694 người, tiếng Nhật 349 người…

Theo các công ty dịch vụ lữ hành lớn, tại TP.HCM chỉ có số lượng HDV sử dụng tiếng Anh là đủ đáp ứng nhu cầu vào mùa cao điểm của du lịch nước ngoài, còn lại rất khó tìm được HDV có thẻ hành nghề nói được những ngoại ngữ khác tiếng Anh, Pháp, Trung, Nhật.

Một số địa phương và doanh nghiệp lữ hành đã có kiến nghị Tổng cục Du lịch cấp thẻ đặc cách hoặc tạm thời cho những đối tượng sử dụng thành thạo ngoại ngữ ít thông dụng (các ngoại ngữ khác tiếng Anh), có nguyện vọng trở thành HDV nhưng chưa đáp ứng đủ điều kiện về trình độ của HDV quốc tế.

Sở VHTTDL TP.HCM đã lập danh sách hơn 230 HDV đủ tiêu chuẩn trình tổng cục cấp thẻ đặc cách hoặc tạm thời.

 

Phụ lục 2

Cơ sở đào tạo du lịch tại  TP.HCM

TT

Cơ sở đào tạo

Địa chỉ

1

ĐH KHXH&NV TP.HCM

10 - 12 Đinh Tiên Hoàng, Bến Nghé, Q1, TP.HCM

2

Học viện hàng không VN

18A1 Cộng Hoà, P.4, Q. Tân Bình, TP. HCM

3

ĐH Tài chính-Marketing

306 Ng/ Trọng Tuyển, P.1,Tân Bình, TP.HCM

4

ĐH Công nghiệp TP.HCM

12 Nguyễn Văn Bảo, P.4, Q. Gò Vấp, TP.HCM

5

ĐH Kinh tế TP.HCM

59C Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q. 3, TP.HCM

6

ĐH Sài Gòn

Số 273 An Dương Vương, P.3, Q. 5, TP.HCM

7

ĐH Văn hóa TP.HCM

51 Quốc Hương, FThảo Điền, Q.2, TP.HCM

8

ĐH Quốc tế Hồng Bàng

215 Điện Biên Phủ, P.15, Bình Thạnh, TP.HCM

9

 ĐH Hùng vương TP.HCM

342 Nguyễn Trọng Tuyển, P.2, Tân Bình, TP.HCM

10

ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM

144/24 Đ.Biên Phủ, P.25, Bình Thạnh, TP.HCM

11

ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM

Số 155 Sư Vạn Hạnh, P.13, Q.10, TP. HCM

12

ĐH Văn Hiến

111 Phan Đăng Lưu, P.7, Phú Nhuận, TP. HCM

13

ĐH Dân lập Văn Lang

45 Nguyễn Khắc Nhu, Cô Giang, Q.1 TP.HCM

14

ĐH Hoa Sen

93  Cao Thắng, P.3, Q.3, TP. Hồ Chí Minh

15

ĐH Quốc tế Sài Gòn

706A Quốc lộ 52, P.Hiệp Phú, Q.9, TP.HCM

16

ĐH Nguyễn Tất Thành

300 Nguyễn Tất Thành, P.13, Q.4, TP.HCM

17

CĐ Công nghiệp thực phẩm TP.HCM

40 Lê Trọng Tấn, P.Tây Thạnh, Q. Tân Phú, TP.HCM

18

CĐ Kinh tế đối ngoại

287 Phan Đình Phùng, P.15, Phú Nhuận, TP.HCM

19

CĐ Bách Việt

778/B1 Nguyễn Kiệm, P.4, Q. Phú Nhuận, TP.HCM

20

CĐ Kỹ thuật c.nghệ Vạn Xuân

15K Phan Văn Trị, P.7, Q. Gò Vấp, TP. HCM

21

CĐ Kinh tế công nghệ TP.HCM

08, đường số 3 Cư Xá Lữ Gia, F15, Q.11, TP.HCM

22

CĐ VH-NT và DL Sài Gòn

83/1 Phan Huy Ích, P.12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

23

CĐ C/nghiệp Thực phẩm TP.HCM

140 Lê Trọng Tấn, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP. HCM

24

CĐ Kinh tế- kỹ thuật Miền Nam

64/2B Cây Trâm, Phạm Văn Chiêu, Gò Vấp, TP. HCM

25

ĐH Tôn Đức Thắng

Đường Nguyễn Hữu Thọ, P. Tân Phong, Q.7, TP.HCM

26

Trung cấp Âu-Việt

371 Nguyễn Kiệm, P.3, Q. Gò Vấp, TP. HCM

27

TC DL và khách sạn Saigontourist

23/8 Hoàng Việt, P.4, Q. Tân Bình, TP.  HCM

28

TC Đông Dương

577 QL 13, P. Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM

29

TC Kinh tế công nghệ Đại Việt

01 Đoàn Kết, P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM

30

TC K/tế kỹ thuật S/Gòn

4A-8A Nguyễn Thái Sơn, P.3, Q. Gò Vấp, TP. HCM

31

 TC Kinh tế-Kỹ thuật Tây Nam Á

254 Lê Trọng Tấn, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM

32

TC Kỹ thuật và N/vụ Nam Sài Gòn

47 Cao Lỗ, P.4, Q.8, TP. Hồ Chí Minh

33

TC Mai Linh

3 Nguyễn Văn Đậu, P.5, Q. Phú Nhuận, TP.HCM

34

TC Dân lập K/tế - Kỹ thuật Phương Đông

98 Phan Văn Hớn, P.Tân Thới Nhất, Q12, TP.HCM

35

TC Phương Nam

1333A Thoại Ngọc Hầu, Hòa Thạnh, Tân Phú, TP.HCM

36

TCTây Bắc

83A Bùi Thị He, Khu phố 1, Củ Chi, TP.HCM

37

TC Chuyên nghiệp Tây Sài Gòn

Bàu Sim, xã Tân Thông Hội, Huyện Củ Chi, TP. HCM

38

TC Tin học kinh tế Sài Gòn

12-18 Nguyễn An Ninh, F14, Bình Thạnh, TP. HCM

39

TC Kinh tế - Công nghệ Gia Định

300B Nguyễn Tất Thành, P.13, Q.4, TP. HCM

40

TC Kinh Tế và DL TânThanh

101/37 Gò Dầu, Q. Tân Phú, TP. HCM

41

TC Tân Việt

516 Lê Quang Định, P.1, Q. Gò Vấp, TP. HCM

42

TC Tổng hợp Đông Nam Á

29/19 Phan Văn Hớn, Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM

43

TC Vạn Tường

469 Lê Hồng Phong, P.2, Q.10, TP. HCM

44

TC Kinh Tế-Công nghệ Việt Khoa

17 Núi Thành, P.13, Q. Tân Bình, TP. HCM

45

CĐ Công nghệ Thủ Đức

53 Võ Văn Ngân, P. Linh Chiểu, Q. Thủ Đức, TP.HCM

46

CĐ Kinh tế  TP.HCM

33 Vĩnh Viễn, P.2, Q.10, TP.  Hồ Chí Minh

47

CĐ VH-NT TP.HCM

5 Nam Quốc Cang, Phạm Ngũ lão, Q.1, TP.HCM

48

TC Nghề Nhân lực Quốc tế

6 Phan Đình Giót, P.2, Q. Tân Bình, TP. HCM

49

CĐ Kinh tế đối ngoại

287 Phan Đình Phùng, P.15, Phú Nhuận, TP.HCM

50

Nghiệp vụ nhà hàng TP.HCM

153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.17, Bình Thạnh, TP.HCM

51

CĐ Nghề Du lịch Sài Gòn

347A Nguyễn Thượng Hiền, P.11, Q.10, TP.HCM

52

TC Nghề Việt Giao

193 Vĩnh Viễn, P.4, Q.10, TP. HCM

63

Dạy nghề DL và Tiếp thị Quốc tế

27 Phan Đăng Lưu, P.3, Bình Thạnh, TP. HCM

(Nguồn: Bài tham luận của Th.s Nguyễn Hùng Khu - Trưởng phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Cục Công tác phía Nam BVHTTDL tại Hội thảo khoa học “Giáo dục phẩm chất đạo đức người phụ nữ Việt Nam cho đội ngũ nữ hướng dẫn viên du lịch TPHCM”)

 

[1] Xem thêm tại Phụ lục 1.

[2] Nguồn Vụ Lữ Hành – Tỏng cục Du lịch Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

[3] Xem thêm tại phụ lục 2.

[4]Quy định trình độ ngoại ngữ đối với HDV du lịch Quốc tế, Ban hành tại Quyết đinh số 1417/QĐ-BVHTTDL ngày 14/4/2009 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.


Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6330923