Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
17/11/2016 11:00Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo quyết định số 194/QĐ-UB ngày 05 tháng 9 năm 1987 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
Thông tin liên hệ:
- Địa chỉ: 97 – 97 A Đường Phó Đức Chính, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Số điện thoại: 38.294.441 – 38.216.331
- Số Fax: 38.213.508
- Email: bt.mt.svhtt@tphcm.gov.vn
- Website: baotangmythuattphcm.com
Chức năng, nhiệm vụ:
- Đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn nghệ thuật của công chúng thành phố, đồng thời là nơi tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu của giới yêu nghệ thuật và giới thiệu với du khách nước ngoài về nền Mỹ thuật của khu vực nói riêng và của Việt Nam nói chung.
- Thường xuyên tổ chức triển lãm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tại tòa nhà II
Quá trình hình thành:
- Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo quyết định số 194/QĐ-UB ngày 05 tháng 9 năm 1987 của Ủy Ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh và tọa lạc số 97A Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, quận I, TP. Hồ Chí Minh. Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh ra đời là một nhu cầu thiết yếu đối với một thành phố lớn, một trong những trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị… của cả nước.
- Khu nhà của Bảo tàng Mỹ thuật trước đây là của dòng họ Hui Bon Hoa – một thương nhân người Hoa, người Sài Gòn quen gọi là Chú Hỏa. Khu nhà được xây dựng không phải với công năng của một bảo tàng, mà là nhà ở và làm việc. Toà nhà được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX kết hợp một cách hài hòa của kiến trúc phương Đông trong trang trí bên ngoài, mái ngói, cột ốp gốm và các trang trí bằng gốm trên mái nhà… Trong các toà nhà này đã từng tồn tại nhiều đồ vật có giá trị mỹ thuật bằng nhiều chất liệu và có giá trị thẩm mỹ; từ đồ gỗ cẩn ốc xà cừ, đồ gỗ chạm tinh xảo, đồ gốm…
- Thực hiện kế hoạch cải tạo và mở rộng, năm 2011, Bảo tàng đã hoàn thiện giai đoạn I, khai trương tòa nhà II, giai đoạn II khai trương tòa nhà III năm 2015 mở rộng diện tích trưng bày.
- Sau một thời gian chuẩn bị về cơ sở vật chất và hiện vật, cuối tháng 5 năm 1989 Bảo tàng đã chính thức mở cửa phục vụ khách tham quan. Đến nay Bảo tàng đã có hơn 22.000 hiện vật được phân chia thành những bộ sưu tập quý giá. Hiện vật của Bảo tàng chia thành 02 mảng chính: mỹ thuật cổ, đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống và mỹ thuật đương đại với những sưu tập quí như Ký họa kháng chiến, tác phẩm các họa sĩ trường Đông Dương, Gia Định, hay của các tác giả Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Diệp Minh Châu, Kim Bạch, Đinh Rú, Quách Phong… phản ánh những nét đặc trưng cơ bản của mỹ thuật khu vực TP. Hồ Chí Minh và khu vực Nam bộ. Công tác trưng bày là một trong những khâu được chú trọng nhằm giới thiệu một cách hệ thống sự phát triển của mỹ thuật khu vực TP. Hồ Chí Minh và các vùng lân cận, thu hút khách tham quan ngày càng đông. Hệ thống trưng bày giới thiệu:
Tòa nhà 1: Mỹ thuật hiện đại – Tác phẩm của các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương, Gia Định – Mỹ thuật hiện đại trước và sau năm 1975.
Tòa nhà 2: Trưng bày chuyên đề các sưu tập hiện vật của Bảo tàng – Trưng bày các chuyên đề tác giả, tác phẩm.
Tòa nhà 3: Mỹ thuật cổ, cận hiện đại (mỹ thuật chất liệu đá, chất liệu gốm, chất liệu gỗ, chất liệu đồng).
- Bên cạnh đó, hàng năm Bảo tàng thường xuyên tổ chức triển lãm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tại tòa nhà II. Mỗi năm trung bình từ 10 - 25 đợt trưng bày; trong đó có nhiều triển lãm quốc tế: kỷ niệm 50 ngày thành lập Liên Hiệp quốc, tác phẩm của các nước khối ASEAN, tranh của các họa sỹ Nga, Trung Quốc, Mỹ, Italia, Canada, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Indonesia… Bảo tàng cũng luôn ủng hộ những chủ trương về việc tuyên truyền về mỹ thuật Việt Nam đối với thế giới, gởi hiện vật trưng bày tại Trung Quốc, Áo – Bỉ, Nhật Bản, Mỹ, Singapore…
- Tháng 5 năm 2012, Bảo tàng đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố. Và tháng 5 năm 2015, Bảo tàng đã hoàn tất việc chỉnh lý toàn bộ hệ thống trưng bày của Bảo tàng tại 3 tòa nhà, quy hoạch khu vườn tượng, trang trí cây cảnh, các tòa nhà cũng được sơn sửa, trùng tu tạo nét đẹp tổng thể của một bảo tàng chuyên ngành mỹ thuật.